Khó khăn bủa vây vận tải khách liên tỉnh, gỡ cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vận tải khách liên tỉnh dù đã vận hành trở lại 1 tháng nay nhưng khó khăn vẫn chồng chất, xe khách rơi vào tình trạng “ngày chạy, ngày nghỉ”.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, hiện tại, 100% Sở GTVT đã triển khai Quyết định 1812 của Bộ GTVT đến các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe, trạm dừng nghỉ, các đơn vị có liên quan.

Vận tải hành khách nội tỉnh bằng xe buýt, taxi, xe hợp đồng, du lịch cũng được các tỉnh, thành phố cho phép hoạt động và các Sở GTVT đã triển khai đưa các loại hình này tại địa phương vào hoạt động.

Cũng theo bà Hiền, kể từ khi thực hiện theo Quyết định 1812, 100% Sở GTVT đã xây dựng phương án khai thác tuyến vận tải khách liên tỉnh, gửi lấy ý kiến của Sở đầu đối lưu để thống nhất, triển khai thực hiện và đã tổ chức khai thác tuyến.

Về kết quả cụ thể, từ ngày 16/10 - 7/11, đã có 58 Sở GTVT đưa các tuyến vận tải khách liên tỉnh vào hoạt động với tổng số tuyến đang khai thác hơn 3.200 tuyến, số chuyến xe hoạt động thực tế hơn 33.000.

Cảnh vắng vẻ tại các bến xe khách liên tỉnh trong nhiều ngày qua

Cảnh vắng vẻ tại các bến xe khách liên tỉnh trong nhiều ngày qua

Tổng số xe hoạt động hơn 9.600 xe với tổng số khách vận chuyển đạt gần 185.000 khách, bình quân hơn 8.000 khách. Riêng tỉnh Hà Giang đã dừng khai thác tuyến từ ngày 1/11 do dịch bùng phát mạnh trở lại.

Tuy vậy, bà Hiền nhìn nhận, số lượng vận chuyển khách của vận tải khách liên tỉnh còn thấp so với bình thường. Theo bà Hiền, lưu lượng hành khách đi lại tại địa phương rất ít, chủ yếu những người dân còn mắc kẹt lại trong thời gian thực hiện giãn cách, đi từ các vùng dịch trở về.

Thống kê của Công ty CP Bến xe Hà Nội cho thấy, trong 1 tháng đầu hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh khởi động (15/10-15/11), ba bến xe lớn trên địa bàn thành phố gồm Mỹ Đình, Gia Lâm và Giáp Bát đã có 12.300 lượt xe chạy, vận chuyển 45.700 khách đi. Sản lượng này chỉ đạt 20% so với trước kia cả về công suất xe và lượng khách.

Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 tại một số tỉnh, thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 vẫn còn tăng hàng ngày.

Người dân còn e ngại ra đường, lo ngại lây nhiễm từ cộng đồng khi đi phương tiện xe khách công cộng nên hoạt động vận tải bị ảnh hưởng lớn. Hành khách vẫn còn lo sợ tình hình dịch bệnh Covid-19, chỉ đi lại khi thực sự cần thiết.

Việc khách ít khiến hoạt động của doanh nghiệp chưa hiệu quả. Do thời gian giãn cách dài, nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động kiểu thăm dò, chưa mạnh dạn xây dựng phương án để khai thác trở lại.

Một số đơn vị kinh doanh vận tải đã đăng ký nhưng vẫn chưa đưa phương tiện vào khai thác.

Do không đủ chi phí, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách vẫn còn khá dè dặt tăng chuyến. Lượng phương tiện tham gia hoạt động vận tải không nhiều, doanh nghiệp vận tải chưa mạnh dạn đưa xe vào bến xe để hoạt động trở lại.

Chính vì vậy, khi được phép hoạt động một số tuyến, lưu lượng phương tiện vào bến rất thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe tại địa bàn một số tỉnh còn thấp cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp.

Trước những khó khăn trên, bà Hiền cho hay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế địa phương đánh giá kịp thời cấp độ dịch đến cấp xã/phường/thôn tại các địa phương và đăng trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế để Sở GTVT, các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe tại địa phương tra cứu và thống nhất tổ chức hoạt động vận tải phù hợp theo quy định.

“Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị các địa phương có kế hoạch tiếp tục tập trung phân bổ vaccine và khẩn trương tiêm cho lái xe, nhân viên phục vụ và cán bộ công nhân viên tại bến xe, trạm dừng nghỉ để đảm bảo nguồn lực tham gia hoạt động vận tải, gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19”- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho các đơn vị vận tải bị ảnh hưởng của dịch; đồng thời cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.