Khi viết, tôi vẫn là gã nhà quê

ANTĐ - “Ám ảnh cát” là cụm từ ngắn nhất về Nguyễn Quang Vinh, một cây bút năng động, đa đại, viết nhiều và thành công về quê hương Quảng Bình. Nguyễn Quang Lập anh trai sau 15 năm sống ở Hà Nội, đã định cư tại quận 2 TP. HCM từ  tháng 6-2011. Còn Nguyễn Quang Vinh chuyển cư ra Hà Nội từ tháng 11-2012, dành cuộc phỏng vấn độc quyền cho ANTĐ cuối tuần về đời sống và sáng tác hiện nay, nhà văn Nguyễn Quang Vinh mở đầu bằng khẳng định: “Hà Nội, tôi trọng đất này”.

Công chúng văn học, sân khấu, điện ảnh cả nước biết nhiều đến cặp anh em Nguyễn Quang Lập - Nguyễn Quang Vinh, viết hay, sung sức, đa tài. Anh cả của họ là GS.TSKH Địa mạo Nguyễn Quang Mỹ. Đất Ba Đồn, Quảng Bình nức tiếng bởi những người con thành đạt của dòng họ “Nguyễn Quang”.

Chiều 6-1-2013, Nguyễn Quang Vinh ra mắt cuốn sách thứ bảy “Cát trọc đẩu” tại Trung tâm Văn hoá và Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. Cát không chỉ là địa hình, bối cảnh mà là nhân vật, nhân chứng của nhiều tác phẩm. Cát là nguồn xúc cảm lớn mà anh em nhà văn đã gây ấn tượng mãnh liệt cho người xem như phim truyện nhựa Đời cát, tiểu thuyết Vú Cát. Giờ đây, đọc 25 chương qua 288 trang tiểu thuyết Cát trọc đầu, tôi vẫn muốn đọc nữa. Một sự thật về chiến tranh khác với những tác phẩm một chiều bấy nay. Dữ dội, quyết liệt, gai góc, hóm hỉnh mà chan chứa yêu thương.

Trong quán cà phê 19 Thái Hà, Nguyễn Quang Vinh vừa trò chuyện say sưa, vừa hút thuốc Esse. Chúng tôi đang ngồi gần ngôi nhà anh thuê.

- Đã “xui” anh sống ở Hà Nội từ lâu, giờ tôi thật mừng khi anh định cư ở Thủ đô.

- Năm nào cũng vài lần ra Hà Nội, dự định ở hẳn tôi có lâu rồi, gần đây mới quyết tâm. Đang ở nhà thuê 5 triệu đồng/tháng. Tôi đang ở cùng con trai Quang Tuyến (SN 1986). Vài năm nữa mua căn hộ chung cư.

- Xin lỗi, anh có thể tả về nơi ở mới?

- Phòng có gác lửng để ngủ, bên dưới là phòng khách kiêm bếp. Cha con tôi tự nấu ăn. Tài sản theo tôi là laptop Vaio và cái ô tô Captiva 7 chỗ  may còn giữ được sau mấy năm trời lo trị ung thư cho vợ.

- Vì gánh vác gia đình, cùng vợ chống chọi bệnh hiểm nghèo đã làm “biến mất” nhà báo Nguyễn Quang Vinh, cây phóng sự xuất sắc cả thập kỷ trên báo Lao động. Nhiều phóng sự của anh, VTV làm tin, phóng sự gây chấn động, được giải LHP Truyền hình toàn quốc đấy. Phóng viên truyền hình nhàn thật, không phải tìm nhân vật, cứ theo bài báo là xong?

- Đúng thế, họ còn dùng luôn bài của tôi làm lời bình, rất tự nhiên (cười), chẳng hỏi gì tôi. Vào Sài Gòn, rồi đưa vợ qua Singapore, tôi không còn thời gian tâm trí để “săn tìm” nhân vật, cảnh đời, chi tiết nữa.

