Khó giữ chân các “Mạnh Thường Quân”

(ANTĐ) - Đề án xã hội hóa thể thao đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 1999, song sau hơn một thập kỷ thực hiện, hiệu quả mang lại vẫn chưa xứng với tiềm năng vốn có dù ai cũng hiểu, đó là con đường duy nhất để phát triển.

Xã hội hóa thể thao Việt Nam:

Khó giữ chân các “Mạnh Thường Quân”

(ANTĐ) - Đề án xã hội hóa thể thao đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 1999, song sau hơn một thập kỷ thực hiện, hiệu quả mang lại vẫn chưa xứng với tiềm năng vốn có dù ai cũng hiểu, đó là con đường duy nhất để phát triển.

Sự hậu thuẫn tài chính từ nhà tài trợ Becamex IDC góp phần không nhỏ vào những thành công của tay vợt số 1 Việt Nam - Nguyễn Tiến Minh

Sự hậu thuẫn tài chính từ nhà tài trợ Becamex IDC góp phần không nhỏ vào những thành công của tay vợt số 1 Việt Nam - Nguyễn Tiến Minh

Những điểm sáng hiếm hoi

Bóng đá Việt Nam được xem là bộ môn áp dụng thành công nhất mô hình xã hội hóa khi thu hút lượng lớn doanh nghiệp, đầu tư hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Chính nhờ sự trợ lực đó mà giải V-League được cải thiện cơ sở vật chất, chất lượng thi đấu. Tương tự ở bộ môn bóng chuyền Việt Nam, từ chỗ “dậm chân tại chỗ” thì nay đã ít nhiều gặt hái thành công tại các giải đấu quốc tế.

Số lượng cùng chất lượng các CLB ngày một tăng, nhờ môi trường tập luyện thi đấu đầy đủ, chuyên nghiệp. Những ngoại binh đến từ các nước phát triển cũng tìm đến ngày một đông hay chuyện bỏ ra vài tỷ đồng để chiêu mộ một VĐV ngoại chẳng còn xa lạ… Và những tín hiệu tích cực trên đều nhờ hiệu quả xã hội hóa thể thao mang lại. Sau bước tiên phong đó, lần lượt những bộ môn như bóng bàn, cầu lông, quần vợt, bơi lội… đã học theo.

 Dưới sự hậu thuẫn của những “Mạnh Thường Quân”, nhiều tài năng như Tiến Minh, Hoàng Thiên, Hữu Việt, Tuấn Quỳnh… có cơ hội du đấu, cọ xát để nâng cao trình độ. Song xét về tổng thể, những thành công đó chỉ như điểm sáng hiếm hoi trong tổng số hơn 40 môn thể thao ở Việt Nam. Lợi ích mà mô hình này đem lại là không phải bàn cãi, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà nó vẫn chỉ dừng lại ở dạng tiềm năng.

GS.TS Dương Nghiệp Chí, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT - một trong những người đặt nền móng cho dự án Xã hội hóa thể thao chia sẻ: “Thực trạng dễ nhận thấy là công tác thực hiện xã hội hóa thể thao còn nhỏ lẻ và tự phát, nhiều chính sách và giải pháp đi vào đời sống thể thao thiếu đồng bộ, hiệu quả. Thiếu sót này nằm ở khâu triển khai, mà trách nhiệm trực tiếp thuộc về ngành thể thao”.

Tự giải thoát

Thực tế, bên cạnh sự say mê thì việc các ông bầu lao vào làm thể thao, xét cho cùng là để đánh bóng thương hiệu và tìm kiếm lợi ích cho chính đơn vị doanh nghiệp của mình. Ở chiều ngược lại, các bộ môn cũng yên tâm hơn khi các VĐV của mình có được môi trường tập luyện, thi đấu, cọ xát đầy đủ và chuyên nghiệp mà vẫn sẵn sàng triệu tập lên tuyển khi được yêu cầu. Về phần mình, ngoài những lợi ích chuyên môn mang lại thì mức lương cao cũng là yếu tố hấp dẫn các VĐV đầu quân cho các CLB được doanh nghiệp tài trợ.

Đó có thể là sự hợp tác mang về lợi ích cho tất cả các bên. Song thực tế cho thấy, khi có được danh tiếng từ làm thể thao và nhất là khi những tài năng kia hết tuổi “thu hoạch”, các ông bầu tỏ ra ngán ngẩm và dần bỏ cuộc. Điều đó cho thấy, sự phối hợp giữa các bộ môn cùng đơn vị tài trợ còn thiếu sự ràng buộc. Vấn đề đặt ra là nếu chỉ đơn thuần kêu gọi sự hợp tác từ các nguồn lực xã hội, mà không chú trọng công tác đào tạo trẻ, chắc chắn sẽ không giữ chân (hoặc thu hút) các đơn vị tài trợ gắn bó lâu dài.

Trong cuộc họp bàn về giải pháp phát triển xã hội hóa thể thao - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn có nói: “Ai cũng biết là còn nhiều khó khăn về nhận thức, kinh phí, cơ sở điều kiện vật chất… Song để hướng tới mục tiêu phát triển, giới quản lý thể thao nước nhà cần phải “tự giải thoát” mình khỏi cách làm thiếu hiệu quả như hiện tại”.

Thuần Thư