Khi người già hóa... con trẻ

ANTĐ - Dân gian có câu “người già với trẻ con là một” để nói về sự trái tính, trái nết, khó chiều của của các cụ khi bước vào độ tuổi “thất thập cổ lai hy”…

Chính sự giao tiếp, quan tâm, chia sẻ lẫn nhau giúp người già sống vui sống khỏe

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, đối với những người lớn tuổi, đã đi hơn quá nửa đời người nên khi bước vào tuổi xế chiều, điều họ cần nhất chính là sự quan tâm, chăm sóc và tình thương yêu của con cháu. Đặc điểm tâm lý của người già là hay xét nét, khó tính và có lúc như quay lại thời thơ ấu. Khi cái chất trẻ con và phong thái “thái thượng hoàng” tồn tại song song trong các cụ là nguyên nhân gây ra nhiều chuyện dở khóc dở cười trong các gia đình. 

Thời gian gần đây, nhiều đồng nghiệp của chị Vũ Thu Hương ở đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội, ngạc nhiên khi thấy chị Hương bỗng dưng hay đi muộn về sớm. Hỏi ra mới biết, trước đây công việc chợ búa bếp núc vốn do mẹ chồng chị Hương đảm nhiệm nay chị phải cáng đáng toàn bộ. “Có lẽ do tuổi cao nên mẹ chồng tôi dạo này thường xuyên quên, đi chợ thì quên mang thức ăn về, nấu ăn thì quên bỏ gia vị…Tôi đã khuyên bà nghỉ ngơi để tôi lo việc nội trợ nhưng ban đầu bà kiên quyết không chịu, giận dỗi hàng tuần liền.

Mỗi khi tôi nấu ăn, bà thường lén vào bếp nêm thêm gia vị vào thức ăn nên nhiều hôm đồ ăn mặn chát. Khi bị con cháu phát hiện góp ý, bà giả bộ không nghe thấy hoặc chẳng nói chẳng rằng mấy ngày liền. Bà còn thường xuyên chê mọi người trong nhà nấu không ngon. Mỗi khi xem ti vi, bà mở rất to, bà cũng chỉ thích mặc quần áo cũ và luôn đi chân đất. Có lần mẹ tôi ốm, nhưng cả nhà đều đi làm. Khi đi làm về, tôi thấy bà nằm im trong phòng bỏ cơm, khóc thút thít và không nói chuyện với ai. Tôi hiểu, người già rất hay hờn dỗi và đôi lúc nhõng nhẽo như một đứa trẻ con. Mẹ tôi đã vất vả cả đời vì con vì cháu, đến khi gần đất xa trời điều bà mong muốn nhất là sự quan tâm, chăm sóc của mọi người. Do đó, cả nhà đều cố gắng không để bà buồn phiền” - chị Hương bộc bạch.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Lam Kiều ở  khu đô thị mới Văn Quán, quận Hà Đông chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần khóc dở mếu dở với tính nửa trẻ con nửa người lớn của mẹ mình. Nhà tôi có con nhỏ nên ban ngày hai vợ chồng đi làm, ở nhà chỉ còn chị giúp việc và mẹ cùng chăm sóc con trai tôi. Có lần mẹ tôi lỡ tay làm vỡ lọ hoa nhưng tối về bà sợ vợ chồng tôi trách nên đổ tội ngay cho cháu. Tôi biết nhưng coi như không có chuyện gì. Một lần khác, khi chị giúp việc đi chợ, mẹ tôi để cháu ngồi một mình trên giường khiến cháu ngã. Khi tôi hỏi chuyện thì mẹ tôi lại đổ tội ngay cho người giúp việc. Thấy tôi xuýt xoa, lo lắng về vết bầm tím trên trán con trai, mẹ tôi lại nói “mát”: “Bây giờ chị chỉ biết con chị, chả coi mẹ ra gì”.

Không chỉ có vậy, mỗi lần thấy trong người không khỏe, đau nhức, mẹ tôi thường tự động đi thẳng vào bệnh viện nằm. Đến tối con cháu về nhà không thấy lại chia nhau đi tìm khắp nơi. Thỉnh thoảng, mẹ tôi còn mua rất nhiều thuốc đặt ngay trên bàn ăn để báo cho mọi người trong nhà biết là bà đang ốm. Có lần, trước khi đi làm tôi đã hỏi cả nhà xem có thích ăn gà rang muối không để mua. Mẹ tôi bảo đang đau răng nên không ăn được. Tôi mua gà về cho cả nhà đồng thời mua cho mẹ đồ ăn khác nhưng mẹ tôi lại dỗi khiến tôi không biết xử trí thế nào. Mỗi khi giận, bà còn gọi điện về quê kể tội con gái làm tôi rất ngại”.

Không chỉ các cụ bà mà các cụ ông cũng rất hay nhõng nhẽo, giận hờn. Trường hợp của cụ Lê Đình Bằng, 75 tuổi, ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy là một ví dụ. Tuy ở cùng con, nhưng do bận công việc các con cụ Bằng phải đi công tác triền miên nên cụ Bằng cứ thui thủi một mình. Dần dần cụ có cảm giác mình như người thừa, chẳng có ai quan tâm đến nên cụ đã nghĩ ra cách tuyệt thực, nằm bẹp trên giường, ai hỏi cũng không nói, gọi cũng không thưa khiến cả nhà được phen náo loạn. Khi các con có ý đưa cụ đi viện thì cụ càng làm già, nhất định không đi, lăn lộn, đập phá đồ đạc. Được vài hôm, đùng một cái cụ Bằng đòi cưới cô gái làm giúp việc nhà hàng xóm. Khi các con cụ phản đối, cụ lập tức ra điều kiện: “Nếu không cho tôi lấy cô gái đó, các anh chị phải cắt cử nhau ở nhà với tôi, không được để tôi một mình. Hàng ngày phải đưa tôi đi dạo phố, thăm bạn bè họ hàng”…

Sinh, lão, bệnh, tử, là quy luật ở đời, việc người già trái tính cũng là thuận theo vòng đời. Đến tuổi xế bóng, các cụ không còn minh mẫn và quay lại thời… con trẻ! Nếu các gia đình không có sự chuẩn bị đầy đủ mọi mặt về vấn đề này thì sẽ dễ phát sinh bất đồng, mâu thuẫn, khó giữ được hòa khí. Vì vậy, khi trong nhà có bố mẹ già, con cháu cần hiểu và thông cảm và quan tâm tới các cụ, tạo cho các cụ có môi trường sống độc lập, thoải mái, vui vẻ, để cuộc sống tuổi già có ý nghĩa hơn.