Khó cào bằng

(ANTĐ) - Nghị quyết 11 của Chính phủ đặt chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt lên hàng đầu trong các giải pháp kiềm chế lạm phát, trong đó có hạn chế cho vay bất động sản (cho vay phi sản xuất) và giảm đầu tư công. Giải pháp này góp phần khắc phục mất cân đối thị trường bất động sản, trong đó có nhà ở. Tuy vậy, nếu đồng thời hạn chế cho vay và giảm đầu tư công vào bất động sản có thể phát sinh những “tác dụng phụ” về kinh tế - xã hội.

Khó cào bằng

(ANTĐ) - Nghị quyết 11 của Chính phủ đặt chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt lên hàng đầu trong các giải pháp kiềm chế lạm phát, trong đó có hạn chế cho vay bất động sản (cho vay phi sản xuất) và giảm đầu tư công. Giải pháp này góp phần khắc phục mất cân đối thị trường bất động sản, trong đó có nhà ở. Tuy vậy, nếu đồng thời hạn chế cho vay và giảm đầu tư công vào bất động sản có thể phát sinh những “tác dụng phụ” về kinh tế - xã hội.

Thực tế trên thị trường nhà ở đang tồn tại hai mâu thuẫn lớn. Cung cầu mất cân đối, nhà giá cao thì thừa, giá thấp lại thiếu. Giá cả quá cao chủ yếu do đầu cơ. Đó là nhận định của giới chuyên gia bất động sản. Thị trường nhà ở có hai phân khúc chính. Nhà giá cao, chủ yếu là căn hộ cao cấp hiện cung đã vượt cầu, tuy vậy nhiều dự án vẫn tiếp tục triển khai nhưng chưa có tín hiệu hạ giá. Còn nhà giá thấp thì cung luôn không đuổi kịp cầu mà vẫn khó nâng giá. Trong bối cảnh này, đâu chỉ là nhà đầu tư cần tìm vốn lớn, cả người mua nhà để ở cũng cần vốn lớn.

Trung bình một căn nhà giá thấp cũng 500-700 triệu đồng, một căn nhà giá cao phải “chồng” tiền tỷ. Vì vậy, nếu nhà đầu tư cần số vốn hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, thì người muốn mua nhà cũng phải tiết kiệm nhiều năm. Có tính toán cho rằng, một người làm công ăn lương ở nước ta phải tiết kiệm khoảng 40 năm mới mua nổi với điều kiện “nhịn ăn”. Cả nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng đều cần vay. Đặc biệt, nhà giá thấp đang thiếu nên rất cần cho nhà đầu tư vay để kích cung. Còn người tiêu dùng vay để mua nhà ở. Hai khoản vay này mang tính chất phi sản xuất, song lại có tác dụng “kích cầu” góp phần giữ vững an sinh xã hội.

Theo phân tích của giới chuyên gia, trong khi giá bán nhà ở nước ta ngang ngửa giá của thế giới thì chi phí, giá xây dựng ở mức trung bình, cho nên các nhà kinh doanh nhà ở Việt Nam thu được siêu lợi nhuận. Bằng chứng là khi Chính phủ kêu gọi đẩy mạnh xây dựng nhà giá thấp, các nhà đầu tư vẫn “lao vào” nhà giá cao. Có thể nói, hầu như tập đoàn, tổng công ty nhà nước nào cũng có những dự án đầu tư vào bất động sản, chủ yếu vào nhà giá cao. Riêng đầu tư nước ngoài trong năm 2011 có tới một phần ba là vào lĩnh vực bất động sản. Mặc dù nhà giá cao đang thừa, ế, vậy mà các nhà đầu tư sơ cấp và thứ cấp vẫn không chịu hạ giá để kích thích tiêu thụ theo quy luật thị trường.

Vì sao? Nguyên nhân là nhà giá cao đang bị “găm giữ” để kìm giá rồi chờ tăng giá mới tung ra. Nhất là trong điều kiện lạm phát vẫn còn khá cao như hiện nay, người ta coi bất động sản chứ không phải vàng hay đô la là “hầm trú ẩn” an toàn hơn cả. Nguyên nhân sâu xa hơn là, nhà giá cao dù ế ẩm nhưng nhà đầu tư vẫn “ôm” chặt không chịu hạ giá để bán vì họ “bám” rất chắc vào chính sách đất đai và chính sách thuế. Ngay từ thời điểm được giao đất, nếu nhà đầu tư không phải nộp tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất, tức là họ đã giảm được một số vốn đầu tư, coi như Nhà nước đã cho họ vay không lấy lãi. Nếu họ phải bỏ ra số vốn này ngay từ đầu, chắc hẳn họ không dám “găm giữ” bất động sản, vì phải lo thu hồi vốn bằng cách bán ra, thậm chí phải hạ giá. Rõ ràng, chính sách đất đai và chính sách thuế là “vũ khí” có hại trong tay các cơ quan nhà nước.

Nhà giá cao, nhà giá thấp không thể “cào bằng” với cùng một giải pháp hạn chế cho vay. Nên cho người tiêu dùng vay để mua nhà giá cao đang thừa ế, cần bán. Còn nhà giá thấp thì cho người nghèo vay để mua, tạo điều kiện cho phân khúc thị trường này phát triển cân đối hơn.

Đan Thanh