Khó cũng quyết làm

ANTĐ - Một đặc điểm hết sức quan trọng của giai đoạn hội nhập được mở ra bởi “cánh cửa” 2016: đây là thời kỳ cạnh tranh sống còn của thể chế, của hành chính công và hiệu quả quản lý Nhà nước, chứ không phải chỉ là cuộc cạnh tranh khốc liệt của doanh nghiệp. 

Bởi vậy lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chọn mũi nhọn đột phá là cải cách thủ tục hành chính.

Trong cuộc gặp gỡ doanh nghiệp năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Đề cập tới môi trường đầu tư kinh doanh với những khó khăn, cản trở doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ đã thẳng thắn chỉ rõ thực trạng “trải chiếu hoa” nhưng dưới chiếu lại là những đám đinh. Đó là 7.000 giấy phép con, hàng trăm điều kiện kinh doanh, các văn bản dưới luật chồng chéo và phản tinh thần của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Trong bối cảnh cuộc chiến với điều kiện kinh doanh, với cơ chế xin – cho, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính chưa có dấu hiệu khả quan, UBND thành phố Hà Nội vẫn tuyên bố quyết tâm cải cách thủ tục trong lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Nói đi đôi với làm và làm mạnh tay, tạo hiệu quả rõ rệt được dư luận ghi nhận, hoan nghênh. Quyền lợi của người dân từng bước được giải quyết. Cụ thể, thời gian làm “sổ đỏ” trước đây kéo dài cả tháng, nay rút ngắn chỉ còn 14 ngày.

Doanh nghiệp có thể thực hiện các dịch vụ hành chính công vốn phải mất nhiều thời gian đi lại, chầu trực cũng như thủ tục nhiêu khê, phiền hà... thông qua mạng internet, ngồi nhà nhận giấy tờ qua đường bưu điện. Tiến tới, Hà Nội sẽ còn cải tiến hơn nữa như cấp mã số kinh doanh cho doanh nghiệp chỉ trong vòng 4 tiếng. Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, rắc rối làm khổ người dân...

Phải coi người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, đó là cam kết của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Với tinh thần đó, mỗi cơ quan công quyền sẽ phải thấm nhuần một tư duy mới: không còn có thể bỏ mặc doanh nghiệp sống chết ra sao cũng được. Khi đó, bản thân cán bộ, công chức sẽ biết những gì họ cần phải làm. Chuyển từ “hành” doanh nghiệp sang phục vụ, thực sự không đơn giản và dễ dàng.