Khi tổ ấm như... nhà trọ

ANTĐ - Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống bận rộn bởi công việc và học tập đã khiến những ngày gặp mặt, đoàn tụ gia đình càng trở nên hiếm hoi. Những mối liên kết giữa các thành viên ngày càng lỏng lẻo, giá trị truyền thống trong mỗi gia đình cũng đang dần bị phá vỡ. Đây là thực trạng đang lây lan trong giới trẻ hiện đại…

Cả tuần không nhìn thấy mặt con

Khi tổ ấm như... nhà trọ ảnh 1

Cuộc sống hiện đại với guồng quay, vòng xoáy của công việc hoặc những nhu cầu cá nhân khác đã khiến mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo. Việc cả gia đình cùng ăn chung với nhau từ 2-3 bữa cơm/ngày là điều rất khó thực hiện, thậm chí nhiều bậc phụ huynh cả tuần không nhìn thấy mặt con chỉ vì chúng… bạn học.

Chị Nguyễn Thu Trang, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên thở dài: “Nhà tôi neo người, chỉ có vợ chồng và một đứa con gái, năm nay 24 tuổi. Chẳng biết con bé bận đến mức nào mà một tuần nay tôi không thấy mặt dù sống chung dưới một mái nhà. Sáng thức dậy thì con bé đã rời nhà từ lúc nào, buổi trưa thì mọi người ăn ở nơi làm việc, ở trường cho tiện. Chỉ còn mỗi bữa tối để cả gia đình sum vầy, hỏi han tình hình học tập công việc của các thành viên giờ cũng thưa dần vì con bé đưa ra lý do hết giờ làm phải đi học thêm, rồi đi dạy thêm nên ăn ở ngoài cho tiện. Cuối tuần thì nó bỏ mặc hai thân già ở nhà để ra ngoài vui vẻ cùng bạn bè. Vợ chồng tôi cảm thấy rất buồn vì cô con gái độc nhất ngày càng trở nên xa rời cha mẹ”.

Trong xu thế hiện đại, các bạn trẻ dường như bị cuốn theo chuyện học hành, công việc nên đa phần họ đều chọn cách ăn uống tiện lợi mà ít chú tâm đến các bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng thích ăn cơm ngoài, bởi đơn giản chỉ vì tiện cho việc học tập và tiết kiệm vốn thời gian ít ỏi. Bạn Hoàng Thu Thuỷ, sinh viên Đại học KHXH&NV tâm sự : “Là sinh viên năm cuối, em phải dành nhiều thời gian cho kỳ thi và bài luận văn tốt nghiệp nên thời gian cho những bữa cơm gia đình cũng trở nên xa xỉ. Nhà xa nên giữa các giờ học cứ phải ra quán ăn cạnh trường ngồi ăn cơm một mình em cũng cảm thấy buồn. Lắm khi nhớ bữa cơm gia đình quây quần cùng bố mẹ và em gái vô cùng…”. 

Ngay cả những ngày giỗ chạp quan trọng, những phép tắc trong gia đình là những điều mà không ít bạn trẻ ngày nay cũng không mấy quan tâm. Văn hóa gia đình, dòng họ thường được kế thừa và tiếp nối bởi nhiều thế hệ trong một gia đình. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ tỏ ra thờ ơ vì cho rằng việc lo giỗ chạp là vấn đề của bố mẹ chứ không phải của thế hệ con cháu. Đôi khi những ngày giỗ ông, bà là khoảng thời gian hiếm hoi để các thành viên trong gia đình quây quầy và trở nên gần gũi, những ngày mà các thành viên trong gia đình có cơ hội đoàn tụ, gặp mặt, để nhớ về gốc gác, nguồn cội của bản thân, những ngày kỷ niệm của gia đình đang dần xa dời bộ nhớ của phần lớn các bạn trẻ. Những góc ký ức gia đình đẹp đẽ ấy dường như đang nhường chỗ cho những mối quan hệ xã hội, những mối bận tâm khác mà các bạn đang theo đuổi.

Bối rối khi gặp họ hàng

 “Thú thật em cũng không biết hết họ hàng hai bên nội ngoại vì từ nhỏ đến giờ rất ít khi về quê. Lắm lúc gặp ông, bà, cô, chú ở quê không biết phải xưng hô thế nào cho phải phép, cứ phải đưa mắt nhìn bố mẹ cầu cứu…”, bạn Nguyễn Thu Trang, vừa tốt nghiệp đại học tâm sự. Hẳn Trang không phải là trường hợp duy nhất, bởi với những bạn trẻ sống ở thành phố đã lâu thì những lần về quê chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có bạn một năm về quê may ra được một lần nên không còn nhớ nổi mặt họ hàng cũng là điều dễ hiểu. Nhưng liệu đó có phải lỗi hoàn toàn từ phía các bạn trẻ hay một phần còn do chính bản thân các bậc phụ huynh quá bận rộn với cuộc sống mưu sinh mà quên giáo dục cho chính con cái mình giá trị truyền thống gia đình và những mối quan hệ gắn kết đã được hình thành qua nhiều thế hệ… 

Theo bà Lê Thị Tuý - chuyên gia tư vấn tâm lý Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc Việt Nam: “Mỗi bữa cơm gia đình là nơi lưu giữ những kỷ niệm, những giây phút gia đình bên nhau, nâng niu những giá trị đích thực trong cuộc sống của mỗi thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, trong nhịp sống gấp gáp như hiện nay, con người đang dần trở nên xao lãng các bữa cơm gia đình. Giá trị của bữa cơm gia đình đang dần bị mai một, kéo theo đó là hàng loạt những hệ lụy: tình cảm gia đình phai nhạt, vợ chồng thiếu sự chia sẻ, con cái thiếu sự chăm sóc, giáo dục, hạnh phúc gia đình rạn nứt… Một trong những bí quyết để gìn giữ mái ấm gia đình đó là chăm lo tới những nhu cầu cơ bản nhất nhưng lại đáng trân trọng nhất mỗi bữa ăn gia đình. Bên cạnh đó, những ngày giỗ chạp, những sự kiện đáng nhớ luôn là một phần của truyền thống gia đình, hiểu về giá trị của cội nguồn, hiểu về tổ tiên, gốc gác của mình thì các bạn trẻ mới biết trân trọng gia đình hơn”. 

Bà Tuý cũng cho rằng: “Xã hội phát triển nhưng không có nghĩa là các bạn trẻ quên đi những nét văn hóa truyền thống của gia đình Việt, mà ngày càng phải biết giữ gìn và phát huy. Ai cũng mong muốn mình có một gia đình hoàn hảo và hạnh phúc, ai cũng hi vọng mọi lo toan ưu phiền của cuộc sống sẽ tan biến mỗi lần quay trở về với mái ấm thân yêu. Những giá trị thiêng liêng ấy luôn tồn tại và phải được từng cá nhân, gia đình gìn giữ và phát huy…”.