Khi nhà thơ gieo vần tặng vợ

ANTD.VN - Người ta thường nói các nhà thơ nam viết về người yêu, về mẹ, về con thì nhiều nhưng rất ít làm thơ tặng vợ, kể cả người vợ ấy khi còn là người yêu đã từng nhận được rất nhiều bài thơ “tán tụng”. Nhận định đó hoàn toàn không chính xác, bởi luôn có những vần thơ được viết ra từ nỗi xúc động tận đáy lòng khi các nhà thơ dành tặng vợ mình.

Khi nhà thơ gieo vần tặng vợ ảnh 1Có những vần thơ được viết ra chỉ để dành tặng vợ mình

“Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình”

Nhà thơ Hồ Dzếnh có một cuộc hôn nhân khá đặc biệt với người vợ thứ hai. Vợ đầu của ông ra đi quá sớm, khi con trai mới được vài tháng tuổi, một mình nhà thơ vất vả bế con đi xin từng cữ bú của những người mẹ đang nuôi con nhỏ. Hình ảnh nhà thơ tất bật, vụng về chăm lo đứa con bé xíu trong những ngày gian khó luôn được bạn bè nhắc đến với nỗi sẻ chia ngậm ngùi. Nhà văn Vũ Bằng từng viết về Hồ Dzếnh: “... ở Khu 4, mà chắc chắn khắp cả trong nước không có một người đàn ông thứ hai nào nuôi con khổ cực đến như Hồ Dzếnh. Một mặt lo chạy loạn, một mặt lo ăn, một mặt nữa lo sao cho con có sữa sống qua ngày.” Vất vả “gà trống nuôi con” nhưng Hồ Dzếnh vẫn viết đều và viết rất hay ở nhiều thể loại: thơ, bút kí, truyện ngắn... nên có nhiều “fan” hâm mộ thuộc lòng cả mấy tập thơ. 

Trong số “fan” nồng nhiệt đó có một góa phụ đẹp nức tiếng Hà thành thuở đó - bà Hồng Nhật, chủ hiệu sách Bình Minh. Bà là vợ góa của nhà thơ Trần Trung Phương. Chồng mất, bà cũng một mình nuôi đứa con trai nhỏ mới mấy tháng như Hồ Dzếnh. Bà là một phụ nữ rất chỉn chu, một tay lo toan việc gia đình, họ hàng. Lại là người rất văn minh, lịch thiệp, có văn hóa, thuộc thơ văn, biết rất nhiều điển tích. Đặc biệt bà thuộc nhiều thơ của Hồ Dzếnh, cảm nhận được ý tứ trong mỗi bài một cách sâu sắc. Cảm phục tài năng và mến mộ đức hạnh của nhau, hai người đã trở thành bạn đời. Nhà thơ Hồ Dzếnh đã có câu đối rất hay về mối lương duyên này: “Vợ góa nhà văn lấy nhà văn góa vợ - Con nuôi nước Việt, nhờ nước Việt nuôi con” (quê cha của nhà thơ Hồ Dzếnh ở Quảng Đông, Trung Quốc).

Khi nhà thơ gieo vần tặng vợ ảnh 2Nhà thơ Hồ Dzếnh

Sống với Hồ Dzếnh, bà Hồng Nhật chăm sóc chồng và hai người con một cách chu toàn, tận tụy. Ngay cả khi tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt nhưng bà vẫn tự tay nâng giấc, lo lắng cho chồng. Nhà thơ Hồ Dzếnh luôn mang sẵn trong lòng một ước nguyện: được chết sau vợ để cho bà đỡ phải lo toan vì mình. Ông từng viết những dòng thấm đẫm tình cảm mà nhiều người đọc phải rơi nước mắt:

Bài thơ tặng vợ

Mình vừa là chị là em

Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời

Mai này tới phút chia đôi

Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?

Xót mình đã lắm thương đau

Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình

Cuộc đời đâu phải phù sinh

Nước non chan chứa nghĩa tình mình ơi!

Thế nhưng ước nguyện của nhà thơ không thành, ông là người ra đi trước, để lại bao tiếc thương trong những tháng ngày còn lại cho người vợ thảo hiền. Có một điều nữa khiến nhiều người thêm cảm phục bà Hồng Nhật, đó là khi chồng mất, bà về ở với người con trai của Hồ Dzếnh chứ không ở cùng con mình, bà suy nghĩ giản dị mà vô cùng nhân văn: “Chồng mất thì mình phải ở cùng con chồng cho nó đỡ tủi”.

Tình như rượu chôn lâu

Khi nhà thơ gieo vần tặng vợ ảnh 3Nhà thơ Nguyễn Duy

Tính đến thời điểm này, trong làng thơ chỉ có duy nhất nhà thơ Nguyễn Duy làm cả một tập thơ tặng vợ và đặt một cái tên “trực diện” là “Vợ ơi” chứ không uyển ngữ hoa lá màu mè. Vào đúng năm tròn một vòng hoa giáp của cả hai vợ chồng (60 tuổi), nhà thơ Nguyễn Duy quyết định sẽ dồn hết tâm sức xuất bản một tập thơ tặng vợ.

Bao nhiêu kỉ niệm ùa về, những kí ức từ thời nhà thơ còn là anh “lính trơn” đến tán tỉnh cô sinh viên Đại học Văn hóa đến khi kết hôn xong, tham gia hết chiến dịch Đường 9 - Nam Lào lại vào Quảng Trị, chỉ một mình vợ ở nhà “méo mặt” nuôi con, dằng dặc lo toan những năm lụt lội đói kém...

Sau mấy chục năm làm thơ, danh tiếng nổi khắp trong và ngoài nước, giải thưởng lớn nhỏ xếp đầy tủ nhưng khi tóc đã muối tiêu, nhìn lại mới giật mình là chưa có bài thơ nào dành cho vợ. Vậy là vào đúng dịp Tết năm 1991, nhà thơ mở đợt “tổng lực thơ” kính tặng vợ trên nhiều tờ báo xuân. Liên tục trong 5 mùa Tết tiếp nối “chiến dịch” thơ tặng vợ, đến năm 1995, các bài thơ được tập hợp lại và in thành tập thơ “Vợ ơi” (Nhà xuất bản Văn Nghệ). Nhà thơ Nguyễn Duy không ngần ngại khi nói về món quà tinh thần quý giá dành riêng kính tặng vợ, ông bảo “Trong tập thơ này có một bài thay cho lời tạ tội muộn màng của tôi” rồi cất giọng đọc thật truyền cảm:

Dịu và nhẹ

Dịu dàng chiếc bóng xiêu xiêu

Em ngồi chải tóc muối tiêu nhẹ nhàng

Má hồng về xứ hồng hoang

Tóc rơi mỗi sợi nghe ngàn lau rơi

Dịu dàng vang tiếng mắt cười

Bỏ qua sấm chớp một thời xa xăm

Bỏ qua tội tháng nợ năm

Tự nhiên giọt nước mắt lăn... nhẹ nhàng.