Khi “tập hai” hay hơn “tập một”

ANTĐ -Sau ly hôn, chị rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, trở thành người phụ nữ căm thù đàn ông. Chị không bao giờ nghĩ mình có thể lấy chồng lần nữa, bởi mọi cảm xúc với đàn ông trong chị đã chết.

Chị em phụ nữ thường gọi người tái hôn là “có tập hai”, còn cuộc hôn nhân đầu tiên được coi là “tập một”. Những đồng nghiệp của chị mừng cho chị và họ thường nói vui rằng: “Tập hai của cái Hằng còn hay hơn tập một nhỉ”. Chị chỉ cười, thay lời thú nhận.

Chị Hằng ở Hoàng Mai, Hà Nội lấy chồng gần 10 năm, nhưng chị chỉ có 10 ngày hạnh phúc thực sự sau đám cưới, còn lại là những ngày sống cùng người chồng bạo chúa. Không chỉ hay ghen, keo kiệt, coi vợ là kẻ ăn người ở, mà anh Kiên - chồng chị còn là người đàn ông chỉ biết giải quyết mọi xích mích trong gia đình bằng "nắm đấm" vẫn mang nặng tâm lý phổ biến của phụ nữ là "xấu chàng hổ ai" nên chị Hằng chỉ nghiến răng chịu đựng và khóc thầm. Chồng chị bắt chị phải ca tụng mười lần câu "Em cảm ơn anh đã vất vả kiếm tiền nuôi vợ con" trước khi bưng bát cơm lên miệng.

Tưởng chồng "vui tính" chị cũng chiều chồng những ngày đầu. Nhưng càng ngày chị càng thấy nhục nhã, nên nhiều lần chị đã kháng cự lại chuyện "ca tụng chồng" và bỏ bữa luôn. Chồng chị đã túm tóc chị dập xuống mâm và chửi:" Không phải làm, chỉ có nói mỗi câu cảm ơn chồng là được ăn mà còn không chịu à!" Hai lần động thai, 2 lần phải ra trạm y tế phường bằng bó vết thương, 7 lần xách va ly bỏ về nhà mẹ đẻ, 4 lần phải ngủ ngoài hiên... là những "món quà" chị được nhận từ người chồng của mình.

Ban ngày chị Hằng nhận được từ chồng những nắm đấm, cái tát, những lời chửi rủa, lăng mạ, chị còn cố chịu đựng vì chị đã dạn đòn và cố trở thành người "có tai như điếc, có mồm như câm”. Nhưng khi màn đêm buông xuống, khi mỗi căn phòng ngủ vợ chồng đều tràn ngập yêu thương thì chị Hằng mới thực sự nếm trải những đắng cay, tủi nhục. Chồng chị không yêu thương vợ theo cách thông thường, mà anh ta nằm im, bắt vợ làm sao cho anh ta đạt được khoái cảm thì thôi. Chị phải tẩm quất, vần vò, xoa bóp khắp cơ thể cho chồng, còn anh ta nằm im hưởng thụ. Hôm nào nổi hứng lên, anh ta hành hạ chị bằng cách bắt chị chấp nhận quan hệ bằng miệng.

Cũng là người phụ nữ chịu nín nhịn nên chị mới cố sống với người chồng như vậy gần 10 năm trời. Nhưng như người ta bảo “con giun xéo lắm cũng quằn" sức chịu đựng của chị Hằng có hạn. Chị quyết định viết đơn, đơn phương đòi ly dị chồng. Sau hai lần hoà giải không thành, chị Hằng đã được toà chấp nhận cho ly hôn. Chị đã vui sướng đến trào nước mắt, bởi từ này chấm dứt những ngày sống tủi nhục của kiếp làm vợ bạo chúa.

Sau ly hôn, chị rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, trở thành người phụ nữ căm thù đàn ông. Chị không bao giờ nghĩ mình có thể lấy chồng lần nữa, bởi mọi cảm xúc với đàn ông trong chị đã chết. Chị dồn sức để làm việc, kiếm thêm thu nhập nuôi con. Những lúc rảnh rỗi, chị theo các câu lạc bộ dưỡng sinh, nhận kèm các em học sinh học kém trong khu tập thể. Mục đích chị làm những việc này không phải vì tiền, mà vì muốn giết thời gian, tránh sự rảnh rỗi, nhàm chán. Suốt hai năm chị sống như cái bóng. Tưởng rằng cuộc đời bất hạnh của chị cứ thế trôi đi, ai ngờ chị lại gặp anh, một người đàn ông sau này đã trở thành "người chồng tuyệt vời" của chị.

Anh đã 40 tuổi, là một bác sĩ, làm ở một phòng khám nhi của thành phố. Trước đây anh cũng đã từng có một gia đình hạnh phúc, nhưng vợ chồng anh đã ly hôn và vợ anh đã cùng con trai sang định cư ở nước ngoài. Nhiều năm nay anh sống độc thân và có ý định không bao giờ lập gia đình lại nữa, dồn hết tâm sức cho chuyên môn, bởi cú sốc ly hôn đối với anh vẫn còn rất nặng nề.

