Khó có thể nhanh chóng phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên

ANTD.VN -Tại cuộc gặp thượng đỉnh hôm 12-6-2018 tại Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có một bước đi lớn tránh xa khỏi bờ vực chiến tranh. Giờ đây họ phải có một bước đi lớn không kém nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế cảnh báo kế hoạch của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về xóa bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng trong vòng một năm là phi thực tế và rủi ro.

Cách tốt nhất để làm điều đó là Mỹ và Hàn Quốc phải giúp Triều Tiên chuyển đổi các chương trình hạt nhân và tên lửa của họ từ mục đích quân sự sang mục đích dân sự thay vì yêu cầu họ phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Bình Nhưỡng gần như chắc chắn sẽ đòi duy trì các chương trình dân sự, vì trước đây họ từng nhấn mạnh rằng những chương trình này là quyền chủ quyền của họ, không phải là thứ mà Washington có thể lựa chọn công nhận hay từ chối.

Ngoài ra, cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản đều được hưởng lợi từ các chương trình hạt nhân và không gian vì mục đích dân sự. Đối với Triều Tiên, điều này có nghĩa là họ sẽ cung cấp điện hạt nhân và công nghệ y học hạt nhân, thay vì những quả bom, cho người dân của mình. Họ sẽ tham gia một chương trình không gian hòa bình để phóng vệ tinh, thay vì tên lửa, vì những nỗ lực dự báo thời tiết và giảm nhẹ thiên tai.

Hiện Mỹ chưa biết rõ Triều Tiên có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân và cơ sở sản xuất liên quan đến vũ khí hạt nhân

Để điều này có thể xảy ra, Bình Nhưỡng trước tiên sẽ phải nhất trí tạm dừng, giảm bớt và xóa bỏ các vũ khí hạt nhân hiện có và chương trình hạt nhân vì mục đích quân sự của họ. Cùng với việc Triều Tiên giảm thiểu khả năng sản xuất bom và tên lửa của mình, Mỹ và Hàn Quốc khi đó sẽ giúp Bình Nhưỡng chuyển đổi chúng sang mục đích dân sự.

Chuyên gia David Albright từ Viện Khoa học và An ninh Quốc tế đề xuất một chiến lược, theo đó Mỹ cần thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un công khai danh sách đầy đủ toàn bộ cơ sở và nguyên liệu trong chương trình hạt nhân của mình, trong đó có urani và plutoni. Ông Albright cho rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều cần quyết định liệu có cần di dời vũ khí hạt nhân ra khỏi Triều Tiên để phá hủy chúng hay phá hủy ngay bên trong lãnh thổ nước này.

Việc xóa bỏ các năng lực quân sự là một nhiệm vụ to lớn, vì khả năng là Triều Tiên có khoảng 30 loại vũ khí hạt nhân, một tổ hợp hạt nhân rộng lớn sản xuất plutoni và urani được làm giàu ở cấp độ cho những quả bom đó, khả năng sản xuất vũ khí và một kho vũ khí lớn gồm các hệ thống phóng, trong đó có tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Theo các học giả thuộc trường Đại học Stanford, kể cả khi Triều Tiên hợp tác, quy mô của việc phá hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt, được cho là bao gồm hàng chục cơ sở hạt nhân, sẽ vẫn rất khó khăn. Các chuyên gia này nhận định phải cần tới lộ trình 10 năm, bởi theo họ, "Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí cho tới khi an ninh của nước này được đảm bảo”.

Lộ trình 10 năm được đề xuất cho việc tạm dừng, giảm bớt và xóa bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên xác lập vai trò của việc hợp tác chuyển đổi, mà sẽ đòi hỏi Hàn Quốc và Mỹ phải làm việc cùng với các nhà khoa học và kỹ sư Triều Tiên tại các tổ hợp hạt nhân và không gian của họ.

Trong khi đó, người đứng đầu Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, ông Daryl Kimball, cho rằng phi hạt nhân hóa không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Ông nêu rõ việc một quốc gia, vốn công khai thử nghiệm và phát triển vũ khí hạt nhân như Triều Tiên, từ bỏ vũ khí hạt nhân là điều "chưa từng có tiền lệ”.

Hồi cuối tuần qua, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã công khai kế hoạch tham vọng một năm phi hạt nhân hóa. Khung thời gian nhanh chóng mà ông Pompeo đề xuất ngược lại hẳn với các chiến lược thận trọng, có phương pháp mà hầu hết giới chuyên gia Triều Tiên khẳng định là cần thiết để tạo ra một thỏa thuận phi hạt nhân hóa lâu dài. 

Cho đến nay, giới chức Mỹ vẫn chưa khẳng định về việc liệu Bình Nhưỡng có cung cấp đầy đủ và chi tiết về kho vũ khí và chương trình hạt nhân của nước này hay không. Đây là một điều kiện quan trọng để giám sát quá trình phá hủy các sở hạt nhân tại Triều Tiên. Các chuyên gia lo ngại rằng Mỹ có thể chấp nhận một thỏa thuận, trong đó chỉ tập trung vào Yongbyon - cơ sở làm giàu urani duy nhất mà Triều Tiên thừa nhận- và bỏ qua các cơ sở hạt nhân bí mật khác.