- Đã có lần anh nói, anh không thể rời xa miền cát trắng Quảng Bình, rồi lại thấy anh ở TP.HCM, và nay thì ra “đất thánh”?

- Những năm 2006-2007, tôi vào TP.HCM, viết kịch bản cho các sân khấu, mở công ty tổ chức biểu diễn, rồi lại bỏ vì việc nhà. Giữ được ô tô là rất cố, tôi đã bán nhà Đồng Hới, bán hết những gì có thể, lo cho vợ.  Hiện Hải Giang (SN 1983), con gái lớn của tôi cùng chồng nó (đồng hương) và cháu ngoại Uyên Ly 2 tuổi ở tầng 14, cao ốc Phú Thịnh, quận 5, nơi tôi đã thuê từ nhiều năm trước.

- Anh nhớ lần đầu ra Thủ đô chứ?

- Hè 1976, tôi đi tàu từ Đồng Hới ra Thủ đô thăm anh Lập đang học ĐH Bách Khoa. Hai anh em ăn kem Tràng Tiền, que kem ngon nhất trong đời. Hà Nội nhiều thứ ngon, không chỉ kem.

- Sao anh lại chọn sống lâu dài ở Hà Nội? Anh yêu Hà Nội chứ?

- Vì tôi rất trọng đất này. Tôi thấy mình hợp với kinh thành nghìn năm, một môi trường nuôi dưỡng xúc cảm, kích thích sáng tạo, nơi tôi có nhiều bạn bè. Không dễ yêu và bật ra dễ thế đâu. Chữ “yêu” không phải xoen xoét như tôi vẫn thấy, mà nó nói ra khó nhọc, bởi từ tâm khảm. Một nhà văn muốn đi đường dài, tiếng tăm bền, phải có gốc văn hóa. Tôi trọng nhân cách sĩ phu Bắc Hà, tri thức văn hóa của nghệ sĩ đất Thăng Long.

- Hà Nội mở rộng có hơn 400 xã nông thôn. Cả nước có xu hướng “hiện đại hóa nông thôn”. Anh là nhà văn đậm chất Quảng Bình, điều ấy sẽ loãng ra  sẽ thay đổi khi anh ở đất địa linh nhân kiệt? 

- Thông tin, không khí, sự kiện nghệ thuật ở Thủ đô nườm nượp mỗi ngày. Đời sống đô thị cho tôi nhiều chất liệu, không khí, bổ sung văn hóa nền. Khi viết, tôi vẫn là gã nhà quê và vẫn viết về những miền quê. Song tôi tin, sống và sáng tác tại Hà Nội, chất quê trong văn tôi sẽ sang trọng hơn, tiết tấu hiện đại hơn.

- Truyện, tiểu thuyết của anh liên miên hình ảnh. Tôi đã biết Nguyễn Quang Vinh của điện ảnh, với kịch bản phim Chuyện tình bên dòng sông (DV chính: Trần Lực, Lê Khanh, ĐD: NSƯT Đức Hoàn), Ngã ba Đồng Lộc, đạo diễn phim Tên phim dành cho khán giả và nhiều phim truyền hình gây chú ý. Sao anh không gia nhập Hội Điện ảnh Việt Nam?

- Tôi sáng tạo không nhằm vào nhiều Hội nghề nghiệp. Hãy làm một nhà văn đúng nghĩa, điều ấy khó và quý giá. Tôi đã tìm ra thủ pháp rất mới, đó là con đường ngắn nhất để thông tin, thân phân, ý tưởng, tư tưởng tác giả được truyền tới người đọc nhanh nhất. Làm sao để thấy tên Nguyễn Quang Vinh là giới nghề, bạn đọc tin cậy không ngại đọc, dù sách dày 1.000 trang, vẫn đọc được tốc độ nhanh, đọc hết vẫn thèm. Điện ảnh hóa văn học là thế mạnh của tôi, là phong cách đặc thù của Nguyễn Quang Vinh.

- Anh đã tặng sách tất cả ai có mặt buổi ra mắt? Sao xa xỉ thế?

