Khi truyền hình gieo rắc nỗi nghi ngờ...

ANTĐ - Thực tế rằng, còn rất lâu nữa khán giả mới được xem những chương trình truyền hình thực sự. Họ vẫn phải chấp nhận vài phút xem thi hát và nhiều phút xem quảng cáo.

Nếu cứ xem truyền hình vào những ngày cuối tuần sẽ thấy người Việt Nam ngoài việc xem những bộ phim ướt át và báo thù thì suốt ngày lôi nhau lên các đấu trường thi thố. Sự nghèo nàn trong tư duy sản xuất và phát sóng đã khiến các kênh truyền hình giải trí tự làm mờ nhạt mình theo nhiều nghĩa, và tôn vinh những giá trị ảo. Việc tôn vinh này thoạt tiên là lăng xê những cá nhân, nhưng đằng sau đó không gì khác là để đánh bóng cho những chương trình truyền hình, vốn rất nhanh chóng bị nhàm chán sau vài mùa giải.

Từ lá thư khán giả...

Vào những ngày cuối cùng của tháng 7-2013, chúng tôi nhận được một lá thư của khán giả tên Mai Linh gửi từ khu tập thể Bách Khoa, Hà Nội. Lá thư giống như lời phàn nàn đầy tuyệt vọng của một khán giả trung thành với truyền hình khi những gì là giá trị cốt lõi mà họ tôn thờ nhiều năm đang bị vứt bỏ, thay vào đó là những trò diễn. Bức thư có đoạn: "Tôi không thể hiểu nổi, vì sao cùng kênh truyền hình lại phát liên tục hai chương trình trẻ em thi hát liền nhau vào buổi tối thứ bảy và chủ nhật, đó là "Giọng hát Việt nhí" và "Đồ Rê Mí". Phải chăng, nhà Đài muốn chủ trương cổ động cho mọi gia đình Việt Nam rằng, muốn con cái thành công thì phải đào tạo thật sớm để ném chúng vào các đấu trường thi thố ca hát và nhanh chóng nổi tiếng?

Về hình thức, hai cuộc thi này có chút khác nhau, nhưng cơ bản là đều cùng cho các em bé lên sân khấu và biểu diễn những bài hát do người lớn tư vấn và lựa chọn. Sau đó, chúng sẽ được những vị giám khảo đánh giá, xem xét và cuối cùng chúng sẽ bằng cách này hay cách khác rời bỏ cuộc chơi. Và cái kết như chúng ta đều biết, là sẽ tôn vinh một em bé nào đó làm quán quân... Nếu như vài năm trước, "Đồ Rê Mí" là "đặc sản" của kênh truyền hình đó thì nay nó đã trở thành một món ăn khá mờ nhạt, không hiểu vì sao lãnh đạo kênh này vẫn phát sóng.

Ngoài chuyện phân tích về hai chương trình thi hát cho thiếu nhi, khán giả Mai Linh còn đề cập đến sự đơn điệu trong thực đơn giải trí của kênh truyền hình lớn nhất Việt Nam: "Thực tế chúng ta đều biết, các chương trình thi thố truyền hình dễ gây được hiệu ứng đám đông. Nhưng, tôi có nhớ rằng, ngoài vai trò mua vui thì truyền hình cũng là một cơ quan truyền thông, đưa những thông tin hữu ích về mọi mặt đến với công chúng cả nước. Thực đơn giải trí buổi tối của khán giả, đặc biệt là những ngày cuối tuần, rất nghèo nàn.

Dù không thích xem trẻ con thi đấu, nhưng khán giả
vẫn bắt buộc phải xem "Đồ Rê Mí" và...

Tôi lấy ví dụ, chẳng hạn như chương trình "Giọng hát Việt" mùa thứ hai, có được một điều mới hơn mùa thứ nhất là chiêu các huấn luyện viên được quyền "cứu" các thí sinh, khiến cho những tài năng không bị bỏ sót. Điều này đã khiến khán giả cảm thấy được việc nó bớt nhàm chán hơn. Trong khi đó, những cuộc thi như Sao Mai, gần hai chục năm rồi vẫn nguyên vẹn một phong cách các thí sinh lần lượt lên hát thật to và giám khảo lần lượt cho điểm rồi trao giải. Thử đặt mình vào tâm lý khán giả, hẳn những người thực hiện chương trình sẽ có câu trả lời, rằng bạn có muốn xem một thứ mà bạn đã thuộc lòng từ trước khi nó diễn ra hay là không...

