Khổ cực tới mức khó tin ở châu Âu

ANTĐ - Trong khi đang phải dốc toàn lực để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công thì Hy Lạp cũng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khác cũng nặng nề không kém. Đó là cuộc khủng hoảng di cư. Trên những hòn đảo du lịch nổi tiếng yên bình của nước này, giờ bỗng dưng đông đặc người di cư lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”, sống trong sự hỗn loạn và khổ cực đến mức khó tin.
Khổ cực tới mức khó tin ở châu Âu  ảnh 1

Những người Syria nhập cư đang ở vạ vật trong trại tị nạn trên đảo Lesbos của Hy Lạp

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 16-8 đã lên án tình trạng gia tăng các vụ tấn công nhằm vào người tị nạn tại Hy Lạp, đồng thời cảnh báo khủng hoảng di cư đang là thách thức đối với châu Âu, thậm chí lớn hơn vấn đề nợ công của Hy Lạp. Theo nhà lãnh đạo Đức, khủng hoảng di cư có thể gây quan ngại cho châu Âu hơn rất nhiều so với vấn đề Hy Lạp và ổn định khu vực sử dụng đồng euro.

Chưa phải ở “tâm chấn” cả cuộc khủng hoảng nợ công và khủng hoảng di cư mà nữ Thủ tướng Đức còn phải lên tiếng lo ngại như vậy thì tại “tâm chấn” như Hy Lạp mới thấy cuộc “khủng hoảng kép” mà quốc gia này đang lâm vào trầm trọng tới mức nào. Số liệu mới nhất do Cơ quan tị nạn của LHQ công bố ngày    6-8 vừa qua cho biết, tính đến thời điểm này đã có khoảng 224.000 người di cư đã tới châu Âu bằng đường biển, để trốn tránh chiến tranh và nghèo đói kể từ tháng 1 năm nay. Và ước tính, 98.000 người tới Italia và hơn 124.000 người tới Hy Lạp, tăng 750% so với năm 2014.

Khổ cực tới mức khó tin ở châu Âu  ảnh 2

Thêm một nhóm nhập cư mới người Syria đổ bộ vào đảo Lesbos, Hy Lạp

Dòng người tị nạn đến từ các quốc gia đang có xung đột và bất ổn như Syria, Iraq, Lybia, Afghanistan dồn dập đổ vào Hy Lạp qua đường biển Địa Trung Hải trong thời gian ngắn. Riêng trong tháng 7 vừa qua, tới gần 5 vạn người tị nạn đổ vào Hy Lạp, hơn cả tổng số người nhập cư vào nước này trong cả năm 2014. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) mô tả, tình cảnh người di cư tại Kos, Chios và Lesbos, 3 đảo du lịch nổi tiếng của Hy Lạp, là sự "hỗn loạn".

Khổ cực tới mức khó tin ở châu Âu  ảnh 3

Những người tị nạn tranh giành thức ăn và nước uống trên đảo Kos của Hy Lạp

Xô xát đã xảy ra giữa cảnh sát và người di cư trên đảo Kos của Hy Lạp khi chính quyền đảo dồn hàng trăm người di cư vào tá túc ở một sân vận động do các trung tâm tiếp nhận không còn đủ chỗ cho họ. Trong khi các trại tiếp nhận trên đảo Kos chỉ có khả năng nhận tối đa 7.000 người thì hiện mỗi ngày vẫn có tới 600-800 người di cư đổ lên đảo khiến chính quyền Kos lo ngại lực lượng an ninh trên đảo không còn đủ khả năng để kiểm soát tình hình. Chính quyền địa phương trên đảo Kos buộc lòng phải cầu viện Chính phủ Hy Lạp cử thêm cảnh sát tới đảo để hỗ trợ. 

Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) đã bày tỏ lo ngại sâu sắc trước tình trạng quá tải người tị nạn trên đảo Kos cũng như các hòn đảo du lịch khác như Chios và Lesbos. UNHCR cũng cho rằng, rất nhiều người di cư trái phép mới đến Kos và một số đảo nhỏ khác của Hy Lạp đã bị buộc phải ngủ ngoài trời và không được tiếp cận các dịch vụ y tế và vệ sinh tối thiểu.

Khổ cực tới mức khó tin ở châu Âu  ảnh 4

Những người người nhập cư từ Afghanistan làm thủ tục để vào một trại tị nạn trên đảo Lesbos

Trong khi đó, Chính phủ Hy Lạp ngày 12-8 đã điều 250 cảnh sát chống bạo động tới đảo Kos để tái kiểm soát an ninh tại đây, sau khi xảy ra một vụ xô xát giữa cảnh sát và hàng trăm người di cư làm nhiều người bị thương. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nhấn mạnh rằng, “Hy Lạp đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng bên trong khủng hoảng” và đề nghị thúc đẩy nhanh việc giải ngân hơn 400 triệu euro trong các quỹ khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU) dành cho người tị nạn để quốc gia vốn đang lâm vào khủng hoảng nợ công nay có lực đối phó thêm với khủng hoảng tị nạn. 

Để giúp đỡ Hy Lạp đối phó với dòng người nhập cư trái phép, người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Natasha Bertaud cho biết EU đã thông qua chương trình cứu trợ trị giá 528 triệu USD, đồng thời phối hợp để chuyển 16.000 người tị nạn từ Hy Lạp sang các nước thành viên khác trong liên minh.