Khi “rổ rá cạp lại” lành lặn hơn "cái cũ"

ANTĐ -Không phải cuộc hôn nhân nào tan vỡ cũng dẫn đến địa ngục. Vì có thể, khi mang những mảnh vỡ này ghép với mảnh vỡ khác, bạn lại được sống ở thiên đường trọn vẹn hơn lần đầu.

Không phải cuộc hôn nhân nào tan vỡ cũng dẫn đến địa ngục. Vì có thể, khi mang những mảnh vỡ này ghép với mảnh vỡ khác, bạn lại được sống ở thiên đường trọn vẹn hơn lần đầu. Kéo theo đó, chuyện “con anh, con em, con chúng ta” cũng chỉ là chuyện rất nhỏ mà thôi.

Yêu lại sau nỗi đau

Phải cố gắng lắm, sau khi vượt qua cú sốc chồng ngoại tình công khai cách đây 3 năm, chị Nghĩa mới “dũng cảm” đi bước nữa. Một mình nuôi đứa con gái đang đến tuổi dậy thì, chị phải suy tính 5-7 lần trước khi quyết định góp gạo thổi cơm chung với anh Bình - hàng xóm ngay cạnh nhà. Anh góa bụa từ lâu, cũng đang nuôi cậu con trai sắp vào học đại học. Hễ dây điện hỏng, máy giặt trục trặc là chị nhờ cậy anh. Hai con người tối lửa tắt đèn có nhau tự nhiên bén duyên, rồi cả hai nhận ra không thể sống thiếu nhau. Những tưởng xây dựng một cuộc hôn nhân mới sẽ dễ dàng hơn trên nền tảng kinh nghiệm đã trải qua của cuộc hôn nhân đầu, thế nhưng, hạnh phúc của chị gặp phản ứng dữ dội từ hai con. Đứa con gái 13 tuổi của chị chẳng bao giờ chịu mở lời nói chuyện với anh trai. Đứa con trai của chồng chị cũng không để chị có cơ hội ngó ngàng, chăm sóc.

Giờ sinh thêm Bin - kết quả tình yêu giữa anh với chị, chị Nghĩa bỗng lâm vào khủng hoảng, stress sau sinh vì sợ gia đình “tan đàn xẻ nghé”. Hai đứa con khác cha khác mẹ suốt ngày lạnh lùng như “bầu nước lã”, từ lúc là người một nhà, chúng chẳng nói chuyện câu nào với nhau. Thế nhưng, chằng hiểu vì sao, gần tháng nay chúng lại hay rủ nhau đi siêu thị, đi mua sắm. Mà phần lớn những đồ mua sắm đều dồn tất cả cho bé Bin, khi thì bỉm, khi thì áo len, khi là đôi tất. Hóa ra, bấy lâu nay, không để chị phải lo lắng, anh Bình lẳng lặng gặp từng đứa, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các con. Từ nói chuyện với một đứa, anh tranh thủ thời gian rảnh rỗi, nói chuyện với cả hai. Anh phát hiện ra, chỉ vì thằng anh rụt rè nên chẳng dám lại gần em gái, còn đứa em thì đang tuổi “dở dở ương ương” xấu hổ chẳng kém thằng anh. Tìm ra nguyên nhân chính, anh hồ hởi đứng ra làm cầu nối giữa hai con. Anh dẫn chúng đi hiệu sách, đi ăn kem, kể chuyện em Bin khóc đêm quấy mẹ, rồi cả tâm sự cho chúng nghe ước mơ xây dựng một gia đình thật hạnh phúc, thật đầm ấm.

Anh làm cháy lên khát vọng về một mái ấm có đầy đủ cả cha lẫn mẹ mà bấy lâu cả hai đứa đều không hề được cảm nhận. Hai đứa trẻ vốn ngoan hiền, được bố kịp thời phá tan khoảng cách xa lạ đã bắt đầu gần gũi nhau, thân thiết nhau như hai anh em ruột. Ngày cu Bin tròn 1 tuổi, cả hai anh em về nhà thật sớm giúp chị Nghĩa chuẩn bị bữa cơm gia đình đầm ấm; chúng mua hẳn một chiếc bánh gato socola to uỵch làm quà cho em Bin. Bức ảnh ngày sinh nhật với đầy đủ mọi thành viên gia đình, ai cũng cười rạng rỡ được chị Nghĩa phóng to, treo trang trọng giữa phòng khách. Đối với chị, khoảnh khắc được cảm nhận trọn vẹn yêu thương sau nỗi đau cũ là những giây phút đáng quý nhất của chị; vì chị biết, mình không cô đơn giữa ngôi nhà tràn ngập tiếng cười trẻ thơ.

Trước khi “gá nghĩa” với nhau, anh Thành vừa ly dị, “đèo bòng” con trai 10 tuổi. Chị Hồng đang nuôi một con trai 6 tuổi. Chị có bầu ngay khi tốt nghiệp ra trường, nhưng bị bạn trai lạnh lùng rũ bỏ. Những ngay lơ ngơ ra trường, dù với bằng giỏi nhưng Hồng gặp vô vàn khó khăn. Chị vừa nuôi con, vừa kiếm việc; dần dần nhờ sự nhanh nhẹn và phong cách làm việc thân thiện, chị được đề bạt làm trưởng ban biên tập một tạp chí dành cho trẻ em. Giờ, đứa con trai lên 6, chị da diết mơ về một mái ấm nhỏ. Chị gặp anh Thành trong một lần giao lưu hai cơ quan. Cả hai người cũng có tình ý với nhau, đáng lẽ đến với nhau từ lâu nhưng chị cứ lần lữa vì sợ cảnh “con anh, con tôi, con chúng ta”. Nhưng nỗi sợ lớn hơn là sự mất niềm tin vào đàn ông mà người yêu cũ vô tình gieo vào lòng chị.

