Khi phụ nữ trở thành “phái mạnh”: Lựa chọn “sinh tử”

ANTĐ - Hình ảnh “liễu yếu đào tơ” không còn phù hợp với phụ nữ hiện đại. Chăm con, chiều chồng, thu vén gia đình, làm dâu thảo, mẹ hiền, vợ đảm, công chức mẫu mực. Để hoàn thành tất cả những yêu cầu của cuộc sống hiện đại, người phụ nữ phải gồng mình trở thành “siêu phụ nữ”. 

Chị em luôn phải gồng mình để quán xuyến mọi việc. (Ảnh minh họa)

Nặng gánh hai vai

Một ngày của chị Trần Thúy Nga (CT3 Mỹ Đình, Hà Nội) bắt đầu từ 5h30 sáng. Chị  dậy lo làm đồ ăn sáng cho con và bố mẹ chồng, đưa con tới trường cách nhà 5km, rồi đến cơ quan. 10 tiếng làm việc chị vắt chân lên cổ với đủ các giao dịch, giấy tờ. 5h chiều lại tất tưởi về đón con, đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp, dạy con học. Lúc chị có thể vươn vai thì cũng đã 10h đêm, có khi còn phải lôi quần áo của chồng ra là hoặc sổ sách ra tính toán đến 12h mới ngủ. Còn chồng chị sau giờ làm còn “bát ngát” đến 8-9h tối, về là leo lên giường, không cần biết vì sao con lớn khôn, cơm canh ngọt, nhà sạch sẽ. Năm nào, chị Nga cũng được tặng danh hiệu: “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà” nhưng chị không cảm thấy hạnh phúc. “Mình luôn ở trong tình cảnh “trên đe dưới búa”, không “giỏi việc nước, đảm việc nhà” không được. Gồng gánh hết sức để làm vợ đảm, viên chức giỏi. Có muốn lơi lỏng, nghỉ ngơi cũng lại sợ bị sếp phê bình, khiển trách, bị chồng hay bố mẹ chồng cằn nhằn, ta thán” - chị Nga mệt mỏi.

Anh Matt - (Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội) sau khi “ở rể” tại Việt Nam lắc đầu ái ngại: “Phụ nữ Việt Nam vất vả quá”. Anh không hẳn là không khâm phục mà chỉ băn khoăn một điều: tại sao phụ nữ Việt Nam lại cố gắng nhiều thế. Dường như chị em không có lúc nghỉ ngơi, dường như họ không nghĩ đến bản thân họ. Công việc ở cơ quan hoàn thành xuất sắc, thăng tiến ngang ngửa đàn ông, vậy mà về nhà họ đơn độc hoàn thành vai trò người vợ, người mẹ, người con… Trong khi đó, chiều chiều, các quán bia, quán nhậu đông nghẹt đàn ông, uống bia, chém gió. 

Chị Tanhia, người Belarus, hiện đang làm tại một công ty du lịch ở Việt Nam tâm sự: “Phụ nữ bên nước chúng tôi khi có thai và có con nhỏ được nghỉ làm 3 năm, thời gian ở cữ, ông chồng cũng được nghỉ để chăm sóc vợ. Các ông chồng cũng vụng về trong việc bế ẵm con nhưng họ sẽ quán xuyến mọi việc để vợ nghỉ ngơi và cho con bú. Cả gia đình và xã hội đều có trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng một đứa bé chứ không phải là việc riêng của bất cứ phụ nữ nào”. 

Khẩu hiệu “thêm việc”

Khẩu hiệu “Phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà” xuất phát trong thời chiến tranh, khi các chàng trai ra trận, hậu phương chỉ còn phụ nữ, việc chị em phải gồng mình gánh vác việc nhà, việc nước, việc chiến đấu cũng là lẽ đương nhiên. Còn ngày nay, khẩu hiệu này dường như đang biến phụ nữ thành những siêu anh hùng không biết mệt mỏi. 

Bà Lê Thị Quý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới và phát triển bức xúc: “Các khẩu hiệu đó cũng nới rộng khoảng cách giữa nam và nữ, hình thành những định kiến xã hội, khiến cho phụ nữ càng đơn thương độc mã trong công cuộc tự giải phóng mình, càng vô vọng hơn khi mong muốn tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ của người chồng trong việc chia sẻ gánh nặng gia đình”.

Muốn thành đạt thì đương nhiên phải làm việc bằng 2-3 người bình thường. Trong khi đó, quỹ thời gian của mỗi người đều có hạn. Vì thế người thành đạt phải đứng trước những lựa chọn “sinh tử” nếu làm việc này thì thôi việc kia. Công việc là miếng cơm manh áo nên gia đình thường phải nhường bước. Nhưng khi đó, người phụ nữ thường bị chồng con, gia đình nhà chồng trách móc, hờn giận. Còn nếu gồng mình để “cân cả hai vai” thì người phụ nữ phải “hy sinh” bản thân, quên những sở thích cá nhân, niềm vui nho nhỏ… và thành công mà hẫng hụt, gia đình êm ấm nhưng bản thân chị em lại mệt mỏi đến mức căng thẳng, suy nhược…