Khó có đột phá trong đối thoại Mỹ - Trung

ANTD.VN - Quyết định không xuất hiện công khai cũng như không có họp báo chung sau gặp mặt đã khiến việc dự đoán diễn biến cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donad Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp khó khăn, chẳng khác nào thực trạng hiện nay của quan hệ Mỹ - Trung.
Khó có đột phá trong đối thoại Mỹ - Trung ảnh 1

Khó có đột phá trong đối thoại Mỹ - Trung

Diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung gặp nhiều bất lợi, sự kiện này được dư luận chờ đợi bởi nó được dự báo là sẽ xác lập và định vị lại tính chất quan hệ giữa hai cường quốc trong nhiều năm tới. Ngay từ khi ông D. Trump lên nắm quyền, quan hệ Mỹ-Trung rơi vào tình trạng tương đối căng thẳng qua những thông điệp được phát đi từ cả Washington lẫn Bắc Kinh. 

Không để ý đến từ ngữ ngoại giao, Tổng thống mới của Mỹ tỏ ra cứng rắn hơn người tiền nhiệm B. Obama trong các vấn đề lớn liên quan đến Trung Quốc, từ chính sách thương mại, tiền tệ đến các vấn đề quốc tế lớn như tranh chấp trên Biển Đông, chương trình hạt nhân của Triều Tiên, quan hệ với Đài Loan (Trung Quốc).... Về phần mình, Bắc Kinh cho rằng Washington có xu hướng làm leo thang căng thẳng, đồng thời phản đối mạnh mẽ kế hoạch bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.

Trong bối cảnh đó, không có gì bất ngờ khi mọi con mắt soi mói đều đổ dồn về khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago lộng lẫy của ông D. Trump ở bang Florida, nơi diễn ra cuộc gặp. Cảm giác đầu tiên khá êm ả, khi ông D. Trump chào đón Chủ tịch Tập Cận Bình với nụ cười và cái bắt tay cùng những cử chỉ thân mật. 

Nhưng vẻ bề ngoài đó chắc chắn sẽ khác với những gì diễn ra trên bàn đàm phán bởi những mâu thuẫn giữa hai bên. Là tỷ phú lên nắm quyền nên ông D. Trump đương nhiên nắm và quan tâm nhiều đến vấn đề kinh tế. Đây lại chính là lĩnh vực gây ra nhiều căng thẳng nhất trong quan hệ Mỹ - Trung. Chẳng thế mà ngay trước thềm chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, ông D. Trump đã lên Twitter cảnh báo rằng, Washington sẽ không tiếp tục chấp nhận những khoản thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc lên tới 347 tỷ USD và để mất nhiều việc làm vào tay Trung Quốc.

Không chỉ tuyên bố bằng lời, Tổng thống Mỹ đã ký một loạt sắc lệnh liên quan đến vấn đề thương mại, cho phép tiến hành cuộc điều tra kéo dài 90 ngày về “sự lạm dụng thương mại”, tập trung vào 12 đối tác thương mại của nước này, trong đó có Trung Quốc. Người ta đang lo ngại ông D. Trump sẽ có những biện pháp liên quan đến điều mà ông cáo buộc là “Trung Quốc thao túng tiền tệ”.

Vậy thì điều gì sẽ diễn ra sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung đầu tiên kể từ khi ông D. Trump tiếp quản Nhà Trắng? Có thể dự đoán rằng, dù bất đồng trên nhiều lĩnh vực nhưng Mỹ và Trung Quốc hiện là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và phụ thuộc vào nhau. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc với kim ngạch thương mại dịch vụ đã vượt qua mức 110 tỷ USD hồi năm ngoái, đầu tư hai chiều đạt 170 tỷ USD. Kinh tế Trung Quốc và Mỹ đang chiếm 1/3 kinh tế toàn cầu. 

Chính vì thế, một “cuộc chiến thương mại” giữa hai nước là “kịch bản” hoàn toàn bất lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc cuộc gặp diễn ra khá sớm cho thấy mong muốn của cả hai bên về thúc đẩy đối thoại để cải thiện lòng tin và nhanh chóng định hình lại mối quan hệ giữa hai nước sau khi  Mỹ có lãnh đạo mới. 

Nếu theo hướng đó, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ D. Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chắc chắn chưa thể mang lại ngay sự cải thiện mang tính đột phá, nhưng hy vọng không ít “cành ô liu” sẽ được hai bên chìa cho nhau.