Vậy mà khi gặp chị, trái tim anh đã đập lạc nhịp. Chị thường xuyên đưa con đến khám, chữa bệnh ở khoa nơi anh công tác, bởi cháu bé bị mắc bệnh viêm phế quản mãn tính. Nhìn cách chị chăm sóc con, âu yếm con, với nét mặt đôn hậu và thánh thiện, nhưng vẫn phảng phất nét buồn, trong anh trào dâng một cảm xúc muốn được chia sẻ và cùng chị gánh vác những khó khăn. Tuy nhiên chị là người phụ nữ mắc bệnh "hận đàn ông” nên luôn luôn giữ một thái độ đúng mực và một khoảng cách đối với anh, dù nhiều lần anh cố tình nấn ná để trò chuyện, làm thân.

Rồi một hôm anh đọc trong một cuốn tạp chí có câu: "Khi bạn dắt tay đứa con là bạn đã dắt trái tim mẹ nó". Anh nghĩ ngay đến cháu bé con chị, bệnh nhân thường xuyên của anh. Cháu bé có thể là cầu nối để anh đến với chị ấy dễ dàng hơn. Anh bắt đầu mở chiến dịch "tấn công" chị, lấy tư cách bác sĩ chăm sóc, điều trị cho cháu mà tạo ra sự gần gũi, thân thiện với mẹ con chị hơn! Anh đột nhiên đến thăm mẹ con chị tại nhà, hỏi han tình hình cuộc sống, tư vấn cho chị một số biện pháp chăm sóc cháu bé, cho cháu một vài loại thuốc "đặc biệt quý hiếm" đề cháu bồi dưỡng sức khoẻ. Những lần đến chơi như vậy, anh cũng trò chuyện, hỏi han chị về cuộc sống hiện nay, đồng thời cũng cởi mở lòng mình, tâm sự cho chị biết hoàn cảnh của anh.

Những dịp lễ, tết, mồng 1 - 6, hoặc chỉ đơn giản là ngày nghỉ, anh đều tranh thủ đến thăm mẹ con chị và có lần anh đã đề nghị đưa cháu bé đi chơi. Những ngày đầu, anh ít chú ý đến chị, không sốt sắng tạo dựng sự thân tình với chị, mà ân cần quan tâm đến đứa con. Rồi chị bắt đầu nhìn thấy ở anh hình bóng một "người cha mẫu mực" giàu lòng thương yêu con trẻ. Có hôm anh mạnh dạn nói cho chị biết khát vọng có một mái ấm gia đình của anh, nói đến những khó khăn của anh trong cuộc sống đơn lẻ. Anh cũng đã "nửa đua nửa thật" nhờ chị "mai mối cho anh một người phụ nữ giản dị, nhân hậu, biết cảm thông, chia sẻ nỗi buồn, nỗi cô đơn của anh. Dù bị tổn thương nhiều, nhưng trái tim phụ nữ của chị vẫn cảm nhận được rằng anh đang "bóng gió xa xôi”.

Chị đã nhạy cảm và hiểu ý định của anh. Trái tim chị đã bắt đầu hồi sinh, đã rung lên những nốt nhạc yêu thương đầu tiên. Có lần cả tuần anh không đến, chị thấy nhớ và nghĩ nhiều đến anh. Chị càng nghĩ nhiều hơn khi con chị cứ hỏi "sao may hôm rồi không thấy bác Thắng đến chơi". Rồi bỗng nhiên anh lại đến, làm chị vui mừng, khiến anh nhận ra sự luống cuống của chị. Tháng ngày cứ dần trôi, anh đã trở thành "người thân”, thành "ân nhân" của mẹ con chị. Trái tim chị đã "thật thà" với anh hơn, khoảng cách giữa hai người được thu hẹp. Anh nhận ra rằng con đường từ "cái ân" đến "cái tình" là con đường ngắn nhất chinh phục trái tim người phụ nữ. Anh đã thành công.

Đến lúc này, anh chị đã có hơn một nghìn ngày hạnh phúc trong tình yêu thương, tôn trọng và chia sẻ. Chị thầm cảm ơn "ông trời có mắt" đền bù cho chị một người chồng tuyệt vời sau những tháng năm đau khổ, tưởng chừng chỉ có cái chết mới giải thoát được. Chị trẻ ra, vui hơn. Sáng sáng anh chở chị đi làm, chở con chị đến trường, rồi mới tới chỗ làm của mình. Anh đã có thói quen chỉ ăn cơm vợ nấu, nên những hôm anh phải trực ca tối, ca đêm, chị vẫn mang cơm của nhà đến tận viện cho anh. Hai mẹ con ngồi ríu rít trò chuyện, vừa ép anh ăn nhiều để "có sức khỏe làm việc”. Nét mặt anh rạng ngời vì hạnh phúc đơn sơ mà ấm nồng. Anh bảo: "ừ, anh sẽ cố ăn hết những gì hai mẹ con mang đến. Nhưng em cũng phải ăn nhiều để... con khỏe”.Vừa nói, anh vừa nhìn vào cái bụng đã lùm lùm của chị, khiến chị hơi ngượng, nhưng đôi má ửng lên vì niềm vui.