Khi trẻ bị tay chân miệng: Chăm sóc thế nào là "chuẩn"?

ANTD.VN - Trong những ngày qua, tại TPHCM, số trẻ nhập viện do bệnh tay chân miệng tăng đột biến. Với những biến chứng khó lường, khi trẻ bị bệnh phụ huynh phải chăm sóc như thế nào.

Tại TP.HCM, tỷ lệ trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng nhanh trong tháng 8 và tháng 9. Theo các bác sĩ tại bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, trung bình mỗi tuần có hơn 200 ca nhập viện, cá biệt có những tuần gần 300 ca, tăng 47% so với các tháng trước.

Số ca mắc bệnh tay chân miệng tại TP.HCM tăng đột biến, theo thống kê của Viện Pasteur, đã có 6 trẻ em tử vong do bệnh tay chân miệng ở các tỉnh phía Nam. Tổng số ca bệnh nhập viện do mắc bệnh tay chân miệng của TP hiện là 3.200 ca và 15.500 ca.

Số ca mắc bệnh tay chân miệng tại TP.HCM tăng đột biến

Bệnh tay chân miệng là một bệnh lây do một nhóm vi rút đường ruột gây nên, có thể phát triển thành dịch. Hiện nay, bệnh tay chân miền vẫn chưa có vắc xin dự phòng, bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, và có những biến chứng hết sức nguy hiểm.

Triệu chứng ban đầu của bệnh tay chân miệng thường là sốt cao, quấy khóc, đau họng, ăn không ngon. Một hoặc hai ngày sau khi bắt đầu sốt, sẽ xuất hiện những vết lở loét trong miệng. Những đốm đỏ mọng nước nổi dạng ban ở khuỷu tay và chân. Nếu không được phát hiện kịp thời bệnh sẽ diễn biến nhanh và gây tử vong chỉ trong 24h.

Những dấu hiệu của bệnh tay chân miệng

Khi trẻ bị bệnh tay chân miệng thường có những dấu hiệu sau:

Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc, rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường hiểu sai, là do bé có các nốt đau miệng. Nhưng thực tế ,đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

Sốt cao không hạ: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamol. Các quá trình đáp ứng viêm rất mạnh trong cơ thể, gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh. Lúc này, cần dùng một loại thuốc hạ sốt đặc biệt hơn, đó là các chế phẩm có Ibuprofen.

Xuất hiện nhiều mụn nước xung quanh miệng và chân tay

Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Phụ huynh cần chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Dấu hiệu của bệnh tay chân miệng rất giống so với những bệnh thông thường ở trẻ, nhưng nếu không phát hiện kịp thời sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi thậm chí dẫn đến tử vong.

Cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng.

Theo Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, có đến 80% số ca bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Việc chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng tại nhà, các bậc phụ huynh phải chăm sóc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp trẻ không thuyên giảm, cần phải đưa ngay đến bệnh viện để điều trị kịp thời.

Cách chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng:

Về chế độ dinh dưỡng:

Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu. Không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị.

Thức ăn cho trẻ bị tay chân miệng cần chọn lựa nhưng thực phẩm mềm, mịn, mát lạnh nhằm tạo cảm giác dễ chịu khi thức ăn, thức uống đi ngang qua vết loét. Một số những thực phẩm có thể dùng cho trẻ là: cháo nhuyễn, súp hầm kỹ, bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, phô mai, bánh Flan, tàu hủ đường…

Nếu trẻ ăn kém, nên chia nhỏ các bữa ăn cho trẻ thành nhiều lần hơn lúc bình thường để tránh tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra. Không gắng gượng ép trẻ ăn sẽ gây cho trẻ tâm lý sợ ăn.

Khi cho trẻ ăn, nên dùng loại thìa nhỏ, không có cạnh sắc để tránh đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi của bé .

Cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, vitamin cho trẻ bị chân tay miệng

Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng cần tăng cường bổ sung Vitamin C cho bé thông qua rau xanh, nước hoa quả tươi mát.

Đối với trẻ còn đang bú mẹ, tiếp tục cho bé bú không nên dừng và có thể cho bé bú nhiều lần.

Trong quá trình chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, khi thấy trẻ giảm bệnh tay chân miệng, nên dần dần tập cho trẻ quay về thói quen ăn uống theo chế độ dinh dưỡng hợp lý với từng lứa tuổi, không nên cho bé ăn kiêng.

Lưu ý khi sử dụng thuốc cho trẻ bị tay chân miệng:

Chỉ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt và giảm đau và các thuốc khác do bác sĩ kê. Bù đủ nước cho trẻ nếu có sốt cao. Vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Có thể súc miệng bằng nước muối loãng nếu trẻ súc được.

Cách ly:

Khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng để trẻ nhanh khỏi cần cách ly trẻ và thực hiện vệ sinh thân thể: Cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà. Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và cho cả trẻ bệnh, sau khi tiếp xúc nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch, để hạn chế sự lây lan khi phải chăm sóc trẻ lành.

Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch. Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, chén ăn cơm, muỗng ăn... nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ. Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho bé hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn.

Vệ sinh cá nhân:

Trẻ bị tay chân miệng phải được vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày bằng xà phòng và nước sạch.

Vệ sinh cá nhân thường xuyên, khuyến khích trẻ rửa tay nhiều lần bằng xà phòng

Khuyến khích trẻ thường xuyên rửa tay sạch sẽ, đúng cách bằng xà phòng và nước sạch dưới vòi nước chảy để ngăn ngừa sự tái nhiễm bệnh tay chân miệng qua đường tay – miệng nhằm loại bớt sự bám dính của vi rút gây bệnh tay chân miệng trên đôi tay của trẻ.

Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng phụ huynh cần tránh quan niệm sai lầm như: Kiêng tắm, kiêng gió - ủ trẻ quá kỹ - châm chích cho mụn nước mau vỡ ra. Chính những sai lầm này là nguyên nhân làm cho bệnh của trẻ trầm trọng hơn và là con đường ngắn nhất của tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng phải tạo môi trường sống trong lành, an toàn cho trẻ. Phòng sinh hoạt của trẻ cần thông thoáng, sàn nhà thường xuyên phải lau chùi sạch sẽ.

Cần theo dõi sát tình trạng bệnh: Tốt nhất trong 7 ngày kể từ lúc bị bệnh, ngoài việc chăm sóc tại nhà và dùng thuốc theo đơn thì hằng ngày nên tái khám để phát hiện sớm những diễn biến bất thường. Chú ý, bệnh lây lan mạnh nhất trong tuần đầu nhưng virut có thể còn tồn trong phân vài tháng sau.

Trong thời gian chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng nếu thấy các dấu hiệu bất thường: Sốt cao; thở bất thường; quấy khóc liên tục; khó ngủ hoặc ngủ li bì hoặc ngủ gà; giật mình, hốt hoảng, chới với; ngồi không vững hoặc đi loạng choạng; run tay, chân hoặc co giật; vả mồ hôi; nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú; yếu tay chân; da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái cần phải đưa trẻ ngay đến bệnh viện để điều trị.