Khi văn chương và xuất bản cùng “dễ dãi”

ANTĐ - Văn phong non nớt, thiếu giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ, nhưng nhờ sự “ưu ái” của các nhà xuất bản, nhiều tác phẩm văn học kém chất lượng vẫn xuất hiện trên thị trường và được quảng cáo cực kỳ bài bản.

Khi văn chương và xuất bản cùng “dễ dãi” ảnh 1Độc giả nhiều lúc ngậm ngùi vì lỡ trả tiền cho một cuốn sách dở

Viết sách rất dễ?

Những cuốn sách mà bài viết đang đề cập tới thường có bìa đẹp, tiêu đề gợi tò mò, nhưng rồi độc giả mua về thử đọc xem. Đại khái sẽ là câu chuyện tình sướt mướt, lâm ly, ngang trái, éo le của hai, hoặc ba, thậm chí là bốn nhân vật, họ đều có cái tên na ná giống các nhân vật trong tiểu thuyết Trung Quốc. Khoan hãy nói tới nội dung, bởi loại sách này nội dung gần như nhau, đọc một có để đoán được 10, thậm chí 100. Chỉ cần nhìn vào cách hành văn của tác giả đã thấy quá chán, những câu chuyện rề rà, nhạt nhẽo, ngắt quãng, xếp vào truyện ngắn thì… dở, mà gọi là tản văn theo lời tác giả thì cũng khiên cưỡng. 

Có tác giả, sau khi ra sách thì lên báo khoe rằng, cốt truyện đó lấy từ chính chuyện tình của mình: “Có thế nào kể thế, chứ bản thân tôi không thể sáng tạo ra văn học được”. Ấy vậy mà có cuốn sách được phát hành tới hàng nghìn bản, được giới trẻ săn đón vì tác giả cũng có một chút tiếng tăm ở một lĩnh vực khác. Một lần đi dự một buổi ra mắt tập thơ của nữ tác giả L., tôi không khỏi bất ngờ khi phần nổi bật trong hơn 200 trang sách sách lại là những bức tranh được giới thiệu là do chính tác giả vẽ. Trong khi những vần thơ nhàn nhạt, ngô nghê, không gợi xúc cảm. “Ít thơ, nhiều họa”, nhiều độc giả cũng đành ngậm ngùi vì lỡ trả tiền cho sản phẩm không đáp ứng kỳ vọng. 

Nếu qua những hiệu sách trên thị trường, ta thấy không ít cuốn sách không có giá trị về nội dung, thậm chí tầm phào, non kém vẫn tìm cách tiếp cận với độc giả. Nhờ chiến thuật quảng cáo mà vũ khí đắc lực nhất là mạng xã hội, truyền thông, được các công ty xuất bản “đỡ đầu”, những tác phẩm tạm khoác lên mình “chiếc áo văn chương” nhanh chóng trở nên “nổi như cồn”, trong khi kinh nghiệm và năng lực viết gần như chỉ là “con số 0”. 

Cứ liên kết là được xuất bản

Nhà văn Đoàn Bảo Châu là tác giả cuốn tiểu thuyết “Khói” được cho là hiện tượng của văn học Việt Nam cuối năm 2013. Mặc dù đã ít nhiều được giới chuyên môn công nhận, nhưng trong suốt thời gian viết cuốn sách thứ hai, anh liên tục tìm hiểu, mày mò lý thuyết để trau dồi bút lực của mình. Quá trình “lao động trên con chữ” cực nhọc đến nhiều lúc tưởng như muốn dừng lại để cho ra bản thảo ưng ý, được phản hồi tương đối tích cực của những người thẩm định, nhưng cũng phải mất 1 năm anh mới tìm được đối tác xuất bản sách. Nói vậy để thấy rằng, để xuất bản một cuốn sách không phải đơn giản, ngoài năng lực và cái tâm của người cầm bút, thì còn phải trông chờ vào sự cầu thị của các nhà xuất bản.

Nhà văn trẻ Lệ Thu Huyền tác giả cuốn truyện ngắn “London còn xa lắm” thẳng thắn: “Tôi đã làm việc với 3 nhà xuất bản và thấy cách làm việc của họ rất khác nhau. Những công ty lâu năm sẽ có kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp. Còn công ty mới có sự nhiệt tình và quan tâm. Nhưng cái quan trọng vẫn là một bản thảo tốt thì mới tính đến những bước tiếp theo”. Tuy vậy, thay vì đầu tư cho một bản thảo “ra tấm ra món”, nhiều cây bút lại “nhờ cậy” những công ty sách liên kết để nhanh chóng tìm cách xuất bản truyện ra thị trường. Lợi dụng sự yếu kém của đội ngũ biên tập, các đơn vị liên kết xuất bản không ngần ngại tung ra những sản phẩm kém chất lượng, chạy theo xu hướng thị trường nhằm thu được lợi nhuận. Trách đơn vị xuất bản, nhưng chính người cầm bút cũng đang dễ dãi với chính sản phẩm của mình. Rõ ràng là văn chương thì cũng có thứ hay, thứ dở, tùy theo thị hiếu của người đọc nhưng dở ít hay dở nhiều, cuối cùng độc giả vẫn là người chịu thiệt, nếu có lỡ bỏ tiền cho một thứ văn chương không thực sự xứng đáng.