Khi nhà văn thăm phạm nhân

ANTĐ - Nhà văn tham gia trại sáng tác văn học của ngành Công an thường có dịp vào trại giam. Khi vào trại giam thăm phạm nhân, tâm trạng người nào cũng dâng lên một nỗi buồn man mát. 

Mỗi người đều có cách tiếp cận với nhân vật theo cách riêng của mình. Sau đó trên mỗi trang viết, cuộc sống của những người lầm lỡ cũng hiện ra sinh động, chảy tràn trên mặt giấy của các nhà văn. Nghề cầm bút của họ đã từng gặp không ít loại người, chứng kiến nhiều cảnh đời bất hạnh, nhưng những phạm nhân không chỉ làm xã hội nhức nhối, mà trong con người tội phạm ấy vẫn có những góc riêng rất con người. Và cái góc riêng ấy đã khiến trang văn của các nhà văn thêm thổn thức và cảm thông với những con người đã từng lầm lỗi ấy.

Các nhà văn vào thăm trại giam Thanh Phong

Mỗi người một nỗi xót xa

Tôi có hai chuyến vào thăm trại giam cùng khoảng 30 nhà văn để lấy tư liệu và cảm hứng viết văn, viết báo. Một chuyến thăm trại Thanh Lâm và trại giam số 5, cả hai đều để lại những nỗi niềm. Đó là nỗi niềm của một người cầm bút ngẫm nghĩ về cuộc sống tự do, về những người phạm tội  bị tước quyền công dân. Họ từ những miền quê phải trả án. Họ vào đây để được cải tạo, ăn năn và chuộc lại những lỗi lầm của mình. Với những việc làm sai trái, họ đã đánh mất phần đời tươi đẹp của mình. Đứng trước họ, nhiều nhà văn đã không khỏi thốt lên: “Sao mà lắm người phạm tội thế!”. Hơn 30 nhà văn, mỗi người đều có một nỗi xót xa khi tiếp xúc với các phạm nhân, khi nhìn thấy những đứa trẻ vị thành niên non nớt đã trở thành... đầu gấu. Rồi những bà mẹ ẵm con trong nhà trẻ trại giam, những gương mặt xinh xắn của các cô gái quê các, những giám đốc, những kẻ từng giỏi giang và được học hành tử tế...

Xót xa nhất có lẽ là khi đứng trước những cậu ấm cô chiêu mà lẽ ra đang được học hành, được hưởng sự săn sóc của bố mẹ. Nhìn các em, tôi nghĩ đến các em mình ở quê, tôi nghĩ đến hàng nghìn trẻ em khác nếu không được giáo dục tử tế, thì cũng dễ bị sa ngã, dễ làm liều và dấn thân vào con đường tội lỗi, lâm vào cảnh tù đày. Tôi đã ghi chép, hỏi chuyện về những đứa trẻ phạm tội rất đỗi thơ ngây. Có em chỉ vì xem phim sex mà phạm tội, em khác vì thiếu mấy chục nghìn chơi điện tử mà cướp của giết người... Những tình tiết phạm tội đôi khi khiến người nghe thấy bật cười, để rồi xót xa vì sự dại dột, có lớn mà không có khôn của bọn trẻ. Trước những tội phạm vị thành niên, nhà văn Vương Tâm tỏ vẻ nghi ngại: “Nếu thả những đứa trẻ này ra ngoài, có lẽ chúng sẽ hành cho tơi tả nhiều cuộc sống khác”. Nhà văn Nguyễn Quang Hà ở xứ Huế thì ngậm ngùi: “Chúng nó đáng thương quá! Đáng thương vì chúng không hiểu luật pháp, không biết thế nào là đúng sai và manh động hết mức”. Nữ văn sĩ Đoàn Lê, khi gặp một đồng hương, bà đã nhẹ nhàng hỏi chuyện tỉ mỉ và một nỗi xót xa trong bà dâng lên, trên khóe mắt nhiều vết chân chim của tuổi già ngân ngấn giọt nước mắt. Đoàn Lê dự định sẽ viết những truyện ngắn cảm động về các phạm nhân, như đã từng viết và vẽ về những cô gái điếm bằng tất cả sự cảm thông của mình.

Những nhân vật đặc biệt

Có một lần, trong tôi chớp được một hình ảnh rất ám ảnh. Đó là khi các nhà văn được đưa xuống phân trại của trại giam số 5, họ bàng hoàng và xót xa khi nhìn thấy hàng trăm phạm nhân nữ xếp hàng nối đuôi nhau đi làm sáng, nón lá lấp lóa. Lại có người ẵm theo cả con nhỏ. Cánh nhà văn đứng bên trong hàng rào sắt nhìn ra, có nhà văn vịn tay vào hàng rào nhìn không chớp mắt. Cánh phạm nhân nữ trùng trùng bước đi với một tâm trạng khó mô tả.

