Khi thầy giáo là nghệ sỹ

(ANTĐ) - Hôm nay là một ngày đặc biệt, ngày Nhà giáo Việt Nam. Và ngày này càng đặc biệt hơn đối với các thầy cô giáo là nghệ sĩ. 

Khi thầy giáo là nghệ sỹ

(ANTĐ) - Hôm nay là một ngày đặc biệt, ngày Nhà giáo Việt Nam. Và ngày này càng đặc biệt hơn đối với các thầy cô giáo là nghệ sĩ. 

Sân khấu, hay giảng đường cả hai đều mang lại cho những người thầy cảm xúc thăng hoa và những dư vị ngọt ngào từ cuộc sống...

Nhạc sỹ An Thuyên - Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội:

“Nhờ làm thầy, niềm vui được nhân lên gấp bội”

“Về mặt hình thức, công việc giảng dạy, quản lý so với sáng tác rất khác nhau. Một cái đòi hỏi tính nguyên tắc, mô phạm, chính xác và lý trí, một cái lại rất amateur, đòi hỏi cảm xúc, sự tự do, bay bổng. Tuy nhiên, với tôi thì hai công việc đó lại bổ sung hỗ trợ cho nhau rất nhiều.

"Vì là nghệ sỹ thì phải yêu người, là nhà quản lý thì phải hiểu người. Hiểu để yêu và có yêu thì mới hiểu được. Vấn đề là mình phải biết sắp xếp hợp lý ngăn kéo nào dành cho sáng tác và ngăn kéo nào dành cho quản lý, giảng dạy để chúng không bị ảnh hưởng, kiềm chế lẫn nhau.

"Sáng tác ra một bài hát hay so với việc có một học trò thành đạt, tôi không thể so sánh được điều nào hạnh phúc hơn. Vì nhờ làm thầy giáo mà niềm vui của tôi không chỉ bó gọn ở những tác phẩm thành công mang tính cá nhân, niềm vui ấy được nhân lên gấp bội khi tôi đã góp phần giúp cho nhiều người khác thành công - đó chính là những thế hệ học trò của mình”.

Ca sỹ Lan Anh: “Khi học trò thành công, tôi hạnh phúc như đó là thành công của chính mình”
Ca sỹ Lan Anh: “Khi học trò thành công, tôi hạnh phúc
như đó là thành công của chính mình”


Họa sỹ, Nhà giáo Nhân dân Lê Anh Vân - Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội:

“Chấp nhận hy sinh vì sự nghiệp giảng dạy”

Làm thầy giáo bình thường đã khó, làm thầy giáo đào tạo ra những nghệ sỹ đích thực lại càng khó hơn. Bởi lẽ giảng dạy ở một trường nghệ thuật không thể chỉ có ra lệnh hay chỉ bảo mà rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu. Phẩm chất ấy có từ chính con người nghệ sỹ của mình.

Nhờ có nghệ thuật mà mình mới có kiến thức, kinh nghiệm, chuyên môn cũng như lòng nhiệt huyết để đào tạo và truyền lửa cho học trò của mình. Nhưng ngược lại, cũng nhờ có công tác giảng dạy mà mình có một đời sống hiện thực phong phú để sáng tạo, thăng hoa trong nghệ thuật.

Tuy nhiên, không thể nói nó không ảnh hưởng đến nhau. Tôi chấp nhận hy sinh, chấp nhận thiệt thòi trong sáng tác, song bù lại, tôi được nhận những tấm lòng yêu mến, trân trọng của sinh viên và đồng nghiệp. Tình cảm ấy mới là quý giá.

Nghệ sỹ Cao Chí Thành - Giảng viên Khoa múa, Trường Đại học VHNT Quân đội:

“Mong sao các em thêm yêu con đường đã chọn”

Đây là năm thứ 2 tôi đứng trên bục giảng đường với tư cách thầy giáo song cảm xúc vẫn rất khó tả khi đón nhận những lời chúc mừng, những bó hoa của sinh viên trao tặng nhân ngày 20-11.

Khác lắm với lúc đứng trên sàn diễn và được khán giả tặng hoa, có lẽ nó có chiều sâu hơn vì trong đó chứa đựng tình cảm yêu mến kính trọng của học trò đối với mình. Điều ấy nhắc nhở tôi phải có trách nhiệm hơn trong công việc cũng như ngoài cuộc sống.

