Khiếu nại của VPF bị bác bỏ

ANTĐ - Trả lời VPF, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã bác bỏ đơn khiếu nại của công ty này với lý do nội dung khiếu nại nêu ra không đúng.

Sau khi Thanh tra Bộ chủ quản có kết luận về việc thanh tra hợp đồng bản quyền truyền hình ký giữa VFF và AVG, ngày 16-2, công ty VPF đã gửi đơn khiếu nại đề nghị xem xét lại kết luận.

Nội dung VPF khiếu nại gồm 3 điểm:

1. VFF không phải là chủ sở hữu duy nhất và có toàn quyền chuyển nhượng thương quyền bóng đá, như kết luận của Thanh tra Bộ.

2. VFF chỉ có quyền quản lý, chứ không phải chủ sở hữu thương quyền các đội tuyển quốc gia, nên việc bán toàn bộ thương quyền các đội tuyển quốc gia không thông qua đấu giá là vi phạm các quy định về bán tài sản Nhà nước.

3. Quá trình ký hợp đồng không qua đấu thầu, thiếu minh bạch, không tạo ra sự cạnh tranh có lợi cho VFF và các CLB.

Sau một tháng xem xét, chiều 14-3, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã có công văn phúc đáp với nội dung bác bỏ những lập luận của VPF và bảo lưu kết luận trước đó.

Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL Vũ Xuân Thành cho biết: “Nội dung khiếu nại mà VPF đưa ra xung quanh kết luận của thanh tra đưa ra là không đúng, chúng tôi đã thông báo việc này đến VPF. Trong trường hợp VPF vẫn không hài lòng với quyết định do thanh tra Bộ đưa ra, đơn vị này có quyền làm đơn khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL và những cấp cao hơn”.

Khiếu nại của VPF bị Thanh tra Bộ chủ quản bác bỏ

Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên – người được VPF giao nhiệm vụ theo vụ kiện này, từ chối đưa ra bình luận về công văn phúc đáp trên, tuy nhiên ông Kiên khẳng định VPF vẫn bảo lưu 3 đề nghị VPF đưa ra trước đó liên quan đến hợp đồng thương quyền: 

1. Đài truyền hình Việt Nam được tạo điều kiện truyền hình tối đa các trận đấu của giải V-League.

2. Giá trị hợp đồng hàng năm phải tăng lên.

3. Thời hạn hợp đồng giảm từ 20 năm xuống 3 năm.

Vấn đề bản quyền truyền hình sẽ tiếp diễn?

Về vấn đề này, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng cho biết: “Quan điểm của VPF là các bên đàm phán, thỏa thuận với nhau để cùng đem lại kết quả tốt nhất cho bóng đá Việt Nam, chứ không nên đặt ra vấn đề đấu tranh lẫn nhau. Vừa rồi AVG chia sẻ thương quyền với VTV và VTC, chúng tôi cũng rất hoan nghênh. Tuy nhiên, việc hợp tác như thế nào thì cần hợp lý, hợp tình”.

Theo người đứng đầu VPF, sau khi có kết quả cuối cùng, VPF sẽ lấy ý kiến các CLB trước khi ra quyết định mới. Bởi theo ông Thắng: “Đây là tài sản chung của các CLB nên cần thiết phải lấy ý kiến của họ, cả 14 CLB V-League và 14 CLB hạng Nhất. Việc lấy ý kiến có thể tiến hành theo phương thức đa số, tức là một vấn đề cần có sự nhất trí của ít nhất 8/14 CLB chẳng hạn”.

Chắc chắn Công văn của Thanh tra Bộ VH-TT&DL chưa phải là điểm kết thúc cuộc chiến bản quyền truyền hình căng thẳng suốt thời gian qua. Trong đơn khiếu nại gửi trước đó, VPF cũng đã khiếu nại tới cả Thanh tra Chính phủ và hiện đang chờ câu trả lời của tổ chức này.