Khi niềm tin đã mất

ANTĐ - Quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ - Đức lại nổi sóng khi một máy bay của cảnh sát Đức đã bay rất thấp ngay trên Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Frankfurt để dò tìm một trạm thu tín hiệu bí mật. Đại sứ Hoa Kỳ tại Berlin đã gửi công hàm phản đối vụ việc lên Bộ Ngoại giao Đức.

Tòa nhà Lãnh sự quán Mỹ tại Frankfurt, Đức

Theo tiết lộ trên Tạp chí “Tâm điểm” của Đức số ra ngày 9-9, một chiếc trực thăng đã lượn lờ ngay phía trên tòa lãnh sự ở Frankfurt theo chỉ thị của Chánh văn phòng Thủ tướng Đức R. Pofalla. Tạp chí này mô tả chiếc trực thăng đã bay chậm và lượn 2 vòng ở độ cao 60m bên trên Lãnh sự quán Hoa Kỳ để chụp ảnh với độ phân giải cao. 

Xem ra chương trình theo dõi liên quan đến các đồng minh xuyên Đại Tây Dương của Mỹ tiếp tục là ngòi nổ cho những mâu thuẫn giữa Mỹ và Đức. Những tài liệu mật mà cựu nhân viên phân tích tình báo Mỹ E. Snowden, người đang tị nạn ở Nga, tiết lộ cho giới truyền thông mới đây khẳng định cơ quan tình báo Mỹ đã nghe lén nửa tỷ cú điện thoại, đọc email và tin nhắn của người Đức hàng tháng. 

Vốn có lịch sử theo dõi quy mô lớn dưới thời phát xít Đức nên người dân nước này đặc biệt nhạy cảm đối với việc xâm phạm quyền riêng tư. Khỏi phải nói vụ hé lộ của E. Snowden đã làm dấy lên sự phản đối ở Đức như thế nào. Tuy nhiên, vốn là đồng minh thân cận, nhất là trong thời “Chiến tranh lạnh”, lại là những đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của nhau, Washington và Berlin đều cố làm lành, tránh để quan hệ đổ vỡ. 

Trong khi Tổng thống Mỹ B. Obama khẳng định chương trình do thám của nước này đã chặn đứng được ít nhất 50 âm mưu tấn công khủng bố không chỉ ở Mỹ mà cả ở Đức, thì phát ngôn viên Chính phủ Đức 

S. Seibert cũng làm dịu tình hình bằng tuyên bố, thông tin do E. Snowden tiết lộ không làm phương hại quan hệ giữa Đức và Mỹ. Ông S. Seibert còn khẳng định, đặc điểm nổi bật trong quan hệ Đức-Mỹ là hợp tác và tin cậy lẫn nhau, và chính trên tinh thần đối tác này hai bên đang hợp tác chặt chẽ để tiến hành điều tra vụ việc. 

Bề ngoài thì như vậy, còn trên thực tế, sau cú “nhòm ngó” nói trên, Berlin cảnh giác hơn hẳn. Đầu tháng trước, Đức đã hủy hiệp ước tình báo ký với Mỹ từ thời Chiến tranh Lạnh. Theo đó, Mỹ có quyền đề nghị Đức tiến hành các hoạt động do thám để bảo vệ quân đội của họ đóng tại nước này. Mặc dù vai trò của hiệp ước này không còn nhưng theo ông H. Riecke thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế Đức, “Chấm dứt một hiệp ước có từ thời chưa có Internet cho người Đức cơ hội thấy chính phủ đang làm điều gì đó”.

Đức còn yêu cầu Mỹ cùng soạn thảo “Hiệp ước chống do thám”, theo đó hai bên sẽ không tiến hành do thám lẫn nhau trong các lĩnh vực kinh tế, hoạt động của chính phủ, các cơ quan nhà nước và đại diện ngoại giao. Hiệp ước này cũng buộc các cơ quan tình báo của Đức và Mỹ tuân thủ luật pháp hiện hành khi hoạt động trên lãnh thổ của nhau.

Với việc cho trực thăng của Cảnh sát liên bang Đức dò tìm thiết bị thu tín hiệu trên nóc tòa nhà lãnh sự Hoa Kỳ tại Frankfurt, Berlin cho thấy chẳng thể tin vào ông bạn đồng minh. Dù đích thân Tổng thống Mỹ B. Obama đã hứa với bà Thủ tướng Đức A. Merkel khi ông này thăm Đức hồi tháng 6 vừa rồi rằng Mỹ không làm gì tổn hại đến Đức nhưng tốt nhất là cứ thận trọng vẫn hơn.