Khi rượu lái xe, hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp

ANTĐ - Hậu quả của việc lái xe khi say xỉn vốn luôn là nỗi ám ảnh với tất cả những người tham gia giao thông. Nhiều người dân sống dọc hai bên đường Bà Triệu vẫn chưa thể quên nỗi kinh hoàng khi chứng kiến vụ tai nạn nghiêm trọng ngày 9-11-2014 do Đoàn Mạnh Hiển gây ra khi điều khiển chiếc xe Mazda mang BKS: 30T-7642 trong trạng thái say rượu. Hậu quả  là 1 nạn nhân tử vong, 2 người khác bị thương và 5 ô tô bị hư hại. 

Khi rượu lái xe, hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp ảnh 1Bà Nguyễn Thị Cậy

Bà Nguyễn Thị Cậy trú tại số nhà 120 Bà Triệu là  nạn nhân thoát chết trong tai nạn kinh hoàng đó. Bà Cậy cho biết, dù sự việc xảy ra đã lâu, nhưng ấn tượng của lần “chết hụt” ấy vẫn in đậm trong tâm trí bà. “Lúc ấy khoảng 16h, tôi đang ngồi bán hàng nước ngay trước cửa nhà thì chợt nghe tiếng động cơ rít lên từ phía ngã 5 Bà Triệu - Nguyễn Du. Tôi vừa ngẩng mặt lên nhìn thì đã thấy “rầm”, chiếc ô tô lao thẳng vào một thanh niên đang đi xe máy khiến nạn nhân bắn lên nắp capo. 

Khủng khiếp hơn, chiếc “xe điên” ấy lại theo đà lao đến chỗ tôi ngồi với chiếc xe máy kéo lê dưới đất tóe lửa. Tôi gần như mất hết phản xạ vì sợ hãi và chỉ biết ngồi nhìn. May sao khi chỉ còn cách tôi độ 2m thì không hiểu vì lý do gì, chiếc xe lại ngoặt sang tay trái về phía Bệnh viện Mắt Trung ương. Cú đánh lái gấp khiến chiếc xe máy dưới gầm văng ra theo lực ly tâm.

Chưa dừng lại, lúc này tôi thấy chiếc “xe điên” chợt phanh dúi dụi, cú đạp phanh này làm cho nạn nhân mắc trên nắp capo bắn xuống mặt đường. Xung quanh tôi, nhiều tiếng la hét vang lên, chiếc xe một lần nữa bẻ lái sang trái và vẫn với tốc độ khủng khiếp nó đâm liên tiếp vào 4-5 chiếc xe khác đang dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Bà Triệu - Tuệ Tĩnh rồi mới dừng lại. Bây giờ kể lại thì dài dòng, nhưng sự việc chỉ diễn ra trong tích tắc vì tốc độ của chiếc xe ấy nhanh lắm, từ đầu đến cuối chỉ trong độ chục giây đồng hồ. Tôi được biết lái xe đã có sử dụng rượu bia nên mất kiểm soát và hậu quả sau đó rất nặng nề. Đề nghị các cơ quan pháp luật cần có những chế tài xử lý nghiêm các trường hợp say xỉn nhưng vẫn lái xe”.

Khi rượu lái xe, hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp ảnh 2Ông Nguyễn Ngọc Hoàn

Ông Nguyễn Ngọc Hoàn, trú tại số nhà 150 Bà Triệu, tổ trưởng tổ dân phố số 3A phường Nguyễn Du cũng là người chứng kiến vụ tai nạn liên hoàn hôm đó. Ông Hoàn kể lại: “Tôi đang đứng trước cửa nhà thì giật bắn mình vì chiếc “xe điên” từ đâu lao thẳng vào mấy chiếc xe đỗ chờ đèn đỏ với tiếng động cơ khủng khiếp. Cú đâm cực mạnh bởi sau đó những chiếc xe đang dừng đỗ liên tiếp xô vào nhau. Bản thân chiếc “xe điên” cũng bắn ra va đập vào 2-3 chiếc xe khác, trong đó có chiếc xe mang BKS 30A- 058.67 bị nát bét cả phần đầu lẫn phần đuôi khiến 2 nạn nhân ngồi bên trong bị thương. Khi người dân kéo được người lái chiếc “xe điên” kia ra thì anh ta đã mềm nhũn, người nồng nặc mùi bia rượu và gần như chẳng còn biết gì nữa”. Ông Hoàn nói thêm: “Chính vì thế, tôi ủng hộ chủ trương xử phạt thật nặng những người say rượu mà cố tình lái xe. Một người say mà lái xe thì hậu quả anh ta gây ra khiến rất nhiều người khác bị mang vạ”.

