Khi nhà văn bị virus tấn công

ANTD.VN - Trước đây, khi chưa có máy tính, các nhà văn thường chỉ có bản thảo viết tay, nếu phải sửa nhiều quá thì chép lại sang một bản khác nên nguy cơ bản thảo bị hư hại chỉ có thể đến từ nước, lửa hay mối xông. 

Thời đại công nghệ phát triển, các nhà văn sáng tác trực tiếp trên máy tính, và không ít người đã gặp tình huống dở khóc dở cười khi bị virus tấn công và phá tan cả tác phẩm.

 “Tôi sẽ tạc tượng chú IT”

Chồng nhà văn Y Ban là nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng Trần Hoàng Cơ. Tác phẩm của anh được trưng bày tại nhiều nước trên thế giới: Pháp, Bỉ, Ấn Độ, Israel, Thổ Nhĩ Kì, Thụy Sỹ, Hàn Quốc... nhưng khi về ngôi nhà của mình, không ít lần bàn tay tài hoa ấy lại... gây họa cho những trang viết của vợ.

Nhà văn Y Ban

Khi nhà văn Y Ban bắt đầu nghỉ hưu, chị đề nghị với cơ quan cũ được mua thanh lý chiếc máy tính để bàn cổ lỗ chỉ vì đã quá gắn bó với nó qua hơn một thập kỉ. Mỗi buổi sáng thức dậy hay khi đêm đã về khuya, chỉ cần đặt tay lên bàn phím đã mờ cả những chữ số, nhà văn lập tức cảm nhận được sự “động đậy” của câu chữ để viết thành những tác phẩm ngắn dài khác nhau. Nhưng vì chiếc máy tính đã quá cũ, cấu hình lại thấp nên tốc độ ngày càng chậm, khi gửi hay nhận thư đều phải đợi khá lâu. Nhà điêu khắc mấy lần thấy vợ phàn nàn nên quyết định âm thầm khắc phục để tạo sự bất ngờ cho nhà văn.

Nhân một ngày nhà văn Y Ban đến Đài truyền hình làm một chương trình văn hóa, nghệ sĩ điêu khắc bèn mở máy tính, mày mò tải một phần mềm hiện đại nhất về để cài đặt. Không hiểu có phải vì chiếc máy đời cổ bị xung đột với phần mềm đời mới hay không mà nửa tiếng sau thì “đơ” luôn.

Nghệ sĩ sợ quá, vội tắt máy và ngồi chờ vợ. Nhà văn vừa về đến nhà, thấy chồng có thái độ khang khác đã đoán ngay được có sự cố gì nghiêm trọng rồi, nhưng khi biết máy tính bị “chữa lợn lành thành lợn què” thì không kiềm chế được, nằm vật ra khóc thảm thiết như một người mẹ bị mất con. Đúng là rất đau đớn khi trong máy đang có hơn 150 truyện cực ngắn - những “đứa con tinh thần” chưa xuất bản của chị. Nghệ sĩ biết mình mắc “trọng tội” nên mấy ngày trời cứ lẳng lặng làm hết việc nhà, không dám hé răng động đến “nỗi đau” khủng khiếp kia.

May thay mấy ngày sau có một nhà văn đàn em của Y Ban biết chuyện, bảo: “Em có cậu bạn kĩ sư công nghệ thông tin, để em nhờ cậu ấy xem giúp có cứu được bản thảo không”. Liền sau đó, ổ cứng máy tính được tháo ra mang đến cho kĩ sư, phải mất một ngày một đêm “cứu chữa”, toàn bộ dữ liệu đã lấy lại được. Nghệ sĩ Trần Hoàng Cơ đến nhận lại ổ cứng về lắp vào máy, khởi động lại ngon lành. Kiểm tra thấy không rơi rớt mất một chữ nào, nhà văn không giấu nổi sự vui mừng, gọi điện mời bằng được cậu kĩ sư đi ăn mừng. Được xóa tội, nghệ sĩ điêu khắc rưng rưng nói với vợ: “Tôi sẽ tạc tượng chú IT này.” 

Nhà văn Đỗ Phấn

Bất lực trước virus chưa có “thuốc” điều trị

Họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn có sức làm việc khó ai bì kịp. Một ngày ông thường ngồi trước máy tính từ 3 giờ sáng, viết vài nghìn chữ rồi mới chịu nghỉ ngơi, ăn sáng và đi uống cà phê với bạn bè. Mỗi năm Đỗ Phấn đều đều xuất bản và tái bản vài cuốn sách đủ các thể loại: tạp văn, truyện ngắn, tiểu thuyết... Viết nhiều, lại viết các thể loại khác nhau nên ông dùng hai chiếc máy tính xách tay để không bị nhầm lẫn bản thảo. 

Một lần vừa mở máy tính ra, thấy có dòng chữ cảnh báo “Tất cả các dữ liệu đã bị khóa”, nhà văn cố gắng dùng vốn kinh nghiệm ít ỏi để “phá khóa” nhưng đều bất lực. Đỗ Phấn vốn là người rất cẩn thận, không bao giờ xem phim lạ trên máy tính, không kết bạn với người lạ trên Facebook, không chia sẻ những tin nhắn rác thì làm sao có chuyện virus xâm nhập được.

Loay hoay một hồi không biết khắc phục cách nào, nhà văn đâm ra... nghi ngờ các bạn văn, liệu có phải ông nào xấu chơi đã lén “thả” virus vào để phá tan bản thảo cuốn tiểu thuyết mấy trăm trang ông vừa mới hoàn thành? Sau cả tuần rầu rĩ, nhà văn lại càng bế tắc khi mang máy tính ra hiệu sửa, mấy cậu thợ trẻ nói: “Bệnh của máy này phức tạp quá, chúng cháu không biết phải chữa từ đâu bác ạ”.

Nghe tin bản thảo của Đỗ Phấn gặp nạn, một số bạn văn mách thử tìm đến chàng kĩ sư công nghệ lần trước đã “cứu” nhà văn Y Ban và được tạc tượng. Đỗ Phấn khấp khởi mừng, chắc mẩm phen này cuốn tiểu thuyết sẽ được “từ cõi chết trở về chói lọi”, phải xuất bản ngay trong năm nay để mừng thoát nạn. Trằn trọc mãi mới hết một đêm chờ đợi, sáng sớm hôm sau nhà văn mang ngay máy tính đến tận cổng công ty phần mềm nơi cậu kĩ sư làm việc, lòng ngập tràn hi vọng.

Nhưng khi nghe nhà văn mô tả bệnh trạng và thận trọng kiểm tra từng tí, kỹ sư lắc đầu: “Em phải xin lỗi là không thể giúp được anh, vì đây là loại virus mới nhất hiện nay, ở Việt Nam chưa có ai diệt được. Muốn diệt thì phải mua phần mềm tại nước ngoài, giá thành khá đắt và cũng rất khó mua”. Nhà văn nghe xong muốn rụng rời cả chân tay: “Thế không có cách nào hả cậu?”. Kĩ sư động viên: “Em sẽ theo dõi để tìm “thuốc giải” sớm nhất cho anh, bởi vì cộng đồng IT trên thế giới và Việt Nam đang ráo riết tìm cách diệt loại virus này”.

Buồn bã quay về, nhà văn Đỗ Phấn đành cất máy tính dành cho tiểu thuyết vào một góc, mở chiếc máy của tạp văn ra để viết ngay một bài về nỗi khổ đau của người bị virus tấn công mà không tìm được… thuốc.