Khi trẻ mầm non bị “nhồi” môn ngoại khóa

ANTĐ - “Tôi có con trai 5 tuổi, hiện đang học tại một trường mầm non tư thục. Ngoài chương trình học chính hàng ngày, tôi còn đăng ký cho con tham gia học ngoại khóa về bàn tính và võ thuật. Dù chi phí phải bỏ ra cho những môn ngoại khóa này không ít song hiệu quả lại rất khiêm tốn”.

Khi trẻ mầm non bị “nhồi” môn ngoại khóa ảnh 1Phụ huynh cần căn cứ vào nhu cầu, khả năng của trẻ để chọn môn ngoại khóa phù hợp
Ảnh minh họa: Internet

Lạm vào giờ học chính

Trên đây là phản ánh của chị Đoàn Hải Hà ở ngõ 27 đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chị Hà còn cho biết thêm, theo giới thiệu của nhà trường, “các chương trình ngoại khóa nhằm phát triển toàn diện các kỹ năng mềm đồng thời phát hiện sớm những tài năng tiềm ẩn, phát huy sự nhanh nhạy, khéo léo của trẻ” nên chị Hà đã đăng ký cho con tham gia. Thời gian học 1 môn ngoại khóa là 2 buổi/ tuần, mỗi buổi 40 phút.

“Hầu hết các bạn gái trong lớp đều học múa, đàn, vẽ, các bạn trai thì học võ, tính nhanh, con tôi nếu không đăng ký học sẽ phải ngồi tại lớp chơi xếp hình hoặc xem phim hoạt hình nên tôi đành đăng ký cho cháu học võ và bàn tính. Thời gian đầu, cháu khá hào hứng và tiếp thu nhanh nhưng chỉ sau vài tuần, cháu tỏ ra mệt mỏi, chán nản, “chữ thầy trả thầy” hết. Tôi đang băn khoăn không biết có nên cho con tiếp tục hay không”, chị Hà chia sẻ. 

Tương tự, do thấy cô con gái 4 tuổi rất thích múa hát và học tiếng Anh nên vợ chồng anh Bùi Đức Hoàng (nhân viên ngân hàng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định đăng ký cho con học ngoại khóa khiêu vũ và tiếng Anh tại trường mầm non. Theo anh Hoàng, dù cháu đã học được gần 5 tháng nhưng chẳng thấy thấm vào đâu. Đối với môn khiêu vũ, do thời gian học ít (30 phút/1 buổi/tuần) nên con gái anh Hoàng cứ học tuần sau lại quên hết bài… tuần trước.

Còn tiếng Anh, dù thời lượng học nhiều hơn (3 buổi/tuần, mỗi buổi 30 phút) song do lớp học khá đông nên dù là thầy “ngoại” thì chỉ cần vào lớp, ổn định trật tự, chào hỏi xong từng học sinh cũng đã gần hết giờ. “Ngày nào con đi học về vợ chồng tôi cũng kiểm tra xem con học được gì, song với môn tiếng Anh, cháu chỉ nói được vài từ như xin chào, tạm biệt với phát âm còn ngọng, còn khiêu vũ thì chỉ xoay quanh mấy động tác đơn giản. Không cho con học thì sợ thua kém bạn bè, mà cho học thì vừa thấy con mệt, lại vừa tốn kém”, anh Hoàng nói.

Hiện nay các trường mầm non, đặc biệt là trường tư thục phổ biến các môn học ngoại khóa như múa, vẽ, võ thuật, tiếng Anh, bơi lội, khiêu vũ, đàn… Những tiết học ngoại khóa thường được bố trí trong giờ học chính. Do trẻ đăng ký học ngoại khóa ở các độ tuổi khác nhau nên được dồn chung vào 1 lớp. Những em còn lại cũng thường được dồn chung vào một lớp để giáo viên tiện trông giữ. Trước thực trạng này, không ít phụ huynh đã đặt câu hỏi liệu việc các lớp ngoại khóa được tổ chức trong nhà trường có ảnh hưởng đến việc học chính khóa hay không và ai là người kiểm tra chất lượng các lớp học này?

Nên cân nhắc kỹ

Bà Nguyễn Thị Thanh, hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở quận Ba Đình cho biết, việc các trường mầm non tổ chức dạy ngoại khóa một phần nhằm đáp ứng nhu cầu của những phụ huynh không có điều kiện đưa con đến các trung tâm văn hóa để học năng khiếu, ngoài ra còn giúp các cô giáo phát hiện khả năng tiềm ẩn của mỗi học sinh. Tuy vậy, với các môn ngoại khóa, các trường tuyệt đối không được ép buộc phụ huynh cho con tham gia.

Việc học ngoại khóa không được ảnh hưởng đến chương trình học chính, giáo viên dạy các môn ngoại khóa vẫn phải có nghiệp vụ sư phạm và đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn. Với những trẻ không đăng ký học, giáo viên các lớp phải trông giữ bình thường. “Khi cho con học ngoại khóa, phụ huynh cũng không nên kỳ vọng quá nhiều bởi ở bậc học mầm non, điều quan trọng nhất mà các môn học mang lại là nhằm giúp trẻ tự tin, hứng thú và rèn luyện thể chất tốt hơn”, bà Thanh bày tỏ quan điểm.

Liên quan đến vấn đề trên, Tiến sỹ tâm lý Trần Tuấn phân tích, dù các môn ngoại khóa có tác dụng nhất định đối với sự phát triển của trẻ ở bậc học mầm non song để tránh tình trạng quá tải, mỗi trẻ chỉ nên học tối đa 2 môn trong 1 năm học. Bởi nếu phải học quá nhiều, trẻ sẽ bị ảnh hưởng xấu đến thể chất và tâm lý, dẫn đến tác dụng ngược. Ngoài ra, trong chương trình giáo dục mầm non đã có nhiều môn học giúp trẻ khám phá, rèn luyện kỹ năng ở nhiều lĩnh vực như khoa học và xã hội, phát triển ngôn ngữ - thể chất - tạo hình, âm nhạc, làm quen với toán… Nếu hoàn thành tốt các chương trình này, trẻ đã có một nền tảng giáo dục tốt và tương đối toàn diện.

Các môn ngoại khóa, năng khiếu chỉ đóng vai trò bổ sung, giúp trẻ có hứng thú hơn trong học tập. Do vậy, phụ huynh cần căn cứ vào nhu cầu, khả năng và hứng thú của mỗi trẻ để chọn môn ngoại khóa phù hợp. Bên cạnh đó, khi tổ chức lớp học ngoại khóa, các trường phải bố trí phòng học riêng để tránh ảnh hưởng tới các lớp khác đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc dạy và học, có biện pháp xử lý đối với những giáo viên gợi ý, ép buộc phụ huynh trong việc đăng ký cho con em học ngoại khóa. 

Có thể nói, hoạt động ngoại khóa đã tạo ra một nguồn thu cho các trường mầm non, cải thiện thu nhập cho giáo viên. Tuy vậy, để đảm bảo chất lượng, các trường cần nghiêm túc tuân thủ các quy định về vấn đề này, đồng thời mỗi phụ huynh trước khi đăng ký cho con học bất cứ môn ngoại khóa nào cần cân nhắc kỹ.