Khi nhà văn giỏi… xem bói

ANTD.VN - Không chỉ đam mê với nghệ thuật ngôn từ, một số nhà văn còn có niềm say mê nghiên cứu lý số. Một đồn mười, mười đồn trăm, đồng nghiệp và bạn đọc truyền tai nhau về khả năng “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” của một ai đó, nhiều khi danh tiếng tử vi còn vượt xa danh xưng nhà văn hay những tác phẩm mang nhiều tâm huyết...

Khi nhà văn giỏi… xem bói ảnh 1Nhà thơ Lê Kim Hạt

Khất thơ vào mùng một 

Nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm được bạn văn biết đến trước hết là thầy tử vi có “thương hiệu” ở Hà Nội. Rất nhiều nhà văn đã từng tìm đến xin lập lá số, rồi nhờ thầy đoán định tiền vận hậu vận, thậm chí có người trước khi làm bất cứ việc gì trọng đại lập tức phải gặp thầy bằng được hoặc chí ít xin ý kiến qua điện thoại. Những ngày đầu tháng thường bận rộn với đủ thể loại khách hàng, người ở gần thì đến thắp hương đặt lễ xin được biết đường làm ăn trong tháng thế nào, người ở xa thì xem qua... sóng di động. 

Chuông điện thoại reo, thầy nhìn số quen liền đếm đốt ngón tay vừa rì rầm bấm độn để “phán” cho khách hàng, lại vừa gạch đầu dòng những ý tưởng sáng tác mới lóe lên trong đầu. Cứ “hai trong một” như thế lâu ngày cũng không ổn nên nhà thơ quyết định không làm thơ vào ngày mùng một hàng tháng để toàn tâm toàn ý với nghề xem bói. 

Uy tín ngày càng cao, tiếng tăm ngày càng lan rộng thế nhưng chính thầy lại không thể tiên liệu nổi con đường thi ca của mình thuận lợi hay trắc trở. Làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn năm đầu tiên không vượt qua vòng hội đồng thơ, thầy rất mất tự tin; hồ sơ ém lại đến năm thứ hai mới vượt quá bán để chuyển lên vòng Ban chấp hành. Suốt đêm trước ngày bỏ phiếu, thầy thức trắng vì hồi hộp. Đến khi một người bạn thạo tin gọi điện báo kết quả thầy đã đủ số phiếu cần có, Nguyễn Thanh Lâm mới thở phào nhẹ nhõm và thú nhận: “Đến bây giờ tim anh mới đập trở lại bình thường được vì nếu năm nay lại trượt thì cả đời anh không được công nhận là nhà thơ chuyên nghiệp.”

Nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm

Cầm tay để “đọc” mối tình 18 tuổi

Phụ nữ, đặc biệt là các nhà văn nữ thường giống nhau ở đặc điểm thích chụp ảnh và xem bói. Nắm được điểm này nên cứ có nữ nhà văn nào nhờ xem bói, nhà thơ Ngân Vịnh lại cầm tay lật lên lật xuống rất lâu rồi phán: “Ngay từ nhỏ em đã có nhiều người theo đuổi, tình yêu đầu tiên xuất hiện năm 18 tuổi, nhưng rồi như mưa bóng mây, đến đó rồi lại đi đó. Giờ đã yên bề gia thất nhưng vẫn nhiều người thầm thương trộm nhớ, coi chừng năm 40 tuổi lại có tình yêu mới...”. Nghe những câu này, các nữ sĩ trẻ cứ mềm cả tim ra vì cảm phục và... mê mụ nên không còn tâm trí nào để hỏi tiếp về công danh sự nghiệp hay phu thê, tử tức. 

Chính vì chỉ “phán” về tình yêu nên nhà thơ Ngân Vịnh được rất nhiều người đẹp nhiều lứa tuổi vây quanh trong các kỳ đại hội nhà văn. Có lần để thử xem sự ngưỡng mộ của người đẹp dành cho thơ hay cho tài xem bói của mình, nhà thơ hỏi: “Em thích bài thơ nào của anh nhất?”, nữ sĩ ậm ừ hồi lâu rồi cười trừ, may có cô bé văn thư đi cùng đoàn ngẫu hứng cất cao giọng hát: “Biển ơi, ơi biển xanh rờn/Ta buồn sao lại sóng còn đùa vui/Bỏ ta nàng lấy chồng rồi/Bỏ ta nàng lại theo người đàng xa... Nàng xa ta rồi chỉ còn biển thôi...” (ca khúc “Chỉ còn biển thôi” được nhạc sĩ Nguyễn Đình Thẩm phổ từ bài “Biển ơi” của Ngân Vịnh) - màn chữa cháy cực kỳ ngoạn mục khiến nhà thơ phải chắp tay bái phục. 

Khi nhà văn giỏi… xem bói ảnh 3Nhà thơ Ngân Vịnh

Thầy cúng nhờ người cúng cho mình

Anh em văn nghệ khi có việc ghé qua tỉnh Vĩnh Phúc đều được nhà thơ Lê Kim Hạt tiếp đón rất chu đáo, nhiệt tình. Ông thường tự tay lái xe đưa đón bạn văn đến thăm các địa điểm du lịch đẹp và mời thưởng thức các món đặc sản của quê hương. Các cuộc đi ăn, đi chơi đều do một tay nhà thơ lo liệu, sắp xếp, chi trả rất hào phóng. Trong cốp xe luôn có sẵn vài trăm tập sách, sau khi thưởng ngoạn cảnh đẹp, rượu ngon, các bạn sẽ được lưu niệm món quà là những tập thơ của tác giả Lê Kim Hạt. Có người không nén được thắc mắc: “Sao ông làm thơ mà nhiều tiền thế?”. Lê Kim Hạt hồn nhiên cười vang: “Tôi kiếm tiền bằng nghề thầy cúng nên chả lúc nào thiếu cả”. 

Sau này, ông cho biết là mình học nghề cúng từ cụ thân sinh của một nhà văn nổi tiếng. Học nghề vài năm xong, trở thành một thầy cúng khá “cao tay ấn” nhưng hàng năm ông vẫn sang nhà thầy để học hỏi thêm. Mặc dù, bận rộn với nghề nhưng Lê Kim Hạt vẫn đeo đẳng giấc mơ thi sĩ, những tập thơ tiếp tục đều đặn ra mắt bạn đọc và cũng ít nhiều gây được sự chú ý. 

Được bạn bè động viên, ông làm đơn vào Hội Nhà văn và nhận được số phiếu khá cao từ hội đồng. Sau khi chính thức trở thành hội viên, ông mới tiết lộ một bí mật nhà nghề: vào chính ngày Ban chấp hành bỏ phiếu xét kết nạp, ông đã… đội lễ sang nhà thầy từ sáng sớm, ghi tên tuổi nhờ thầy cúng cho suốt cả một ngày, đến tận chiều tối, khi thầy gieo quẻ đầy đủ âm dương, Lê Kim Hạt mới tạm yên tâm. Quả nhiên ít phút sau đó có tin báo về ông đã đặt chân vào lãnh địa văn chương một cách chính thức.