Khó giữ đất quy hoạch xây trường học

ANTĐ - Hà Nội vừa chính thức bàn giao quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mạng lưới trường học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với dự kiến xây mới 1.215 trường học. Mặc dù đã có quy hoạch nhưng để có được một ngôi trường là không đơn giản.

Thiếu quỹ đất khiến Hà Nội chậm tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia

Nỗi lo thiếu đất xây trường

Bà Phạm Thị Hòa, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông cho biết, quận này hiện là một trong những địa bàn có biến động lớn về chuyển dịch dân cư cơ học. Đáng chú ý là sự hình thành liên tiếp các khu đô thị mới khiến dân số quận Hà Đông thay đổi đáng kể trong thời gian tới và sẽ tác động, ảnh hưởng rất nhiều tới mạng lưới trường học trên địa bàn. “Với dân số gia tăng, tổng số 63 trường học các cấp trên địa bàn sẽ sớm rơi vào tình trạng quá tải, khó đáp ứng nhu cầu học tập của con em. Việc rà soát để dành quỹ đất xây mới trường học đang rất bức thiết.” – bà Phạm Thị Hòa cho biết vì “chỉ chậm trễ một vài năm chắc chắn sẽ không còn đất trống để xây trường”.

Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Gia Lâm cho biết, mặc dù địa bàn huyện có nhiều thuận lợi về quỹ đất hơn các quận nội thành nhưng với nhu cầu phát triển đến năm 2020 thì toàn địa bàn huyện còn thiếu 12 trường và năm 2030 cần xây mới 6 trường. “Hiện tại chúng tôi có 70 trường học nhưng có tới 26 trường đang thiếu phòng học, thiếu diện tích đất, 8 trường có số lớp và số học sinh/lớp vượt quá quy định, 7 trường mầm non còn nhiều điểm lẻ, có trường có tới 7 điểm lẻ” - ông Nguyễn Văn Quý phản ánh hiện trạng. 

Theo đánh giá của ngành giáo dục Hà Nội, tình trạng trường học khu vực nội thành có số học sinh/lớp, số lớp/trường cao hơn nhiều so với quy định là khá phổ biến. Đáng chú ý, các điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là đất xây dựng phòng, trường học đạt chuẩn ở nhiều quận, thậm chí cả ở một số huyện còn thiếu nhiều, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh. 

Có đất liệu có thành trường?

Với quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục các cấp và mạng lưới trường học trên toàn thành phố, từ nay tới năm 2030, Hà Nội sẽ xây mới 1.215 trường học. Diện tích đất dành cho việc xây dựng trường là hơn 12 triệu mét vuông. Tổng kinh phí dự kiến là hơn 71.000 tỷ đồng, trong đó có tới 60% kinh phí là từ ngân sách, số còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là việc giữ đất để chuyển đổi thành trường học theo đúng quy hoạch không phải khi nào cũng tiến triển đúng theo dự kiến. Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, thực tế kiểm tra việc thực hiện quy hoạch từ năm 2003 đến năm 2008 đã phát hiện nhiều điểm quy hoạch dành làm trường học nhưng đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng. “Nhiều điểm theo quy hoạch là phải giữ nguyên hiện trạng để dự trữ xây dựng trường nhưng cơ sở lại để cho các công trình được cải tạo, xây mới khiến khi thực hiện giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn” - ông Hải cho biết.

“Có được bản quy hoạch tốt là điều rất quan trọng nhưng để thực hiện được và đúng theo quy hoạch còn quan trọng hơn nhiều. Quy hoạch mới chỉ là cơ sở ban đầu còn thực tế nếu chậm hoặc không triển khai được sẽ thành quy hoạch treo” – ông Nguyễn Văn Quý phân tích. Khó khăn thực tế về việc đưa đất quy hoạch thành trường học được bà Phạm Thị Hòa dẫn giải, quận này đã từng dành vốn đầu tư xây mới trường học nhưng 2 năm vẫn chưa thể giải ngân vì “tắc” ở khâu chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất được quy hoạch để xây trường. “Rất nhiều thủ tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Ngành giáo dục dù có lợi ích liền thân, phải chủ động đeo bám nhưng cũng không thể một mình giải quyết được nếu thiếu sự phối hợp của các ban ngành liên quan” - bà Hòa khẳng định.

Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, để đảm bảo tiến độ triển khai quy hoạch theo đúng kế hoạch, ngành GD-ĐT đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, lộ trình triển khai, giải pháp thực hiện cũng như trách nhiệm, kinh phí đầu tư. Việc xây dựng trường học từ nay được xác định rõ từ việc sử dụng quỹ đất 5% của các xã dành cho phục vụ công cộng, tận dụng quỹ đất còn trống, nâng thêm tầng các trường học hiện có trong khu vực nội thành, hạn chế xây dựng chung cư cao tầng tại 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa.