Khi người già... đi bước nữa

ANTĐ - Tình yêu không phân biệt tuổi tác - ai cũng nói được điều này nhưng không phải ai cũng hiểu đến tận cùng của cụm từ này. Với những người ở tuổi xế chiều, khi họ đã ngưng bớt lo toan để thụ hưởng cuộc sống thì tâm lý cô đơn lại bắt đầu xuất hiện. Không biết có bao nhiêu lý do để họ tìm đến “cuộc đời thứ 2” trong những ngày cuối đời và cũng không biết có bao nhiêu cách nhìn nhận về vấn đề này. Câu chuyện những người già “đi thêm bước nữa” luôn được nhìn nhận bằng con mắt định kiến. Nhưng dẫu hạnh phúc đến với những con người này như một thứ quả ngọt cuối mùa vẫn rất cần sự sẻ chia, cảm thông!

Tình yêu không có tuổi

Có lẽ chuyện cụ ông Hà Văn Tới và cụ bà Bùi Thị Vinh, cùng 91 tuổi ở ở ấp Chợ, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, Bến Tre muốn đăng ký kết hôn đã làm xôn xao dư luận thời gian qua. Đến nay việc vẫn chưa thành do vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía các con, cháu hai bên. Cụ Bùi Thị Vinh chia sẻ, có hôm đang đêm nằm ngủ mà giật mình tỉnh giấc, xung quanh không có một ai, tôi buồn quá và cô đơn nên cứ ngồi khóc một mình. Cuối đời tôi chỉ muốn có một người bạn già cùng chung cảnh ngộ để nương tựa chia sẻ với nhau nhưng không hiểu sao con cháu không chịu hiểu cho người mẹ này. 

Chuyện là chồng cụ Vinh đã mất hơn 40 năm, con cái cụ đã lập nghiệp, yên bề gia thất ở tận tỉnh Trà Vinh, bao năm qua cụ ở một mình. Thi thoảng có 2 người con nuôi đến thăm. Còn cụ Tới cũng trong hoàn cảnh tương tự và đáng buồn là từ khi gia đình biết chuyện cũng giữ cụ trong nhà và không cho gặp người lạ. Hai cụ thân thiết với nhau, đến cuối đời muốn có người bạn già bên cạnh để sớm hôm tâm sự, giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi trái gió trở trời thì con cháu hai bên không chịu hiểu điều này. Về phía những người con, họ kịch liệt phản đối bởi sợ lời ra tiếng vào, sợ sự soi mói của những người xung quanh đó là điều dễ hiểu bởi đó là định kiến, là quan niệm của người Việt xưa nay và bởi không ai lại tin có tình yêu ở cái tuổi “gần đất xa trời” như vậy, nhưng nếu nhìn ở một góc khác và nếu họ đặt mình vào hoàn cảnh của các cụ, có lẽ họ sẽ hiểu hơn và thông cảm với đề nghị của các cụ.

Hiện nay, Luật Hôn nhân gia đình không quy định mức tối đa bao nhiêu tuổi thì không được kết hôn, vợ cụ Tới và chồng cụ Vinh đều đã mất, hai cụ có đủ năng lực hành vi dân sự, vì vậy cuộc hôn nhân của hai cụ không hề trái pháp luật. Về mặt pháp lý là vậy nhưng sự ủng hộ của con cháu hai cụ là hết sức cần thiết bởi sự gắn bó lúc xế chiều sẽ không trọn vẹn nếu thiếu sự đồng tình của các con, các cháu. 

Kết thúc không có hậu

Một chuyên gia tư vấn tâm lý tại Trung tâm tư vấn truyền thông SKSS và Phát triển cộng đồng nhận định, cho tới thời điểm hiện nay không có nhiều kết thúc có hậu đối với các cụ vì không vượt qua được rào cản của con cái. Ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có nhu cầu hạnh phúc, đặc biệt là tuổi già lại cần hơn sự chia sẻ, an ủi hay những tâm sự thường ngày mà con cháu không thể làm được vì khoảng cách thế hệ, tuổi tác, thời gian... Vì vậy, người già cô đơn rất cần có một người bạn khác giới cùng thế hệ để có thể chia sẻ tình cảm với nhau, hoặc chăm lo cho nhau lúc trái nắng trở trời. Mong ước giản đơn vậy nhưng thực tế là các bậc con cháu không hiểu nên đã vô tình ngăn cấm đẩy cha mẹ mình xuống đáy của sự cô đơn. Có lẽ đến nay chuyện tình của cụ ông Trần Quang Xê (76 tuổi) với cụ bà Nguyễn Thị Thực (74 tuổi) ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng đúng là xưa nay hiếm. Bởi lẽ không giống như tình cảnh của bao người già khác, hai cụ đến với nhau ban đầu cũng gặp phải sự phản đối, nhưng vì thương cha, thương mẹ nên tất cả con cháu đã nhiệt thành ủng hộ để tuổi già cuối đời nương tựa vào nhau. Lý do hai cụ đến với nhau cũng thật giản đơn. Cụ Xê thì thấy cụ Thực 20 năm sống góa chồng, một mình nuôi dưỡng con cái trưởng thành, đến khi về già, cụ Thực vẫn lam lũ với ruộng đồng. Về phía cụ Xê, thấy cảnh người đàn ông vợ mất đã lâu, ở một mình, con cháu cũng chỉ chăm sóc được phần nào nên khi gặp đã có cảm giác mình phải có trách nhiệm chăm sóc. Giờ hai cụ đang sống nương tựa bên nhau, và có lẽ người già chỉ cần vậy thôi, con cháu hãy nên hiểu điều đó. Và cách xử sự như con cháu trong gia đình hai cụ Trần Quang Xê và Nguyễn Thị Thực đáng để nhiều người suy ngẫm trước thực tế chưa rõ ngọn ngành đã một mực phản đối một cách tức thời.

Phản ứng cực đoan

Việc không phải ai cũng chấp nhận việc cha, mẹ mình khi đã cao tuổi mà vẫn đi bước nữa, tìm hạnh phúc mới ở “cuộc đời thứ hai”. Có hàng trăm nghìn lý do được con cháu nêu ra, chẳng cần biết đúng sai, đạo lý trên dưới cứ miễn sao là phản đối được chấp nhận. Từ việc bỗng dưng cho rằng bố mẹ già nên lẩm cẩm, không điều khiển được hành vi đến những phiền toái đi kèm. Theo đúng pháp luật, từ người trẻ đến người già nếu đủ điều kiện pháp lý khi về sống với nhau phải đăng ký kết hôn. Song rồi đến việc xưng hô, phục vụ thêm một người hoàn toàn xa lạ, chuyện con ông con bà, rồi đến chuyện muôn năm cũ là việc phân chia tài sản thừa kế sau khi cha mẹ mất sẽ rất phức tạp. Cực đoan hơn là việc con cháu bức xúc nói rằng hành động cha-mẹ-ông-bà đi bước nữa sẽ bôi xấu vào mặt con cháu, làm ảnh hưởng đến danh dự gia đình, truyền thống dòng tộc (?!) Quan điểm của lớp trẻ đa phần nghĩ rằng tuổi đã cao, nhu cầu sinh lý không còn thì bày đặt đi bước nữa để làm gì (?) Cần tiền đã có con cháu lo, muốn gì con cháu sẽ đáp ứng. Và sau hàng loạt những lý do tức thời, kết luận chung của con cháu nói với cha-mẹ-ông-bà mình rằng niềm vui lớn nhất của tuổi già chính là sự thành đạt, sum vầy của con cháu chứ không phải… “dở chứng”, bỗng dưng… đổ đốn, tự nhiên… ham hố. Đây là một quan thái ích kỷ của con cháu, và không ít người già đã phải ngậm ngùi thuận theo lớp con cháu học rộng, tài cao, hiểu biết nhiều (!) Quả là làm người già cũng thật thiệt thòi…

 

Nhận định về vấn đề này hầu hết các chuyên gia tâm lý đều khẳng định, ý thức về quyền tự do được kết hôn, có bạn tình không lớn. Người già tái hôn chủ yếu tìm chỗ nương tựa tinh thần. Tất nhiên, đó là với những cụ tương đối độc lập về kinh tế, chứ những cụ còn sống phụ thuộc vào con cái, con cái có động viên, chắc các cụ cũng “chẳng dám đâu”. Có cụ sẵn sàng bỏ “cửa cao nhà rộng” nhưng lạnh lẽo tình người để đến một nơi vất vả hơn mà vui vẻ. Người cao tuổi đâu có nhu cầu nhiều về vật chất. Nhiều người cho rằng nếu người cao tuổi kết hôn nghĩa là người đó còn ham hố chuyện tình dục, chăn gối, nhưng không hẳn như vậy. Nhu cầu có bạn già rất quan trọng, bởi nỗi sợ lớn nhất của người cao tuổi là bị bỏ rơi, bị cô đơn. Tất nhiên, nhu cầu vợ chồng cũng không có gì là xấu.

Hơi ấm lúc hoàng hôn

Nhu cầu được yêu thương, có người bạn đời để chia sẻ nhu cầu tâm lý tình cảm là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người. Nhưng thực tế không phải ai cũng đồng cảm với nhu cầu tái hôn của người cao tuổi, kể cả chính những người cao tuổi. Nhận thức rõ vai trò tiếp sức của con cái với “mảnh trời riêng” của người già, nhiều nhà tâm lý học hàng đầu của Mỹ đã khuyến cáo con cái không nên cay nghiệt với cuộc sống tình cảm của ông-bà-cha-mẹ mình. Thái độ tôn trọng cuộc sống tình cảm riêng tư của cha mẹ chính là động lực giúp họ cam đảm, vững vàng hơn khi tìm kiếm bạn đời; thoát khỏi cảm giác ngại ngùng, xấu hổ với con cái khi phải yêu vụng trộm, họ như được trẻ hóa, tìm lại cuộc sống cho mình. 

Với người cao tuổi, nhu cầu tình cảm chiếm 90% nhu cầu đời sống của họ, khác với người trẻ, họ không cần danh vọng, địa vị, tiền bạc, sơn hào hải vị, thời trang xúng xính mà điều họ cần nhất là được tôn trọng, sẻ chia và cảm thấy bản thân mình còn có ý nghĩa với cuộc đời, xã hội, gia đình, hàng xóm. Người già cả đời đã vất vả, hy sinh, họ đều có con cháu đuề huề nhưng không may chỉ còn lẻ bóng, vì vậy việc tạo điều kiện để ông-bà-cha-mẹ tái hôn là một cách đặt trọn niềm tin nơi họ. Bởi họ cũng có quyền được hưởng những tháng ngày hạnh phúc như bao người lắm chứ, dẫu chỉ là hơi ấm lúc hoàng hôn!