Chất vấn Bộ trưởng Bộ xây dựng Trịnh Đình Dũng:

Khó khắc phục triệt để thất thoát, lãng phí trong xây dựng

ANTĐ - Ngay trong lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận được rất nhiều câu hỏi xoáy thẳng vào nội dung thất thoát, lãng phí từ các công trình xây dựng, dẫn đến chất lượng công trình yếu kém.

Số tiền nợ đọng thất thoát 10.676 tỷ đồng do Thanh tra Chính phủ kết luận,

không hẳn mất đi mà do vi phạm nguyên tắc. Bộ trưởng bộ xây dựng Trịnh Đình Dũng

ĐBQH Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) là người mở đầu với câu hỏi: Chất lượng công trình xây dựng tái định cư, công trình thủy điện Sông Tranh 2, Đắk Krông 3, tháp truyền hình Nam Định… ra sao khi liên tiếp xảy ra các sự cố? Trách nhiệm của Bộ Xây dựng về vấn đề này đến đâu? Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thẳng thắn thừa nhận, lãng phí thất thoát trong đầu tư xây dựng, trong đó có chất lượng công trình xây dựng đã có từ lâu, là vấn đề nan giải và khó khắc phục một cách triệt để. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó công tác quy hoạch, kiểm soát chất lượng còn hạn chế… Theo Bộ trưởng Xây dựng, để khắc phục tình trạng này, Bộ sẽ phối hợp cùng các bộ ngành, địa phương hoàn thiện các chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng. Bộ cũng đã trình Chính phủ quy định nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các công trình xây dựng, tăng cường năng lực của nhà thầu, tư vấn thiết kế, giám sát… để loại những nhà thầu, đơn vị thi công kém chất lượng và thông tin này sẽ được công bố rộng rãi để chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu. Cùng đó, sẽ nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ. 

Cũng theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, hiện cả nước có khoảng 54.000 công trình đang được đầu tư xây dựng, cơ bản được kiểm soát về mặt chất lượng, tuy nhiên vẫn còn công trình kém chất lượng, gây thiệt hại về tiền và tài sản, tính mạng của người dân. Các sự cố công trình này xảy ra chủ yếu từ cấp 3, nghĩa là xây dựng tư nhân. Những công trình xây dựng bằng vốn ngân sách hoặc công trình trọng điểm Quốc gia cũng xảy ra sự cố nhưng tỷ lệ nhỏ, chẳng hạn sự cố cầu Cần Thơ, tháp truyền hình Nam Định đổ, thủy điện sông Tranh 2 rò rỉ… Với sự cố mới nhất là tháp truyền hình Nam Định, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, thiệt hại sơ bộ khoảng 50 tỷ đồng. Tháp này nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài và hiện chưa rõ nguyên nhân. Bộ Xây dựng đang chỉ đạo quyết liệt tập trung tìm nguyên nhân, có giải pháp khắc phục. 

Tổng vốn nợ đọng thất thoát cần xử lý ở Tập đoàn Sông Đà lên tới 10.676 tỷ đồng.

Trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này đến đâu? ĐBQH Lê Như Tiến

Vấn đề sai phạm tại Tập đoàn Sông Đà gây bức xúc dư luận thời gian qua cũng được nhiều ĐBQH chất vấn người đứng đầu ngành xây dựng. ĐBQH Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) hỏi: Sai phạm của Tập đoàn Sông Đà tại rất nhiều dự án, chẳng hạn lỗ 1.200 tỷ đồng nhà máy xi măng Hạ Long, chưa trả được nợ nước ngoài của dự án xi măng Đồng Bành… Tổng vốn nợ đọng thất thoát cần xử lý lên tới 10.676 tỷ đồng. Trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này đến đâu và có bao nhiêu tập đoàn thua lỗ như Sông Đà? Tương tự, ĐBQH Trần Minh Diệu (đoàn Quảng Bình) hỏi: Bộ Xây dựng là cơ quan trình, tham mưu, bổ nhiệm… chức danh chủ tịch và các thành viên hội đồng Tập đoàn Sông Đà, Bộ trưởng xác định trách nhiệm như thế nào về những sai phạm tại tập đoàn này?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, với số tiền nợ đọng thất thoát 10.676 tỷ đồng do Thanh tra Chính phủ kết luận, không hẳn mất đi mà do vi phạm nguyên tắc. Bộ Xây dựng đang giao Tập đoàn Sông Đà kiểm điểm xem xét những vi phạm, nếu đến mức độ kỷ luật sẽ kỷ luật theo đúng quy định hiện hành. Do phần trả lời của Bộ trưởng Xây dựng chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của các ĐBQH nên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh làm rõ thêm. Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết: vi phạm của Tập đoàn Sông Đà là 10.676 tỷ đồng với 5 nhóm vi phạm lớn: Sử dụng vốn sai mục đích, không tính quỹ dự phòng tổn thất tài chính, đầu tư ngoài ngành, ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ, chậm nộp ngân sách. Trong tháng 9, đầu tháng 10, thanh tra Chính phủ đã thành lập tổ thanh tra và khắc phục vi phạm khoảng 5.000 tỷ đồng, hiện đang tiếp tục khắc phục thêm khoảng 5.000 tỷ đồng nữa. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật cá nhân đến nay chưa được tiến hành, còn chờ ý kiến các Bộ liên quan trước khi trình Chính phủ. 

Vấn đề giải quyết hàng tồn bất động sản cũng được nhiều ĐBQH đề cập. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng báo cáo, theo số liệu chưa đầy đủ của 44 tỉnh, thành phố có nhiều bất động sản, thì tính đến ngày 30-8, tổng giá trị tồn kho ước tính 40.000 tỷ đồng. Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng do thị trường bất động sản còn non trẻ, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cơ quan nên việc tháo gỡ khó khăn phải có giải pháp đồng bộ, tổng thể trách nhiệm của các cấp, ngành và đặc biệt vai trò của các địa phương trong việc cơ cấu lại căn hộ, dự án. Bộ trưởng cũng tin tưởng thị trường bất động sản sẽ ấm lên cùng sự hồi phục của nền kinh tế…

Petrolimex lỗ 1.423 tỷ đồng

Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng đã được phân công trả lời thêm xung quanh câu hỏi chất vấn của ĐBQH với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về tình hình tài chính của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, qua kiểm toán, trong năm 2011, Petrolimex lỗ 1.423 tỷ đồng. Riêng khối kinh doanh xăng dầu lỗ 2.358 tỷ, trong đó xăng lỗ 1.814 tỷ. Các hoạt động kinh doanh khác lãi 935 tỷ đồng. Cũng theo Tổng kiểm toán nhà nước, dù năm 2011 số lỗ của Petrolimex khá lớn song lương bình quân của cán bộ nhân viên trong tập đoàn vẫn rất cao, đặc biệt  lương bình quân của chủ tịch tập đoàn là 58 triệu đồng/tháng, ủy viên Hội đồng quản trị là 42 triệu đồng, trưởng ban kiểm soát là 41 triệu đồng và phó tổng giám đốc là 40 triệu đồng/tháng.

Theo lịch làm việc hôm nay, 13-11, sau phần trả lời chất vấn thêm các nội dung kéo dài từ chiều 12-11 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, các ĐBQH sẽ chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Sáng 14-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là người cuối cùng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.