Khi phát hiện tiền giả phải lập biên bản thu giữ, bấm lỗ

ANTĐ - Đây là một trong những quy định tại Dự thảo lần 3 Thông tư Quy định về xử lý tiền giả, nghi giả trong ngành Ngân hàng.

Khi phát hiện tiền giả các đơn vị phải lập biên bản thu giữ, bấm lỗ 


Theo Dự thảo, tiền giả là những loại tiền được làm giống như tiền Việt Nam, nhưng không phải NHNN tổ chức in, đúc, phát hành. Tiền giả loại mới là loại tiền giả chưa được NHNN (hoặc Bộ Công an) thông báo bằng văn bản. Còn tiền nghi giả là tiền chưa kết luận được là tiền thật hay tiền giả.

Trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, khi phát hiện đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Giao dịch NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối chiếu với đặc điểm bảo an của tiền mẫu (hoặc tiền thật) cùng loại và căn cứ vào thông báo của NHNN (hoặc Bộ Công an) về đặc điểm nhận biết tiền giả để kết luận. 
Trường hợp khẳng định đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn là loại tiền giả đã được NHNN (hoặc Bộ Công an) thông báo bằng văn bản, các đơn vị nêu trên phải lập biên bản, thu giữ và đóng dấu, bấm lỗ tiền giả.
Đối với tiền giả loại mới, thì lập biên bản, thu giữ (không đóng dấu, bấm lỗ tiền giả); thông báo và gửi toàn bộ tiền giả loại mới trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện về NHNN chi nhánh trên địa bàn. 
Đơn vị thu giữ tiền giả có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp xử lý, khi có dấu hiệu nghi vấn tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, khi phát hiện tiền giả loại mới, phát hiện từ 5 tờ tiền giấy giả (hoặc 5 miếng tiền kim loại giả) trở lên trong một giao dịch, hoặc khi khách hàng không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả.