Khi vết thương nằm xuống

ANTĐ - Nỗi cô đơn ở thời nào cũng đáng sợ, như một thứ bệnh khủng khiếp nhất. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Văn Học đã đề cập đến nỗi cô đơn vô hạn của những con người phải chống chọi với số phận nghiệt ngã. Toàn bộ cuốn sách 264 trang tràn ngập nỗi cô đơn và cách con người gồng mình để thoát khỏi điều đó.
Nhân vật chính là một chàng trai tên Kiêu, chịu nhiều thiệt thòi, chịu kỳ thị và sống dày vò trong nỗi tự ti. Rồi vì những đói khổ, hoàn cảnh trớ trêu của gia đình, vì muốn cưỡng lại những lời đay nghiến, sinh ra đánh nhau dẫn đến phải trốn nhà lên phố. Sau một trận đòn thừa sống thiếu chết thì cậu đã gặp bà Hát, một người phụ nữ cô đơn đang sống với niềm khát khao yêu vô hạn. Nhưng trong bể khổ của cuộc đời, bà đã chịu nhiều mất mát, chịu lừa gạt và từng ngày gặm nhấm nỗi đau của mình. Có con mà con chết, rồi nhận Kiêu là con nuôi, bà Hát đã sống trong sự vững vàng của Kiêu và có lúc, chính bà đã thèm khát thân thể cậu con nuôi ấy, nhưng bị lương tâm giằng xé. Càng giằng xé nội tâm, bà càng căm thù những kẻ phụ tình và đã tìm cách trả thù bằng cách vẽ tên những người đó lên mai rùa và nhốt chúng vào nhà vệ sinh. Có lúc còn giẫm chân lên chúng và rủa. Đó là cách trả thù rất khác người của nữ họa sĩ, điều đó giúp bà hả hê.

Khi vết thương nằm xuống ảnh 1
Tác phẩm "Khi vết thương nằm xuống" của Nguyễn Văn Học


Thương Kiêu thật sự, bà Hát đã cho Kiêu đi học. Những năm tháng đó, cậu đã gặp một người bạn tên Hoằng và cả hai giúp đỡ nhau. Cùng với điều đó, Kiêu nghe phong thanh thông tin về người mẹ đã bỏ quê, cũng đang đi tìm con. Cậu rất muốn tìm thấy mẹ, nhưng biết tìm mẹ ở đâu bây giờ? Kiêu đã chơi với đám con gái ở phố, là nạn nhân của thời kinh tế thị trường, nạn nhân của sự va quệt các hệ giá trị, làm đảo lộn tinh thần của lớp trẻ. Sau khi nảy sinh quan hệ nam nữ, Kiêu đã sa ngã. Rồi với bản tính kiên cường, cậu đã rũ bỏ hết và trở thành một chiến sĩ công an có nhiều chiến công.

Rồi qua Hoằng - người hết mực yêu cậu nhưng không được đáp trả, Kiêu đã quen với cô em họ của Hoằng là Mẫn Yến. Kiêu không yêu Hoằng mà chỉ coi cô như người bạn, nhưng lại thương và yêu Mẫn Yến, một cô gái cũng có một tuổi thơ buồn bã và một thời thiếu nữ đáng thương vì gia đình. Trái tim cô chi chít vết thương và sống buông thả. Cuối cùng bị đám thanh niên hãm hiếp cho tới chết. Bản thân bà Hát, người mẹ thứ hai của Kiêu cũng từng đau đớn, từng hoảng loại vì tình mà mắc bệnh tâm thần, phải nhập trại và dần được phục hồi.

Cuối truyện, người mẹ nuôi gặp phải tai nạn, Kiêu cũng chỉ được gặp mẹ đẻ trong mơ, người thân yêu nữa là Mẫn Yến cũng không còn. Tất cả những người thân nhất của Kiêu đều có một số phận buồn cho đến chết.

Có lẽ, điển hình về những vết thương chính là của nhân vật chính - chàng trai Kiêu là vết thương tình thân. Dòng đời quăng quật, xô đẩy, để đến nỗi có quê hương mà chẳng dám về. Và sống bên cạnh bà Hát, bản năng trỗi dậy, cậu phải kìm nén, sự kìm nén một cách vô cùng dũng cảm, điều đó làm nên cá tính của cậu và tạo nên mức độ căng thẳng cho những bi kịch đời sống của một người phụ nữ đã phải chịu nhiều nỗi đau và trái tim nhiều vết thương. Kiêu đã đến bên cuộc đời bà Hát, như một khúc ca gieo xuống cuộc đời trầm lặng, tưởng cuộc đời ấy sẽ vui hát, vậy mà buồn lại thêm buồn. Nhưng bà cũng khẳng định với chính mình, với Kiêu, là nhờ sự tình cờ, như một duyên phận đã sắp đặt cho hai người, đã giúp cho bà có nghị lực chiến đấu. Bản thân Kiêu cũng xoa dịu vết thương cho bà, và ngược lại, bằng tình thương, Kiêu đã có kiến thức và trở thành người có ích.

Truyện hấp dẫn, cuốn hút. Ngôn ngữ gọn, sắc lạnh. Tác giả đưa ra cảnh lớp trẻ ngày nay đứng trước sự du nhập văn hóa phương Tây, là nạn nhân của cuộc sống chụp giật, giả tạo, tính toán và sự lơ là quản lý của gia đình dẫn đến những bước đường suy đồi. Các nhân vật cảm thấy nghi ngờ, xa lạ với chính môi trường sống của mình. Đâu là cuộc sống đích thực, đâu là hạnh phúc? Và ở đâu gìn giữ hạnh phúc? Khi con người ta mải mê tìm kiếm, đuổi bắt, chinh phục thế rồi quên mất những điều gần gũi ở ngay bên cạnh mình, đó là tổ ấm của mình. Khi nghĩ lại, quay trở về thì mọi sự đã quá muộn. Tác giả đã khéo léo đan xen những câu chuyện theo kiểu “truyện trong truyện” để tránh nhàm chán, giúp người đọc có những liên tưởng sâu xa, làm cho các nhân vật có thêm góc cạnh, có chiều sâu tâm lý và ý thức.

Chuyện mà như phim. Cái được của tiểu thuyết không chỉ là như phim ở cốt truyện hấp dẫn, mà nỗi buồn hoang hoải của con người, những vết thương tâm hồn bị khoét sâu cũng được đẩy đến tận cùng. Chính sự đi đến tận cùng của mâu thuẫn đã làm tăng thêm sức nặng cho cuốn tiểu thuyết. Và chắc chắn, “Khi vết thương nằm xuống” là một  bước phát triển mới của Nguyễn Văn Học, ở cả nội dung lẫn hình thức thể hiện.

Tiểu thuyết Khi vết thương nằm xuống của Nguyễn Văn Học - NXB Văn học 2013.