Với những khán giả như tôi, ngoài những cuộc thi thố để mua vui và những bộ phim báo thù đẫm nước mắt, tôi cần những chương trình truyền hình thực sự gây xúc động. Nó phải tác động được vào đời sống người dân bằng nhiều cách và mang đến cho họ những cảm xúc tốt đẹp và thúc đẩy cuộc sống của họ tươi sáng hơn. Đó cũng là một chức năng quan trong của sự giải trí. Còn những chương trình thi thố trên truyền hình hiện tại, lại chủ yếu mang đến sự ngờ vực và mất lòng tin. Vậy thì truyền hình sinh ra để làm gì"...

... đến những sự thật đắng lòng

Nếu ai đã từng làm truyền hình giải trí, đều cảm thấy đắng lòng trước một thực tế, những gì càng nhảm nhí càng dễ gây được hiệu ứng cao. Có vẻ như những khán giả truyền hình nghiêm túc ngày càng thưa vắng. Và tất cả những gì người làm chương trình nghĩ ra được là làm sao có những sản phẩm thu hút đám đông càng nhiều càng tốt. Mục đích không phải vì lợi ích của đám đông đó, mà vì chính những công ty chế tác. Bởi có nhiều khán giả thì lượng rating sẽ rất cao.

Và các đại lý quảng cáo chỉ mua spot quảng cáo trong những chương trình có rating ngất ngưởng. Mặc dù, xét cho cùng, ở Việt Nam, người ta chẳng có gì hơn ngoài việc lấy số liệu từ một công ty duy nhất, đó là TNS. Uy tín và số liệu này chính xác đến đâu, có vẻ là điều chưa ai trong ngành quảng cáo và truyền hình đặt lên bàn cân một cách nghiêm túc. Điều này lý giải vì sao, chương trình "Giọng hát Việt" vào những tập phát sóng trực tiếp đã tăng giá bán quảng cáo lên hơn gấp đôi, nghĩa là muốn xuất hiện 30 giây trên truyền hình vào giờ phát sóng vàng này, các nhãn hàng sẽ phải trả gần 300 triệu đồng...

Điều đáng nói là, với những người làm chương trình thì mục đích làm ăn đã thấy rất rõ.

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, nhạc sỹ Quốc Bảo có chia sẻ, những kinh nghiệm ít nhiều cay đắng: Các cuộc thi chỉ là trò quảng cáo mua vui, bởi vì bản thân của các chương trình như The Voice, Idol, Dancing with star... là để lấy quảng cáo. Nó là cuộc chơi tương đối đại chúng, thậm chí hơi bình dân, dành cho những đối tượng bình dân, thay thế cho dòng "sitcom" (hài kịch tình huống) khi xưa. Cái này có vẻ thú vị và hào nhoáng hơn, thu hút được số đông nhiều hơn. Ngày trước, khi Vietnam Idol mùa đầu tiên khởi động, tôi có tham dự các cuộc họp với thiện chí đóng góp cho họ rất nhiều, thậm chí góp ý cho các thí sinh. Về sau, tôi nhận ra mình là kẻ vô cùng ngây ngô.

..."Giọng hát Việt nhí" vào giờ vàng hai ngày cuối tuần.

Và mới đâỵ, nhạc sỹ Huy Tuấn cũng chia sẻ, rất nhiều người bị say sưa với các cuộc thi hát trên truyền hình và nghĩ rằng, đó là thước đo của thị trường âm nhạc và thắc mắc sao nhiều hiện tượng trong các cuộc thi hát bỗng dưng mất tăm sau khi rời cuộc thi. Thực tế các cuộc thi đó chỉ thuộc về truyền hình, còn thị trường âm nhạc lại là một dòng chảy khác và các cuộc thi ấy chỉ có chức năng duy nhất là phát hiện và giới thiệu những nhân tố mới. Còn để một ca sỹ thành công, thì không đơn giản là cứ đi thi là xong.

Nhìn từ bức xúc của những khán giả đơn thuần như Mai Linh, tác giả bức thư ở trên, và những chia sẻ của những nhà sản xuất âm nhạc như Huy Tuấn và Quốc Bảo, sẽ cho thấy một thực tế rằng, còn rất lâu nữa khán giả mới được xem những chương trình truyền hình thực sự được sản xuất để phục vụ họ. Họ vẫn phải chấp nhận vài phút xem thi hát và nhiều phút xem quảng cáo. Trong ngành marketing và truyền thông có thuật ngữ "target khách hàng", nghĩa là các chương trình truyền hình được làm ra hiện nay trước hết không phải phục vụ khán giả, mà phải nhắm đến đối tượng khách hàng nào phù hợp, để thuyết phục họ bỏ tiền ra tài trợ. Trong cái vòng luẩn quấn của cơm áo gạo tiền và túi tham của nhà sản xuất, thì dù có trả tiền hàng tháng xem truyền hình cáp, khán giả Việt Nam cũng khó lòng có được những chương trình truyền hình giải trí sạch sẽ thực sự để thưởng thức.