Khi nhà văn kể "chuyện vợ chuyện chồng"

ANTD.VN - Trong khi ở nước ngoài, những cuốn sách kiểu như Steve Harvey bán đắt như tôm tươi, thậm chí được độc giả Việt Nam chuyền tay nhau, thì trong nước, sách tình yêu, hôn nhân, gia đình có vẻ không được chuộng, vì tâm lý của người đọc: Chẳng ai chịu để người khác dạy mình làm thế nào để hạnh phúc.  

Khi nhà văn kể "chuyện vợ chuyện chồng"  ảnh 1Nhà văn Hoàng Anh Tú không ngại chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc trên trang cá nhân

Chỉ có độc giả là nữ 

Có thể độc giả chỉ biết đến Steve Harvey - người dẫn chương trình đã gây nên scandal lớn nhất trong lịch sử Hoa hậu Hoàn vũ khi công bố nhầm tên người đoạt vương miện, mà không biết ông là tác giả của 2 cuốn sách ăn khách “Cư xử như đàn bà, suy nghĩ như đàn ông” và “Nói luôn cho nó vuông”.

Riêng với cuốn sách đầu tay “Cư xử như đàn bà, suy nghĩ như đàn ông” đã đưa ông lọt top những tác giả bán chạy nhất tại nước Mỹ và trên thế giới. Điều đáng nói hơn là mặc dù Steve Harvey không phải là hình mẫu người đàn ông hoàn hảo khi đã ly hôn đến 2 lần và có đến 7 đứa con thì độc giả vẫn cứ ái mộ Steve và những câu chuyện của ông. 

Thế nhưng, ở Việt Nam thì những câu chuyện về hôn nhân, gia đình hay giới tính hầu như chỉ được độc giả “share” trên những trang mạng kiểu như “tâm sự eva” hay “web trẻ thơ” chứ ít ai chịu bỏ tiền ra để mua sách. Và thực tế là gần như đối tượng của dòng sách này chủ yếu là phái nữ.

Bình luận về vấn đề này, trong buổi ra mắt cuốn sách “Đàn ông cũng có điểm G” mới đây, nhà văn Di Li chia sẻ: “Thực tế tôi chưa từng thấy đàn ông nào đọc sách dạng này bao giờ. Tác giả nổi tiếng như Steve Harvey cũng từng bị độc giả chất vấn là vì sao ông chỉ hướng vào phụ nữ, thì ông cũng trả lời, đó là vì chẳng đàn ông nào chịu để người khác dạy cho cách làm thế nào để hạnh phúc trong chính ngôi nhà của mình”.

Cũng theo Di Li, khi khảo sát thì chị phát hiện ra 80% độc giả của dòng sách hôn nhân, gia đình là nữ. Tức là đàn ông gần như không bao giờ quan tâm nghiên cứu xem làm thế nào để xây dựng hạnh phúc qua sách vở, mà nếu có thì họ sẽ tìm trên mạng, nếu thực sự cần. 

Khi nhà văn kể "chuyện vợ chuyện chồng"  ảnh 2Steve Harvey với cuốn “Cư xử như đàn bà, suy nghĩ như đàn ông” nằm trong top best-seller của Mỹ

Chấp nhận bị “ném đá”

Chuyện tình dục, tình yêu, hôn nhân, gia đình thường được coi là vấn đề nhạy cảm, nên khi người viết đặt bút cũng phải hết sức khéo léo. Vì viết trần trụi quá thì đương nhiên bị tuýt còi, còn nếu quá giáo điều, khuôn mẫu, khô cứng thì sẽ chẳng ai chịu đọc sách.

Tác giả Hoàng Anh Tú, người từng viết những cuốn sách về việc giữ gìn hạnh phúc gia đình cho biết, những người viết như anh thường xuyên chịu đủ loại “gạch đá” nếu chẳng may câu chuyện mình viết ra hơi có mùi “nhạy cảm” hay có tính tranh luận: “Khi tôi viết trên facebook một bài đại loại về 10 cách mà người đàn ông có thể khiến cho vợ hạnh phúc, bên cạnh rất nhiều người ủng hộ, rồi xin được chia sẻ bài viết… thì cũng có nhiều người phản ứng tiêu cực. Có những bình luận mà tôi thường xuyên nghe, kiểu như “tôi nói như vậy chắc gì đã làm được”.

Rồi khi viết bài “Đàn ông thương vợ thì đừng có vào bếp”, mặc dù tôi đã cài cắm rất nhiều trong bài viết, đại ý là “đừng nên lấy thước đo đàn ông làm bếp mới là thương vợ, vì chúng ta có nhiều cách để thể hiện sự yêu thương”… Tuy nhiên, có rất nhiều người phụ nữ phản ứng gay gắt, nói rằng “tại sao lại nghĩ như thế”,  rồi “đàn ông không vào bếp thì không biết chia sẻ với vợ… ”.  

Cũng theo quan điểm của Hoàng Anh Tú, để viết được dòng sách về tình yêu, hôn nhân, gia đình, thì người viết cũng phải thật sự khéo léo: “Tôi cho rằng khi viết đề tài này, tác giả không đưa những câu chuyện quá sống sượng, kiểu như “sex” là gì. Thay vào đó, chúng tôi thể hiện quan điểm của mình về chuyện vợ chồng, xuất phát từ những suy nghĩ thực sự là làm thế nào để cuộc hôn nhân được hạnh phúc. Và tôi hy vọng với những cuốn sách như vậy, thì độc giả khi đọc xong có thể nở một nụ cười”.