Khó dẹp 100% xe quá tải

ANTĐ - Bộ GTVT từng chỉ đạo, trong năm 2015 sẽ xóa bỏ tình trạng xe quá tải phá nát đường sá. Hai tháng cuối năm 2015, ngành GTVT đã lên kế hoạch cao điểm, huy động tổng lực cùng vào cuộc. Tuy nhiên, rất khó để xóa bỏ xe quá tải chỉ trong 1-2 năm với những mệnh lệnh hành chính, nhất là khi tình trạng này đã bị “buông” trong thời gian dài.

Khó dẹp 100% xe quá tải  ảnh 1 Dẹp xe quá tải là bài toán lâu dài và cần bền bỉ

Cấp tập cũng khó dẹp triệt để

Theo Kế hoạch cao điểm triển khai kiểm soát tải trọng xe 2 tháng cuối năm 2015 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (từ ngày 21-11-2015 đến 21-1-2016), liên Bộ GTVT và công an các địa phương sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện để thực hiện kế hoạch. 

Cụ thể, lực lượng chuyên trách của ngành giao thông kiểm soát tại các đầu mối xếp hàng, coi đây là giải pháp hàng đầu và chịu trách nhiệm nếu để các xe vi phạm tải trọng, vi phạm kích thước thành thùng xe ra khỏi các khu vực cảng, bến mà không bị kiểm soát, xử lý vi phạm. Thanh tra các Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSGT thực hiện nghiêm túc kiểm soát tải trọng xe, đảm bảo thời gian hoạt động tại trạm cân 24/7, nâng cao hiệu quả phát hiện xử lý vi phạm, chỉ dừng xe khi có dấu hiệu vi phạm, đảm bảo tỷ lệ trên 70% số xe vi phạm trong số xe kiểm tra. 

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ GTVT phối hợp với Thanh tra Bộ Công an kiểm tra đột xuất hoạt động của lực lượng liên ngành tại trạm kiểm tra tải trọng xe, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm mọi trường hợp người thực thi công vụ có hành vi dung túng, bao che, tiếp tay cho những tổ chức, cá nhân vi phạm về tải trọng phương tiện. 

Giữa tháng 12, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục có Kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của xe ô tô chở hàng quá tải trọng, thay đổi kích thước thành thùng xe. Tuy vậy, năm 2015 đã sắp hết, nhưng việc chấm dứt tình trạng xe quá tải trên các tuyến đường là không thể. Nhất là khi xe cơi nới, xe chở hàng quá tải gấp 100-300% lần đã hoành hành suốt nhiều năm nay do bị buông lỏng quản lý, giám sát. Do đó, khó có thể kiểm soát tải trọng xe chỉ trong 1 - 2 năm.

Chỉ là trên lý thuyết

 Sở GTVT Điện Biên cho hay, mặc dù trạm kiểm soát lưu động đã thành lập nhưng chưa được bố trí biên chế, các lực lượng phối hợp làm việc tại trạm theo chế độ kiêm nhiệm, trong khi đó lực lượng CSGT và thanh tra GTVT của tỉnh còn mỏng, nên gặp khó khăn trong bố trí lực lượng tham gia. Ngoài ra, sau gần 2 năm hoạt động, bộ cân tải trọng xe lưu động đã thường xuyên hư hỏng phải chuyển về nhà cung cấp để sửa chữa, làm gián đoạn kế hoạch kiểm soát tải trọng xe.

Đặc biệt, vẫn còn tồn tại tình trạng phương tiện trốn trạm cân, hoặc sang tải, chuyển tải bằng nhiều hình thức tinh vi nhằm tránh phát hiện xe quá tải. Còn ông Nguyễn Đỗ Vũ, Chánh Thanh tra Sở GTVT Bình Dương nhìn nhận: “Qua tuần tra, kiểm soát, xử phạt, chúng tôi cũng đã hạn chế được khá nhiều xe quá tải, nhưng địa bàn Bình Dương có sự giao thoa với các tỉnh, nên khó có thể khẳng định đã xử lý triệt để. Chẳng hạn, trên địa bàn tỉnh làm rất chặt không còn tình trạng xe quá tải, nhưng tỉnh khác để lọt cho xe chạy qua. Tôi chắc chắn không địa phương nào dám khẳng định sẽ xóa bỏ được toàn bộ xe quá tải, mà chỉ làm hết chức năng của mình”.

Chánh Thanh tra Sở GTVT Bình Dương thông tin thêm, trong công tác chống xe quá tải, lực lượng thanh tra giao thông gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt, một số đối tượng còn có hành vi chống đối, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người thi hành công vụ.

Ông Võ Quang Lâm, Chánh Thanh tra Sở GTVT Quảng Nam nhận định: “Thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã vào cuộc sát sao, hiện tượng xe quá tải cũng đã được xử lý triệt để hơn rất nhiều. Mặc dù vậy, đây là một bài toán lâu dài, hiện còn nhiều trường hợp chống đối, trốn tránh, chủ xe dùng các biện pháp đóng cửa rồi bỏ đi, xử lý mất cả ngày”. Nhìn nhận về mục tiêu sẽ không còn tình trạng xe quá tải trong năm 2015, ông Võ Quang Lâm cho rằng, tất cả chỉ là trên lý thuyết, thực tế không thể xử lý triệt để 100% được.