- NXB Trẻ in 1.500 cuốn, tôi không lấy nhuận bút mà đặt in thêm 200 cuốn. Tôi thích tặng. Một đêm diễn tặng bạn bè Hà Nội ngay tuần này.

- Kịch nói? Có phải Âm binh?

- Đúng. Âm binh được tôi viết từ 11h đêm đến 6 giờ sáng đúng 1 năm trước, NSƯT Hoàng Yến từng ở Đoàn Kịch nói Nam Định, sau chuyển vào làm hành chính ở trường CĐ SK-ĐA TP.HCM. Hoàng Yến ít có cơ hội trở lại sân khấu, dù còn lửa nghề. Tôi viết, NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Thế giới trẻ của trường biên tập và cùng nhau làm. Âm binh không bục bệ, phông màn hoành tráng, chỉ có 2 bọc đạo cụ đem đi hội diễn 2012. Vở có 4 nhân vật, thì 4 DV nhận 2 HCV, 2 HCB, vở duy nhất mà các DV được giải 100%. Lần đầu tiên tranh cát được đưa lên sân khấu. Anh Lập xem xong sững sờ. Nhiều nghệ sĩ vừa xem vừa khóc. Bối cảnh Quảng Trị, nhân vật nữ do Hoàng Yến đóng, trải dài từ 18 tuổi đến 60, một câu chuyện 40 năm. Âm binh  sẽ diễn tại rạp Đại Nam 89 phố Huế tối 19-1. Bạn bè văn nghệ, nhà báo, khán giả có thể đến xem tự do, đây là đêm diễn vé mời.

- Được biết anh rất quý trọng NSND Hoàng Cúc (diễn viên, cựu Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội? Mối thân tình này tác động gì tới anh?

- Tôi đến thăm nhà tặng sách chị tối 13 -1. Chính chị Hoàng Cúc gợi ý tôi viết vở Mắt phố (ĐD: NSND Phạm Thị Thành), vở diễn thành công tại Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tại TP.HCM 2009. Với tôi, chị không chỉ là 1 diễn viên, mà còn có tư duy một nhà văn có nghề. Tôi diễn chiêu đãi Âm binh, cũng vì chị Hoàng Cúc, một phụ nữ đẹp nhan sắc, trí tuệ và bản lĩnh. Những người thực tài bao giờ cũng biết trọng và khích lệ nhau.

- Anh đang viết gì vậy?

- Tôi vừa xóa 200 trang tiểu thuyết Rơm rạ. Xóa hẳn thế là tiếc lắm, nhưng phải dũng cảm. Vì nó không đúng khát vọng. Phải viết mới hơn. Dự kiến 1.000 trang, tháng 5 xong. Bối cảnh, câu chuyện nông thôn Việt Nam, nhưng không chỉ của người vùng quê.

- Năm nay, anh ăn Tết Hà Nội chứ?

- Tôi chưa khi nào ăn Tết Hà Nội. Tết là về quê. Bố tôi mất năm 1983, có di chúc cho tôi (con út) căn nhà gốc, tôi dành làm từ đường. Ở quê, 2 anh trai 2 chị gái của tôi đang sống. Vợ tôi an nghỉ bên ba mạ tôi trong khu mộ gia đình. Tôi sẽ về quê từ 20 tháng Chạp âm lịch, đến 10 Tết ra. Ăn Tết quê kỹ, để nhớ người thân, mà có thêm sinh lực sống ở đô thành. Cứ Tết đến là tôi rất nhớ mạ. Tôi vụng, không biết làm món gì, ngồi bên cho mạ sai vặt và trông nồi bánh.

- Địa chỉ email của anh là “vinhbanhtet”, nghe đã thấy Tết quanh năm?

- Đúng là bánh tét quanh năm, gần nhà tôi ở Ba Đồn có cầu Bánh Tét. Nhớ Bánh Tét là nhớ đường về. Tết ở Quảng Bình ăn bánh Tét, có cả bánh chưng. Mai hoang mọc trên cát đẹp lắm và rất nhiều mai rừng.