Khó kiểm soát giá cả dịp Tết

ANTĐ - 2 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Thời điểm này, các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng bao trùm cả các doanh nghiệp sản xuất và phân phối. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội trao đổi với PV ANTĐ xung quanh vấn đề này.

Hàng bình ổn giá phải góp phần điều tiết giá cả thị trường

- PV: Thưa ông, tình hình chuẩn bị hàng Tết của các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn Hà Nội hiện giờ ra sao?

- Ông Vũ Vinh Phú: Hiện tại, cơ bản các siêu thị đã ký xong hợp đồng với nhà phân phối hoặc doanh nghiệp sản xuất. Một số siêu thị đã tập kết lượng nhỏ hàng khô: măng, miến, bánh kẹo... về bán, còn hàng tươi sống thì chưa tập kết. Các doanh nghiệp còn đang nghe ngóng thị trường. Năm nay, cả các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối và sản xuất đều rất thận trọng vì sức mua yếu.

- Vậy giá cả hàng Tết đã có chiều hướng biến động chưa?

- Khoảng một tuần nay, thịt lợn, rau xanh, cá tươi... đã lên giá. Tiểu thương vin vào cớ thịt lợn hơi tăng từ 38.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg để tăng thêm 5.000-7.000 đồng/kg thịt. Rau xanh cũng tăng thêm mấy trăm đồng một mớ hoặc 1kg. 

- Có thể hiểu các mặt hàng tươi sống sẽ tiếp tục tăng giá khi giáp Tết hơn không, thưa ông?

- Các mặt hàng tươi sống sẽ tăng giá, đặc biệt vào dịp cao điểm từ 27 đến 29-12 Âm lịch. Theo đó, thịt gà, thịt lợn, cam sành, chuối xanh, cá chép... có thể tăng từ 10-30%, thậm chí tăng tới 50% do cầu tăng đột biến. Lúc đó cũng không có cơ quan chức năng nào ra chợ để kiểm soát việc tăng giá cả. Tuy nhiên, các mặt hàng khác như: chè, thuốc lá, bánh kẹo, rượu bia... sẽ tương đối ổn định. 

Hiện nay, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung cấp hàng hóa Tết, nhưng hợp đồng cũng chỉ đảm bảo khoảng 70% lượng hàng, 30% còn lại là linh động theo thị trường. Trong số hàng hóa đã chuẩn bị, hầu hết các siêu thị tổng hợp đều dự trữ cả hàng cao cấp và hàng bình dân, chủ yếu là hàng bình dân.

- Sức mua yếu mà hàng hóa tăng giá mạnh, liệu người tiêu dùng có chấp nhận?

Dự báo giá tăng vọt này là do cầu tăng đột biến. Năm hết Tết đến, người dân buộc phải chấp nhận do không có lựa chọn khác. 

- Các cơ quan chức năng cho biết sẽ đảm bảo cung cầu cũng như giá cả hàng hóa dịp Tết, không để hàng hóa tăng giá đột biến?

- Khẳng định này nhằm làm an lòng người dân, nhưng thực sự khó thực hiện. Cơ quan chức năng cần trả lời cho người dân các câu hỏi: Hàng dự trữ hiện để ở đâu? Doanh nghiệp nào dự trữ? Hàng này được bán ở đâu để người dân đến mua? Khi nhà nước mới nắm khoảng 5% thị trường thì đảm bảo không tăng giá là việc khó. 

- Nhà nước đã giao cho các doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá nếu giá tăng đột biến?

- Thông tin phía Nam cho biết, mặt hàng trứng gà đã tăng lên 3.000 đồng/quả. Trong khi đó, có một doanh nghiệp đã ký hợp đồng bình ổn giá với các siêu thị là 2.400 đồng/quả nên tiểu thương vào siêu thị vơ vét hết, mang ra chợ bán kiếm lời. Doanh nghiệp này buộc phải đề nghị tăng thêm 200 đồng/quả để tránh tình trạng trên. Nói như thế để thấy bình ổn giá đang chạy theo thị trường. Bình ổn giá ép mua, ép bán, doanh nghiệp thiệt hại, người tiêu dùng không được hưởng lợi. Theo tôi nếu không đủ lực thì không nên rải chương trình bình ổn giá ra với 10 nhóm hàng, mà chỉ nên tập trung vào một số nhóm hàng.

- Theo ông, nên loại bỏ những nhóm hàng bình ổn giá nào?

- Nhóm hàng, mặt hàng nào thì nên để thị trường tự do quyết định, linh hoạt theo từng thời điểm để tung mặt hàng bình ổn giá ra, giữ ổn định thị trường. Về cơ bản, chỉ cần dự trữ các mặt hàng: thịt lợn, thủy hải sản tươi sống và thịt gà. Sốt giá là tung ra. Rải ra nhiều mặt hàng sẽ không hiệu quả, còn khiến doanh nghiệp lựa chọn sai mặt hàng. Ví dụ như thủy hải sản đông lạnh, người Hà Nội rất ít ăn; hay như mặt hàng gạo cao cấp như tôi đã nói nhiều lần.

Đảm bảo đủ thực phẩm Tết Nguyên đán

Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ thường xuyên bám sát tình hình sản xuất chăn nuôi, kịp thời có phương án đảm bảo đủ thực phẩm cho tiêu dùng, tránh thiếu và tăng giá đột biến trong dịp tết Quý Tỵ; thống kê nguồn giống và thông tin kịp thời về thị trường các loại giống vật nuôi để người chăn nuôi và các doanh nghiệp biết, kịp thời điều chỉnh đảm bảo có đủ giống chất lượng cho sản xuất; tăng cường kiểm soát nhà nước về chất lượng con giống, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển giống. 

Bên cạnh đó, Bộ này cũng yêu cầu các đơn vị, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phối hợp với Cục Thú y và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát gia cầm nhập lậu và trâu, bò; kiểm soát quyết liệt dịch bệnh và nhập lậu gia súc, gia cầm, nhưng không gây cản trở lưu thông thực phẩm và gia súc, gia cầm giữa các vùng, miền trong nước.