- Ba kịch bản thuế quan và phản ứng của thị trường chứng khoán Việt Nam
- Thép cán nóng Việt Nam bị EU áp thuế chống bán phá giá
![]() |
Doanh nghiệp vẫn lo ngại chính sách thuế của Hoa Kỳ khó đoán định |
Chia sẻ tại tọa đàm “Tác động chính sách thuế đối ứng của Mỹ đến doanh nghiệp sản xuất”, ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse nhấn mạnh, công tác dự báo thị trường phải là then chốt.
Dự báo càng chính xác, chúng ta càng chủ động trong khâu chuẩn bị. “Sunhouse đang dồn toàn lực vào công tác dự báo để xây dựng các kịch bản ứng phó, bởi chúng tôi nhận thức rõ rằng ảnh hưởng không chỉ giới hạn ở mảng xuất khẩu mà sẽ lan rộng ra toàn bộ hệ sinh thái kinh doanh, bao gồm cả thị trường nội địa.
Quan niệm tôi không xuất khẩu sang Mỹ, Mỹ gặp khó khăn thì tôi không bị ảnh hưởng là một sai lầm, bởi lẽ cung và cầu luôn có sự tương tác chặt chẽ. Chiến tranh thương mại khiến thuế chồng thuế đẩy giá, tổng cầu thế giới suy giảm. Cầu giảm, buộc cung giảm dẫn đến sản xuất, mở rộng đình trệ - hiệu ứng domino nội địa.
Nguyên liệu, bất động sản hạ giá, chứng khoán lao dốc, kinh tế suy thoái, sản xuất thu hẹp, sa thải công nhân, dân giảm chi tiêu - vòng xoáy đình trệ và lạm phát. Mọi ngành nghề bị ảnh hưởng"- ông Nguyễn Xuân Phú nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Phú, doanh nghiệp cần tìm hiểu để biết thực tế động thái chính sách của Mỹ; điều gì khiến Mỹ đồng loạt "tung đòn" thuế trên diện rộng toàn cầu khi mà nếu thực sự làm điều đó, chính nền kinh tế Mỹ cũng sẽ chịu tổn thất nặng nề.
“Một "ván cờ thuế" phân cực mà Mỹ sắp sửa tung ra. Những "con tốt" là các ngành công nghệ cao, hàm lượng chất xám lớn, được Mỹ nhắm đến để kéo về sân nhà, chắc chắn sẽ hứng chịu "đòn trừng phạt" thuế quan không khoan nhượng. Mục tiêu tối thượng là "trói chân" các tập đoàn đa quốc gia, buộc họ phải "đóng đô" tại Mỹ.
Một “núi” khó khăn nhưng cũng là “cơ hội vàng” cho mục tiêu Thương hiệu quốc gia - phủ sóng quốc tế”- ông Nguyễn Xuân Phú nhấn mạnh.
Không chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế mới của Mỹ nhưng ông Lê Hồng Quang – Tổng Giám đốc MISA nêu quan điểm, chính sách thuế đối ứng của Mỹ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là những đơn vị có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
“Dù MISA là một doanh nghiệp công nghệ, không chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng, nhưng MISA hoạt động trong hệ sinh thái doanh nghiệp, trong mối quan hệ tương hỗ giữa khách hàng – nhà cung cấp. Khi khách hàng bị ảnh hưởng, MISA cũng chịu tác động gián tiếp”- ông Lê Hồng Quang nhấn mạnh.
Cụ thể, khi các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn về dòng tiền, họ sẽ đắn đo trong việc đầu tư vào các giải pháp công nghệ. Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc đầu tư vào công nghệ không nên bị trì hoãn, mà ngược lại, cần được xem là giải pháp then chốt giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Bởi lẽ, trước những động thái khó lường từ chính sách của Mỹ, các doanh nghiệp cần có những công cụ giúp họ phát huy tối đa năng lực kiểm soát chi phí, cân đối chi tiêu đồng thời phát huy khả năng dự báo thị trường để xây dựng được những kịch bản ứng phó dài hạn.
Ông Lê Hồng Quang nói: “Chính trong giai đoạn thách thức này, doanh nghiệp càng cần có những công cụ quản trị thông minh để chủ động ứng phó và củng cố năng lực cạnh tranh bền vững”.
Trong khi đó, ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cũng cho rằng, doanh nghiệp hy vọng cơ quan quản lý hoặc hiệp hội ngành hàng sẽ kịp thời cập nhật thông tin chính thức khi có thay đổi về chính sách, giúp họ có đủ thời gian chuẩn bị.
“Lệnh tạm hoãn áp thuế đối ứng giúp doanh nghiệp có “thời gian vàng” để chuẩn bị và điều chỉnh chiến lược. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng hiểu rõ nguy cơ về phòng vệ thương mại chưa hẳn chấm dứt. Trong giai đoạn tiếp theo, cộng đồng doanh nghiệp mong chờ sự minh bạch và hỗ trợ kịp thời từ phía cơ quan quản lý và các hiệp hội; đồng thời, họ cũng tích cực củng cố nội lực để sẵn sàng ứng phó nếu rủi ro tái diễn”- ông Mạc Quốc Anh nói.