Khó cắt đứt lợi ích

ANTĐ - Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cho biết, do hiện còn những ý kiến khác nhau, nên bản Dự thảo được trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nội dung liên quan tới thành phần kinh tế, từ 3 phương án rút xuống còn 2. Phương án 1 là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Phương án 2 là nền kinh tế thị trường XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.

Ý kiến của các ủy viên Ủy ban cũng chưa thống nhất nên theo phương án nào. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, phương án 2 có tính bao quát hơn và mang hơi thở của Cương lĩnh. Nước ta đang ở giai đoạn phát triển mà các thành phần, hình thức sở hữu đan xen nhau, chưa thành phần kinh tế nào đạt được vị trí độc tôn. Nếu quy định theo phương án 1 thì thực tế đã dẫn đến hiểu lầm, đồng nhất quản lý Nhà nước về kinh tế với nhà nước làm kinh tế. Ý kiến của ông Chủ nhiệm Ủy ban cũng là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 vừa qua.

Việc không nêu chi tiết vai trò của từng thành phần kinh tế trong Hiến pháp là hợp lý vì vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế trong từng giai đoạn phát triển kinh tế là khác nhau. Không quy định thành phần chủ đạo của kinh tế Nhà nước để không có sự phân biệt, đối xử không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Nếu theo phương án 2, các chuyên gia đề xuất, nên lập một ủy ban quản lý doanh nghiệp Nhà nước để tách bạch vai trò quản lý, lập chính sách của cơ quan hành chính với quản lý doanh nghiệp như hiện nay, tức là chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa đề xuất Chính phủ 2 mô hình quản lý doanh nghiệp Nhà nước. Bộ nghiêng về phương án thành lập Ủy ban quản lý, giám sát khối doanh nghiệp này thuộc Chính phủ. Mô hình này sẽ kiểm soát tốt hơn và dễ xác định, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời tạo lập sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Tuy vậy, một số chuyên gia lại cho rằng, với số lượng hơn 1.000 doanh nghiệp Nhà nước như hiện nay, lập một ủy ban không thể quản lý xuể. Để có đủ thẩm quyền và năng lực, cần lập hẳn một bộ quản lý. Trên thực tế, nhiều tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đã đề xuất Quốc hội, Chính phủ cho phép thành lập công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước để giúp thành phố đẩy nhanh việc tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước.

Tách chức năng quản lý Nhà nước và quản lý doanh nghiệp là bài toán khó với các bộ, ngành. Một quan chức Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thẳng thắn nói, việc “ôm” doanh nghiệp trong các bộ, ngành có nhiều bất ổn, nhưng rút toàn bộ doanh nghiệp khỏi các bộ không phải việc dễ dàng, vì đây chính là cắt đứt lợi ích của bộ, ngành.