Khi tội phạm lợi dụng thị trường lao động

ANTĐ - Nhu cầu việc làm ở Hà Nội hiện nay rất lớn, mỗi ngày có hàng trăm người có nhu cầu tìm việc và cũng hàng trăm cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu tuyển người lao động. Do không tìm hiểu kỹ, và với tình trạng “loạn” công ty môi giới việc làm như hiện nay, nhiều đối tượng đã  “tranh thủ” thực hiện hành vi phạm tội.

Khi tội phạm lợi dụng thị trường lao động  ảnh 1Lực lượng công an lấy lời khai của đối tượng lừa đảo liên quan đến việc làm

Người đi thuê lao động là nạn nhân

Do việc buôn bán ở cửa hàng bận rộn, chị Nguyễn Thị Tươm đã thuê Hoàng Văn Thành (SN 1992), trú tại Việt Hòa, Khoái Châu, Hưng Yên phụ giúp mà không hề biết  hắn vừa ra tù được một thời gian ngắn. Lấy lý do nhà xa xin được ở tại cửa hàng, Thành đã tìm hiểu và biết chị Tươm có khá nhiều tiền để ở két sắt trên tầng 2. Khoảng 0h ngày 13-3, Thành gọi cho chị Tươm nói bị đau bụng và chỉ chờ cho nạn nhân đi xuống dưới nhà, hắn bất ngờ áp sát, tay trái ghì cổ, tay phải cầm con dao khống chế ép chị dẫn vào phòng ngủ mở két sắt, lấy ra số tiền khoảng gần 138 triệu đồng.

Lấy được tiền, Thành tiếp tục khống chế, bắt chị Tươm đi xuống tầng hầm nhưng với sự dũng cảm của mình, chị Tươm đã quật ngã được Thành, chạy ra ngoài kêu cứu và lợi dụng lúc đó, Thành đã bỏ trốn. 3 ngày sau, Thành bị Cơ quan CSĐT CAH Gia Lâm bắt giữ khi đang lẩn trốn trên địa bàn quận Tây Hồ. Lý giải cho việc thiếu cảnh giác với người làm thuê này, chị Tươm cho rằng, chị thuê người qua trung tâm môi giới nên hoàn toàn tin tưởng vào việc giới thiệu nhân sự của trung tâm. Hơn nữa, vào thời điểm đó chị đang rất cần người nên cũng không kịp kiểm tra nhân thân người làm thuê.

Đó chỉ là một trong số nhiều vụ việc mà người sử dụng lao động trở thành nạn nhân của người làm thuê. Xuất phát từ nhu cầu thuê và sử dụng người lao động trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, những năm trở lại đây các trung tâm môi giới việc làm phát triển mạnh mẽ. Để tiết kiệm chi phí, các trung tâm, công ty môi giới thường không kiểm tra lại thông tin của những người đến xin việc mà bố trí công việc luôn. Cùng với đó, các trung tâm môi giới việc làm cũng không đủ năng lực và điều kiện để thẩm định hồ sơ. Rất nhiều trường hợp, đối tượng sử dụng hồ sơ giả, chứng minh nhân dân giả để nộp vào các trung tâm môi giới tìm việc. Đây là những trường hợp có ý đồ, tính toán, dự mưu từ trước, nên sau khi được nhận vào làm đã tìm cách trộm cắp tiền của gia chủ, có đối tượng thì cướp tài sản thậm chí gây ra những tội ác kinh hoàng hơn.

Khi tội phạm lợi dụng thị trường lao động  ảnh 2Quảng cáo tuyển người lừa đảo được dán khắp nơi

Người lao động bị lừa

Dù thành phố đã tìm nhiều cách xóa bỏ tờ rơi rao vặt, song quảng cáo tuyển người vẫn được dán khắp nơi tại các bến xe buýt, nhà bán vé xe buýt, các trụ đường trên cao... Vào mạng Internet, qua các trang lao động việc làm hay thậm chí mạng xã hội người lao động cũng có thể tìm thấy thông báo tuyển người với nhiều quyền lợi hấp dẫn như mức lương cao, công việc nhàn.

“Trực điện thoại tại văn phòng; Hành chính văn phòng, quản lý hồ sơ, gửi và nhận công văn, thực hiện các công việc chuyển tải thông tin; Nhận và phản hồi thông tin khách hàng; Soạn văn bản, hợp đồng; Chấm công, điểm danh; Theo dõi, đánh giá nhân viên thực hiện nội quy, quy chế công ty; Hỗ trợ phòng nhân sự đăng tuyển dụng, nhận hồ sơ, sắp xếp và tổ chức phỏng vấn... Quyền lợi được hưởng: Mức lương: 4,5 triệu đồng/tháng; Sau 6 tháng làm việc sẽ được đóng BHXH, BHYT, BHTN”.

Đó là những mô tả công việc trong một quảng cáo tuyển dụng trên trang web của Công ty TNHH nội thất Cường Yến có địa chỉ tại 331 Phan Bá Vành, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm. Mức lương và công việc như thế quả là hấp dẫn với nhiều người, và vì thế không ít người lao động đã mắc lừa, không những bị lừa tiền mà còn cả lừa tình. Điển hình là vào ngày 2-8-2014, khi đến nhận việc tại công ty này, chị Hà Thị H đã bị chính Giám đốc Trần Mạnh Cường giở trò đồi bại. Chị Nguyễn Thị Xuân, ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa - một người suýt trở thành nạn nhân của công ty này cũng cho hay, khi đến xin việc theo thông tin tuyển dụng của công ty, “Giám đốc” cũng chẳng hề xem hồ sơ mà nhận chị luôn, yêu cầu chị đặt cọc 350.000 đồng và hôm sau đến... làm việc. Chị Xuân cảnh giác nên nói mình không mang theo tiền và... chuồn thẳng. 

Tương tự như vậy, khoảng cuối tháng 10-2014, thông qua mạng xã hội, chị Nguyễn Thị X nhận được thông tin có một nhà nghỉ trên địa bàn quận Tây Hồ tuyển nhân viên với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Chị X liên hệ và được chủ nhà nghỉ là Ngô Duy Khánh, trú tại nhà CT1B, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội, hướng dẫn đến nhà nghỉ để nhận việc. Khi vừa đến nơi, chị X đã bị Khánh mời lên phòng, đưa cho một tờ giấy trắng và chiếc bút rồi bảo chị này khai lý lịch. Khi chị X đang viết thì Khánh khóa trái cửa phòng, bất ngờ ôm chị này từ phía sau, dùng tay ghì chặt rồi đè chị X ra giường, mặc cho nạn nhân la hét, giãy giụa... Sau khi thực hiện hành vi thú tính, Khánh mới cho nạn nhân ra về.

(Còn tiếp)