Tuy nhiên niềm hạnh phúc và mãn nguyện hơn cả trong nghề giáo với tôi là được nhìn thấy học trò của mình trưởng thành và thành công. Những bó hoa, thiệp mừng, lời chúc... chưa hẳn đã là điều tôi mong muốn nhất nhân dịp vui này, tôi chỉ mong sao các sinh viên của mình sẽ cố gắng học tập nhiều hơn nữa, thêm yêu những tiết học và cả con đường nghệ thuật mà mình đang theo đuổi..

Nhạc sỹ Giáng Son - Giảng viên Khoa Tiếng hát dân tộc, trường Đại học SKĐA Hà Nội:

“Chắc chắn sẽ sáng tác ca khúc nói về nghề giáo”

Thật hạnh phúc cho những người nghệ sỹ giữ vai trò giảng dạy như tôi vì dịp 20-11 nào đi đâu cũng nhận được lời chúc mừng từ các bạn sinh viên, cảm động vô cùng khi nhiều học sinh đã ra trường 6 - 7 năm rồi những vẫn quay về chúc mừng.

Những lúc như thế mới thấu hiểu hết ý nghĩa của hai từ “cô giáo” và cảm nhận được phần nào sự đóng góp bé nhỏ của mình cho sự nghiệp giáo dục... Bản thân tôi cũng không bao giờ quên ơn những nguời đã từng dạy dỗ mình dù có công việc bận rộn đến đâu.

Trong ngày hôm nay, tôi muốn dành sự tri ân lớn nhất của mình đến nguời thầy đã khuất - thầy giáo Đàm Linh (Nhạc viện Hà Nội).

Nghệ sĩ kịch câm Đào Kế Đoàn - Nhà hát Tuổi trẻ:

“Những điều kỳ diệu sẽ đến với học trò của tôi”

Học sinh của tôi là những đứa trẻ tật nguyền, khiếm thính. Tôi thấy các em túm tụm vào nhau, áp hai tay vào ngực, rồi vòng hai tay rộng ra. Là một người thầy của các em khiếm thính tôi hiểu các em đang nói gì.

Các em muốn nói rằng: “Chúng ta hãy chúc mừng thầy bằng tấm lòng của mình”. Đứng từ xa nhìn thấy điều đó, tôi vô cùng xúc động và hạnh phúc bởi nếu mình chưa bao giờ làm thầy thì mình sẽ không có được cảm giác như vậy.

Tôi nghĩ cử chỉ đó là bó hoa đẹp nhất dành cho tôi. Tối hôm nay, các em có một chương trình biểu diễn tặng cho thầy giáo của mình. Tôi sẽ nói với các em rằng, thầy rất cảm động về tình cảm của các em, thầy càng yêu các em hơn và mãi mãi giúp đỡ các em tận tình cho đến khi thầy còn sức lực.

CLB của những học trò tật nguyền này mang tên: “Nghệ thuật đương đại những điều kỳ diệu” vậy nên tôi mong rằng những điều kỳ diệu sẽ đến với các em học trò tật nguyền của tôi.

Ca sỹ Lan Anh - giảng viên Nhạc Viện Hà Nội:

“Không thể chọn sân khấu hay bục giảng”

Khi ra trường, tôi đã chọn con đường giảng dạy bởi giảng dạy là một niềm yêu thích của tôi, phù hợp với tính cách của tôi. Khi tôi được các thầy cô chỉ bảo cho mình những kinh nghiệm, những bài học quý giá, tôi cũng ao ước, mong muốn được truyền lại những bài giảng ấy cho người khác.

Với chúng tôi, học trò không chỉ là học trò, mà còn là một người bạn để mình trò chuyện, tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp và đôi khi là cả cuộc sống nữa. Tôi có 9 học trò thôi nhưng họ là niềm tự hào của tôi, họ có lúc khiến tôi buồn, có lúc làm tôi vui nhưng luôn hạnh phúc.

Thế nên khi Tân Nhàn và Thu Hà thành công trên sân khấu Sao mai, tôi hạnh phúc như đó là thành công của mình vậy. Tuy nhiên, bảo tôi phải chọn lựa bục giảng và sân khấu thì thật khó bởi tôi... tham lam.

Sân khấu cho tôi niềm hạnh phúc thăng hoa cũng như là nơi để tôi thử nghiệm, thực hành, học hỏi, lấy kinh nghiệm hỗ trợ cho công tác giảng dạy của mình. Sự tham lam của tôi cũng là cần thiết đấy chứ”.

Văn Hóa