Đường sắt Bắc – Nam:

Khó đóng 4.200 đường ngang trái phép, nơi dễ “mở ra” tai nạn

ANTĐ - Tai nạn giao thông đường sắt tại các điểm giao cắt với đường ngang dân sinh đã nhức nhối từ lâu nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng ở Quảng Trị đêm 10-3 có thể sẽ tái diễn nay mai khi một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông còn xem nhẹ ATGT đường sắt.

Khó đóng 4.200 đường ngang trái phép, nơi dễ “mở ra” tai nạn ảnh 1Vụ TNGT nghiêm trọng tại Quảng Trị gây thiệt hại lớn về con người và tài sản

Cần 4.000 tỷ đồng xóa đường ngang trái phép

Sau vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng ở Hải Lăng, Quảng Trị, gần 23h ngày 11-3, hệ thống đường sắt Bắc - Nam mới được thông tàu. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay, vụ tai nạn đã làm chậm 6 đoàn tàu khách Thống Nhất, hủy bỏ đôi tàu chạy khu đoạn (tàu địa phương) và chậm 8 đoàn tàu hàng. “Riêng trong ngày hôm qua, VNR đã phải thuê ô tô để chuyển ga cho các tuyến tàu chạy trong ngày”, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng VNR cho hay. Nguyên nhân ban đầu của vụ TNGT nghiêm trọng được xác định do lái xe tải cố tình vượt tàu bất chấp tín hiệu cảnh báo. 

TNGT đường sắt luôn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các điểm giao cắt với đường ngang dân sinh. Hậu quả sau mỗi vụ TNGT đường sắt thường lớn, không những về người mà còn về tài sản, làm ngưng trệ giao thông đường sắt. Hàng năm, ngành đường sắt đều có kế hoạch lập lại trật tự, ATGT hành lang đường sắt… nhưng đến nay, theo thống kê của VNR, đang tồn tại khoảng 6.000 đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt.

Trong đó, khoảng 4.200 đường ngang mở trái phép, còn lại 1.600 đường ngang có giấy phép.  Tuy vậy, trong số này, cũng chỉ một số ít có người trực và rào chắn, còn lại là cảnh báo tự động, có biển hiệu, còi báo. Để đảm bảo an toàn cần số người rất lớn để bố trí gác cảnh báo ở những điểm giao cắt với đường ngang dân sinh, bởi theo tính toán, mỗi điểm cần khoảng 7 người để trực theo ca. 

Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1856/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, trong đó đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020, phải xử lý được 6.000 điểm giao cắt với đường dân sinh. Đối với các điểm giao cắt đường quốc lộ với đường ngang dân sinh, kế hoạch đưa ra mục tiêu phải xây dựng các cầu vượt giao cắt lập thể, vượt đường sắt hoặc hầm chui qua điểm giao cắt. Giai đoạn 2011-2015 tập trung cho tuyến đường sắt Bắc - Nam và giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung cho tất cả các tuyến đường sắt trên cả nước. Số kinh phí dự tính cần để xóa bỏ các điểm giao cắt đường ngang dân sinh là hơn 4.000 tỷ đồng. 

Lực bất tòng tâm

Đến nay, kế hoạch nói trên vẫn chưa có tiến triển. Cả nước vẫn tồn tại hàng nghìn nút giao cắt trái phép, không người gác, không cảnh báo. Hậu quả đau lòng là TNGT đường sắt diễn biến phức tạp theo từng năm. Trong 2 tháng đầu năm 2015, cả nước đã xảy ra 25 vụ TNGT đường sắt, làm chết 20 người, bị thương 6 người. Riêng 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, cả nước xảy ra 10 vụ  TNGT đường sắt, làm chết 9 người. 

Liên quan đến 4.200 đường ngang dân sinh giao cắt trái phép tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT đường sắt, ông Đoàn Duy Hoạch cho rằng: “Rất khó để đóng lại. Ban ngày nhân viên đường sắt đóng thì đêm người dân lại mở ra. Bởi do tồn tại từ lịch sử, dọc hành lang đường sắt tuyến Bắc - Nam, người dân sinh sống rất nhiều. Nếu muốn đóng các điểm giao cắt này, phải mở đường gom tập trung cho người dân qua lại. Việc này liên quan đến kinh phí giải phóng mặt bằng và thuộc thẩm quyền các địa phương”.

Lấy dẫn chứng việc đóng đường ngang dân sinh giao cắt đường tàu ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội, lãnh đạo VNR cho hay, mặc dù đã xây dựng đường gom tập trung cho người dân đi nhưng vẫn gặp phải sự phản ứng quyết liệt, sau nhiều lần chính quyền vào cuộc tuyên truyền, tình hình mới lắng xuống. 

Lý giải việc nhiều năm qua vẫn chưa xử lý được tình trạng đường ngang dân sinh trái phép, ông Đoàn Duy Hoạch bày tỏ, ngành đường sắt lực bất tòng tâm. “Kinh phí để xử lý 6.000 điểm giao cắt đường ngang với đường sắt rất lớn cũng như cần chính quyền địa phương vào cuộc, tuyên truyền, thậm chí xử lý các hộ dân tự ý mở đường qua đường sắt. Việc này cần thời gian chứ không thể làm được trong một sớm một chiều”, Phó Tổng VNR cho hay.

Tăng cường đảm bảo trật tự ATGT đường sắt

Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) vừa có công điện chỉ đạo Công an các địa phương có đường sắt và các Đội Kiểm tra, giám sát bảo đảm trật tự ATGT đường sắt thuộc Cục CSGT tập trung tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho người tham gia giao thông; Cảnh báo các nguy cơ và hành vi vi phạm thường gây ra tai nạn giao thông, biện pháp phòng tránh, nhất là tai nạn tại đường ngang.

Cùng với đó, Cục CSGT cũng chỉ đạo lực lượng CSGT các địa phương phối hợp với các Công ty Thông tin tín hiệu đường sắt tăng cường kiểm tra thiết bị thông tin tín hiệu trên các tuyến đường sắt, đặc biệt lưu ý hệ thống tín hiệu Cảnh báo tự động tại đường ngang, đảm bảo hệ thống luôn hoạt động tốt. Trường hợp thiết bị hỏng, các đơn vị chức năng phải đề nghị cắm ngay biển báo hiệu hoặc tổ chức lực lượng cảnh giới và có biện pháp khắc phục sửa chữa kịp thời. Đồng thời, có kế hoạch kiểm tra, xử lý phương tiện dừng, đỗ vi phạm khổ giới hạn đường sắt, vượt ẩu qua đường sắt.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm TTATGT trên các đoàn tàu, nhà ga trọng điểm; xử lý kịp thời việc chấp hành quy trình, quy phạm của nhân viên gác đường ngang, cầu chung, tuần đường, gác cầu, trực ban, gác ghi, nhân viên phục vụ trên các đoàn tàu nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm đối với nhân viên đường sắt.

Cục CSGT cũng đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt phối hợp với công an, chính quyền địa phương khảo sát, đánh giá thực trạng đường ngang trên địa bàn; rào đóng các đường ngang trái phép, bố trí người cảnh giới đối với các đường ngang có nguy cơ cao xảy ra tai nạn; giải tỏa các điểm vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt đảm bảo tầm nhìn cho lái xe, lái tàu tại các đường cong và các đường ngang qua đường sắt.