Khó kiểm soát thực phẩm chức năng trôi nổi

ANTĐ - Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế cho biết, 80%  vi phạm về ATTP bị cơ quan này xử phạt từ đầu năm 2015 đến nay là về quảng cáo, kinh doanh thực phẩm chức năng. Đáng chú ý, những chiêu trò quảng cáo, kinh doanh thực phẩm trái phép ngày càng tinh vi khiến việc kiểm soát hết sức khó khăn.
Khó kiểm soát thực phẩm chức năng trôi nổi ảnh 1

Đoàn thanh tra liên ngành ATVSTP TP Hà Nội kiểm tra tại một cơ sở sản xuất

Xử phạt 172 cơ sở vi phạm 

Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng giám sát ngộ độc – Cục ATTP cho biết, trong khi số vụ ngộ độc thực phẩm có xu hướng giảm thì số cơ sở vi phạm các quy định về ATTP bị xử lý, xử phạt lại gia tăng mạnh. Ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra – Cục ATTP cho biết, Cục ATTP từ đầu năm đến nay đã xử phạt 172 cơ sở vi phạm với số tiền trên 3,1 tỷ đồng. Trong đó, số cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng chiếm trên 80% (137 cơ sở) với số tiền xử phạt trên 2,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, Cục cũng đã thu hồi 11 giấy xác nhận công bố ATTP, 5 giấy xác nhận nội dung quảng cáo, tạm dừng lưu thông 49 lô sản phẩm, thu hồi tiêu hủy nhiều sản phẩm khác. Đại diện Cục ATTP cảnh báo, những tháng cuối năm, ngộ độc thực phẩm sẽ có xu hướng gia tăng, nhất là ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm phục vụ lễ hội, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán… Do vậy, công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm cần tiếp tục được đẩy mạnh.

Từ 15-11, có thanh tra ATTP ở cấp xã

Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, sai phạm trong quảng cáo, kinh doanh thực phẩm chức năng hiện vẫn rất nhức nhối. Để khắc phục, Cục ATTP sẽ tiếp tục rà soát lại hệ thống văn bản liên quan để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, trong đó riêng với thực phẩm chức năng, Cục sẽ ban hành tiêu chuẩn, điều kiện về sản xuất theo hướng tiến tới bắt buộc phải tuân thủ GMP (thực hành tốt sản xuất thực phẩm chức năng). 

Cục trưởng Cục ATTP chia sẻ, cái khó là  xử lý các đơn vị quảng cáo thực phẩm chức năng qua tờ rơi tự in ấn hoặc không có địa chỉ, tên cơ quan in ấn, số cấp phép, đăng quảng cáo trên các mục rao vặt, trang web chưa được cấp phép hay mạng xã hội. Ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định, các sản phẩm thực phẩm là hàng xách tay bán ra thị trường dưới mọi hình thức đều là vi phạm pháp luật bởi hàng xách tay chỉ được sử dụng cho mục đích cá nhân.

Một “cái khó” nữa là lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP hiện nay quá mỏng. “Cả nước hiện có chưa đến 200 thanh tra chuyên ngành về ATTP trong khi có đến 500.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần phải thanh kiểm tra hàng năm. Mặt khác, đặc thù của nước ta là sản xuất thực phẩm chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình. Công tác quản lý chủ yếu nằm tại các xã phường và quận huyện, song hiện nay, hệ thống chuyên trách về ATTP mới chỉ dừng ở cấp tỉnh” - Cục trưởng Cục ATTP nói.

Để khắc phục vấn đề này, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết, thực hiện Quyết định 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ 15-11 tới đây, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM sẽ chính thức triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại cấp quận/ huyện, xã/ phường. Theo đó, mỗi thành phố sẽ chọn ra 5 quận/ huyện và 10 xã/ phường để triển khai trên tinh thần sử dụng ngay nhân lực sẵn có chứ không tăng biên chế. Hiện Cục ATTP đã tổ chức tập huấn cho các cơ quan chức năng ở 2 địa phương này để có thể triển khai đúng thời gian quy định.