Nhà văn Tạ Duy Anh: Nên xử phạt hình sự với lái xe

Theo quan điểm của tôi, việc Ủy ban ATGT Quốc gia đề xuất thí điểm tịch thu phương tiện đối với người điều khiển có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép là rất đáng hoan nghênh. Nó thể hiện trăn trở rất lớn của những người làm công tác giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, và tôi rất ủng hộ phương án này. 

Tôi được biết các chế tài xử phạt đối với người say rượu lái xe ở nhiều quốc gia rất nghiêm khắc. Ở Nga, người vi phạm bị phạt tới 3.000USD hay ở Singapore thậm chí còn bị phạt tù. Tôi ủng hộ các biện pháp mạnh trong việc duy trì kỷ cương trật tự, trên cơ sở công bằng và liên tục. Bởi say rượu mà lái xe có thể chưa gây hậu quả nhưng tiềm ẩn nguy cơ rất lớn cho cộng đồng. Lái xe gây tai nạn, làm cho người khác chết oan, mà còn gây ra những bi kịch, xáo trộn xã hội không gì bù đắp nổi. Chúng ta phải xác định rõ hành vi, trách nhiệm của những người lái xe với người sở hữu phương tiện, vì có thể người vi phạm không phải chủ sở hữu. Nên chăng trong khi chờ đợi những cơ sở pháp lý, chúng ta nên có những hình thức mạnh hơn, một là phạt hành chính thật cao, hai là xử lý hình sự đối với lái xe. 

Nhạc sỹ Văn Dung: Xem xét cách thức xử phạt

Đối với đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia về việc tịch thu phương tiện đối với lái xe có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, tôi hoàn toàn đồng tình. Tôi cho rằng cần có biện pháp xử phạt thật mạnh đối với những lái xe đã uống say mà vẫn cố tình điều khiển phương tiện, gây nguy hiểm cho chính mình và những người tham gia giao thông khác. Tôi đề xuất 2 ý kiến. Một là đối với từng trường hợp cụ thể, chúng ta phải có mức xử phạt khác nhau, có thể vừa tước giấy phép lái xe, đồng thời xử phạt hành chính thật nặng để răn đe. Thứ hai là phải xem xét cách thức xử phạt thế nào. Chẳng hạn như chúng ta có những đường cao tốc dài hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số, muốn chặn lại xử lý cũng rất khó. Nên chăng bố trí những chốt ứng trực 5-10km và phải có đủ phương tiện để kiểm soát, xử phạt tại chỗ. 

NSND Phạm Thị Thành: Cần có biện pháp mạnh tay

Tôi nghĩ luật pháp cần mạnh tay thì người tham gia giao thông mới sợ và từ bỏ những thói quen xấu. Tôi rất ủng hộ đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tịch thu phương tiện của người tham gia giao thông nếu phát hiện có nồng độ cồn trong máu quá mức cho phép. Những con số thống kê về tai nạn giao thông dịp Tết đã cho thấy sự khủng khiếp của tai nạn giao thông đối với hạnh phúc mỗi gia đình. Biện pháp cứng rắn này sẽ răn đe những ai đang xem thường tính mạng của người khác và đùa giỡn với tính mạng của chính mình. 

NSƯT Trần Nhượng: Cân nhắc giữa lý và tình

Ở nước ngoài, việc lái xe uống rượu bị phạt rất nặng. Nên khi Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra đề xuất tịch thu phương tiện giao thông nếu có nồng độ cồn cao trong máu, tôi thấy rất cần thiết. Cái lý ở đây chính là việc tránh cho người điều khiển phương tiện gây ra các tai nạn đáng tiếc cho người tham gia giao thông và cho chính bản thân họ. Cách xử phạt này rất nặng và mang tính răn đe, cảnh cáo. Nhưng ở góc độ tình cảm thì cũng cần cân nhắc. Phương tiện giao thông không chỉ là phương tiện đi lại của người dân mà còn là tài sản có giá trị. Nếu tịch thu phương tiện của người dân thì nhiều gia đình sẽ bị ảnh hưởng đến “miếng cơm manh áo”. Chúng ta có thể tìm ra một biện pháp xử phạt khác có sức răn đe tương đương với việc tịch thu phương tiện giao thông nhưng dễ dàng được chấp nhận hơn.