Vào các phân trại, các nhà văn ai cũng muốn gặp những nhân vật đặc biệt, ở ngoài đời từng thét ra lửa. Những tình tiết ly kỳ của vụ án, của cuộc đời ăn chơi và tham nhũng được các nhà văn quan tâm hơn cả. Có một nhân vật khiến nhiều nhà văn quan tâm nhất, đó là được gặp người đàn bà. Lã Thị Kim Oanh đã lĩnh án tử hình và được Chủ tịch nước ân xá, giảm xuống chung thân. Cuộc nói chuyện gần một buổi sáng đủ để các nhà văn hiểu tâm trạng của người đàn bà đã từng dọc ngang ngoài xã hội, và thấm thía những giọt nước mắt của người đàn bà này. Trong căn phòng hẹp, các nhà văn và một phạm nhân nữ vẫn có tiếng khẽ cười và ê chề tiếng khóc. Hầu như tất cả mọi người đều bất ngờ vì Oanh khóc quá thương, không như mọi người vẫn hình dung về đối tượng này. Sốt sắng nghe chuyện của Oanh kể và cảm thông với những giọt nước mắt mà thị chắt ra là nhà văn Võ Bá Cường từ đất Thái Bình và nhà văn Nguyễn Quang Hà. Nhà văn Võ Bá Cường hỏi: “Chị có nhớ mình đã từng làm gì không?”. Oanh cười: “Cháu nhớ chứ ạ. Tất cả những gì cháu đã làm”. Giọng Oanh giãi bày và truyền cảm. Qua câu chuyện của Oanh, các nhà văn cũng thấy rưng rưng. Mọi người hiểu rằng, lúc này là lúc Oanh cảm thấy mình được chia sẻ, gần gũi được các nhà văn là một sự may mắn mà chưa bao giờ thị nghĩ mình có thể cùng một lúc được gặp nhiều nhà văn như thế. Đến lúc này thị khóc nức nở,  một nhà văn đưa cho thị mấy tờ giấy ăn để thấm những giọt nước mắt.

Nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương gặp Lã Thị Kim Oanh ở trại số 5 (Thanh Hóa)

Thổn thức trong từng con chữ

Kết quả sau những chuyến vào thăm phạm nhân, đối với các nhà văn là những bài ký dài kỳ, những truyện ngắn và cả tiểu thuyết nữa. Có điều, khi viết về những phạm nhân, nhiều nhà văn tâm sự đã từng viết trong tâm trạng run rẩy, và lòng thổn thức khi ngồi hình dung lại nhân vật mình đã gặp và chắt chiu cảm xúc thành con chữ. Ví như nhà thơ Vương Tâm đã từng rơi nước mắt trong khi viết 2 truyện ngắn “Chiều vàng lá đổ” và “Tàn tro”; nhà văn Võ Bá Cường với sự mạnh bạo của mình đã viết cuốn sách về 16 trại giam có tên “Những người thầy đặc biệt”. Võ Bá Cường còn có tiểu thuyết viết về phạm nhân rất đầy đặn có tên “Trở mặt” và hàng chục bút ký khác. Hiện ông đang viết cuốn “Vị tướng trong rừng”, nói về một vị tướng gắn bó cả đời với các trại giam và đem tư tưởng nhân văn giáo hóa những người lầm lỡ. Ngoài ra nhà văn Phạm Vân Anh có bút ký dài kỳ in trên báo Kinh tế nông thôn, nhà báo - nhà văn Đỗ Doãn Hoàng cũng in mấy cuốn sách về phạm nhân và các vấn đề xã hội. Nhà thơ Vương Trọng sau khi đến trại Thanh Phong đã có bài thơ “Nàng Kiều ở trại Thanh Phong” rất xúc động: “Giữa vườn cây tạo dáng Bon sai/ Duyên dáng nàng Kiều ôm đàn ngồi gảy/ Áo lụa trắng mịn màng nắng  mai/ Tám lần gảy đàn nàng chưa bao giờ vui thế/ Vẻ hồn nhiên, khuôn mặt rạng ngời... Nói vài lời trong phút giải lao/ "Nhà điêu khắc" lại trồng cây cùng bạn tù áo sọc/ Người quản giáo nghiêm trang sắc phục/ Vẻ hài lòng, ý tứ nhìn tôi/ Tôi quay nhìn nàng Kiều trong vườn cảnh/ Ngỡ được nghe trong vắt tiếng nàng cười!”

Với khả năng sáng tạo, lòng cảm thông, những ngày vào thăm trại giam, các nhà văn đã thu lượm được nhiều vốn sống và làm giàu thêm những trang viết của mình. Mỗi người có cách cảm và cách viết khác nhau, nhưng tất cả đều mong muốn mang đến cho đời một thông điệp: “Hãy sống và làm người lương thiện”.