Khó chịu nổi áp lực thi cử

ANTĐ - TS. tâm lý Nguyễn thị Kim Quý hiện đang điều trị cho một trường hợp rối loạn tâm lý ảnh hưởng từ việc quá tải trong học tập. “Ngày càng nhiều trẻ em hoặc gia đình gọi điện đến đường dây tư vấn về áp lực thi cử ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống” - TS. Nguyễn Kim Quý cho biết.

Nhiều thí sinh tìm đến tư vấn sức khoẻ trước áp lực mùa thi

Càng cố học càng buồn ngủ

Đấy là biểu hiện của ban đầu của N.H.Tuấn, học sinh lớp 11 tại huyện Thanh Oai trước khi diễn biến tâm lý chuyển sang chiều hướng xấu. Mẹ của Tuấn cho biết, em là học sinh giỏi, được tham gia đội tuyển chọn học sinh giỏi quốc gia môn Toán. Đấy là niềm tự hào của cả gia đình và nhà trường nhưng đồng thời cũng đem đến cho Tuấn áp lực lớn. Sau chuyến đi xe từ nhà tới điểm tập trung thi, tâm lý Tuấn khá căng thẳng, làm bài thi không được tốt vì bản thân không có điều kiện ôn luyện như các bạn ở nơi khác - mẹ Tuấn chia sẻ.

Tưởng sự việc chỉ đơn giản như vậy nhưng cũng từ đó, Tuấn có biểu hiện sa sút trong học tập. “Cháu hay buồn ngủ khi học bài. Càng cố gắng học, Tuấn càng mệt mỏi, khó tập trung, đau đầu và ngủ gục ngay cả trên lớp học” - mẹ Tuấn nhớ lại. Tình cờ biết đến Đường dây tư vấn tâm lý cho trẻ em, chị N.T.Hải đã gọi điện cho chuyên gia hỏi về trường hợp của con mình. “Cháu đã được TS. Nguyễn Kim Quý trực tiếp tư vấn điều trị gần 2 năm qua. Mặc dù sức khoẻ con đã được cải thiện nhưng trước áp lực kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH sắp tới, tôi thực sự lo lắng cho vấn đề tâm lý của con mà không biết làm thế nào” - chị Hải lo lắng.

Nhận xét về những trường hợp tương tự, TS. Nguyễn Kim Quý cho rằng những rối loạn về tâm lý xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đặc biệt với những trường hợp như Tuấn, có khả năng học tập tốt nên càng phải nỗ lực trước đánh giá của bạn bè, thầy cô, gia đình...

Quá tải với học 3 ca mỗi ngày

Chỉ còn vài ngày nữa, gần triệu thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và sau đó 1 tháng là thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Nhiều thí sinh tâm sự với các chuyên gia tư vấn sức khoẻ để cân đối giữa thời gian học tập căng thẳng với chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

Nguyễn Thị Minh, học sinh trường THPT Kim Anh cho biết, hàng ngày em chỉ có khoảng 3, 4 tiếng đồng hồ để nghỉ ngơi. Lý do là 6h sáng phải dậy để chuẩn bị đến trường ôn tập, chiều về đi học thêm, tối ăn xong lại tiếp tục ôn bài đến 2, 3 giờ sáng. Vòng quay học tập diễn ra hàng ngày với thời gian ngủ ban đêm vỏn vẹn 4, 5 tiếng khiến Minh không yên tâm khi kiến thức tiếp thu được mấy trong khi luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu ngủ.

Theo bác sĩ Hà Việt Hòa, Viện Dinh dưỡng quốc gia, kết quả khảo sát tại một buổi tư vấn sức khỏe cho tuyển sinh ĐH,CĐ 2013 cho thấy, phần nhiều học sinh đều chọn thức đêm để học và ngủ ngày. Theo bác sĩ Hòa, giấc ngủ đêm là phù hợp với đồng hồ sinh học, không nên thay đổi triền miên, sẽ dẫn đến hiện tượng buổi tối học thì nhớ nhưng sáng hôm sau lại quên và người lúc nào cũng có cảm giác trống rỗng, mệt mỏi. “Các em nên bố trí thời gian để ngủ ít nhất 7 giờ/ngày, trong đó có 6 giờ ngủ ban đêm và 1 giờ ngủ trong ngày. Nếu ban ngày các bạn quá bận rộn, nên chọn thời gian phù hợp để chợp mắt thư giãn dù 15 phút cũng giúp não tái tạo sức lao động”- bác sĩ Hòa cho biết.

Còn theo TS. Nguyễn Kim Quý, phần nhiều học sinh khi tìm đến với các chuyên gia tư vấn tâm lý đều phản ánh về việc bố mẹ gây sức ép quá lớn tới con cái trong việc thi cử. “Mọi việc đều phải theo ý kiến của phụ huynh, từ chọn thầy cô, chọn ngành, chọn trường rồi đưa đón, theo sát từng bước khiến các em thấy căng thẳng, thậm chí chán nản, không còn hứng thú học tập và chỉ học để đối phó. Điều tôi muốn nói với các phụ huynh là hãy hỏi ý kiến con cái, để các em có tiếng nói trong việc lựa chọn học tập, nên khuyến khích, động viên thay vì áp đặt. Có như vậy mới tránh được những trường hợp đáng tiếc khi các con phản ứng thái quá hay làm chỉ để đối phó nhất là thời điểm quan trọng hiện nay”- TS. Nguyễn Kim Quý nhấn mạnh.