Khó “ép” dân vào ở

ANTĐ - Mỗi năm, ước tính Hà Nội cần khoảng 5.000 căn hộ tái định cư, riêng năm 2014, theo số liệu từ các quận, huyện, nhu cầu lên tới 6.300 căn hộ. Mặc dù nhu cầu rất lớn nhưng không ít dự án đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư thực hiện quá chậm, dẫn đến không kịp hoàn thiện để bố trí cho người dân vào ở. UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu Sở Xây dựng kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy mạnh tiến độ, đảm bảo bàn giao nhà tái định cư đúng kế hoạch.

UBND TP cũng yêu cầu cân đối đủ quỹ nhà, không để tình trạng chậm giải phóng mặt bằng. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng rất khó thực hiện nhiệm vụ này. Nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên là do trong năm qua, các dự án xây dựng nhà tái định cư chỉ được bố trí vốn rất hạn hẹp. Theo Sở Xây dựng, chỉ có 21/42 dự án đang xây dựng được bố trí vốn 602 tỷ đồng. Số vốn này chỉ đáp ứng khoảng 30% so với nhu cầu đăng ký của chủ đầu tư.

Để khắc phục tình trạng này, UBND TP đã quyết định ứng vốn với số tiền 1.323,123 tỷ đồng, song nhiều doanh nghiệp cho rằng số vốn này chưa đủ. Còn một vướng mắc lớn là Nghị định 84/CP chỉ rõ sẽ phát triển nhà tái định cư bằng nhiều nguồn vốn, các doanh nghiệp khi tham gia xây nhà được quy định lợi nhuận tối đa từ 10-15%. Cũng theo Nghị định này, người có đất bị thu hồi có quyền lựa chọn thuê, thuê mua, mua nhà tái định cư hoặc nhà ở xã hội. Trong khi đó, có một nghịch lý là chủ đầu tư xây dựng loại nhà này được miễn tiền sử dụng đất và miễn giảm nhiều loại thuế khác. Còn doanh nghiệp xây nhà tái định cư theo chỉ định của TP vừa bị khống chế về lợi nhuận, vừa không được hưởng ưu đãi về tiền sử dụng đất. Như vậy, theo ước tính, giá nhà ở xã hội sẽ thấp hơn 10-20% so với nhà tái định cư. Mặt khác, nỗi lo thường trực về chất lượng nhà ở tái định cư cũng là nguyên nhân khiến loại nhà này dễ bị ế ẩm.

Thực tế cho thấy, dù được bàn giao chưa lâu nhưng nhiều khu tái định cư đã hư hỏng nặng. Thậm chí, nhiều khu nhà có vị trí đẹp, nhiều người có suất tái định cư vẫn rao bán lại. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, khi xây xong, bất kể chất lượng ra sao, nhiều khu tái định cư vẫn được đưa vào sử dụng, rơi vào cảnh “đem con bỏ chợ”. Nếu không đảm bảo cuộc sống tốt hơn, thật khó “ép” người dân đến ở trong các khu tái định cư như vậy.