Nhưng càng gần anh Thành, trông cách anh chăm sóc, thương yêu bé Linh không khác gì con mình, chị thực sự muốn được làm vợ anh. Phần chị, thấy thằng Tường ngoan hiền nên chị thương, chị tin tưởng mình sẽ là người mẹ tốt. Sau đám cưới giản dị, anh Thành chăm sóc bé Linh, bé Tường chẳng khác gì con ruột. Mỗi lần anh Thành ôm bé Linh nựng nịu, thoáng thấy mắt thằng Tường cụp xuống có vẻ giận dữ, anh lại gọi Tường đến, ôm cả hai đứa vào lòng. Lần nào thấy chồng dẫn bé Linh - nhỏ tuổi hơn đến cơ quan chơi cùng bố là chị Hồng lại đưa bé Tường đi siêu thị, cho nó thích thú chọn quả táo, hộp sữa...

Anh làm ngành giáo dục, chị làm tạp chí chuyên về trẻ em - chính những điều kiện khách quan ấy đã giúp anh chị cân bằng được cuộc sống gia đình, anh chị nắm bắt được rõ những biến đổi về tâm sinh lý của các con trong mọi tình huống. Bằng cách biết theo dõi hành vi của con, biết lắng nghe tiếng nói của con cái, anh chị đã trở thành những ông bố bà mẹ biết quan tâm con đúng lúc và đúng mực. Hàng xóm chẳng bao giờ thấy hai anh em chúng hằm hè nhau, thậm chí thằng anh Tường còn ra dáng lớn tuổi hơn, nhường em hẳn bộ siêu nhân khi em Linh khóc nhè. Chị Hồng cười mãn nguyện: “Cả hai vợ chồng đang chờ sẽ có thêm một bé gái cho vui cửa vui nhà, với phương châm càng đông càng vui”.

Gần gũi, yêu thương chính là liều thuốc

Trong lúc bế tắc khi đứng giữa “con anh, con em, con chúng ta”, chị Minh Thương nhớ lời dặn của mẹ: “Phải biết yêu thương, phải biết đối xử công tâm, thậm chí phải hy sinh rất nhiều mới có được hạnh phúc con ạ”. Mỗi cây mỗi hoa, mối nhà mỗi cảnh, việc “rổ rá cạp lại” không phải là bi đát. Nó đơn giản là hành động tự nhiên của những người trong cuộc cố gắng tìm lại phần hạnh phúc không may bị đổ vỡ. Chị Minh Thương đến với anh Phong khi mỗi người đã có một con gái. Ngay sau cưới, chị sinh thêm một nàng công chúa nữa. Lấy cớ gần cơ quan mẹ, chị nhận đón con và thỉnh thoảng vẫn đưa Na và Đậu Đậu đi ăn kem sau giờ học. Còn bé Huyền - con riêng của anh Phong, do học ở trường xa nhà nên chị giao cho bác giúp việc đón. Nhưng với anh Phong thì khác, anh chiều chuộng con, yêu thương ba con vịt giời khiến nhiều người phải ganh tị. Cuối tuần anh dành trọn thời gian bên vợ con. Mua cái gì anh cũng mua 3, 3 cái váy hồng, 3 đôi giày xinh giống nhau chỉ khác kích cỡ, 3 cái mũ, 3 con búp bê... Ba đứa trẻ quấn bố mà thờ ơ với chị. Chị thấy nhiều khi chị là người ngoài. Nhiều lúc chị căng thẳng vì không sao gần gũi được bé Huyền, trong khi bé Na và Đậu Đậu lúc nào cũng “yêu bố Phong nhất”.

Chính tình yêu của anh đã khiến chị quyết định gạt bỏ chút ích kỷ để thực sự yêu thương, chia sẻ, bù đắp cho bé Huyền. Chị coi cả ba như nhau. “Chị Na không cho con chới búp bê” “Em Huyền phá đồ chơi của con mẹ ơi”, “Tại sao con không chơi được rubic của em Đậu Đậu?”... Mỗi khi các con hậm hực nhau, chị không bao giờ can dự vào. Mà sau cuộc chơi, chỉ mỉm cười nhẹ nhàng nói với các con: “Mẹ thích cái cách mà Na hướng dẫn các em chơi cùng như thế này...,”các con cãi nhau là bố Phong và mẹ sẽ buồn lắm”. Giờ chị luôn đứng khách quan bên ngoài để hiểu rõ tính cách của từng đứa. Biết rõ điều gì đang xảy ra thì cha mẹ mới có thể giúp đỡ cho cả ba đứa trẻ đối xử tốt với nhau. May mắn là ba đứa trẻ mới lớp 3, lớp 4 nên chị có cơ hội sửa sai, đồng thời uốn nắn các con kịp thời. Sống thật lòng và yêu thương chân thành luôn được coi là “liều thuốc” hữu hiệu xóa đi khoảng cách “con anh - con tôi - con chúng ta”.