Khi người dân không tin vào “tuyến dưới”

ANTĐ - Thực tế, hầu hết các bệnh viện quận, huyện của TP.HCM với cơ ngơi rộng rãi, quy mô có khi lên tới hàng trăm giường, nhiều bệnh viện được đầu tư trang thiết bị hiện đại nhưng ít bệnh nhân, hoạt động khám, chữa bệnh cầm chừng. Đây là một lãng phí lớn, nhất là khi người dân thành phố vẫn chấp nhận “vượt tuyến” vào… trung tâm thành phố.

Khi người dân không tin vào “tuyến dưới”  ảnh 1
Người dân chấp nhận chờ đợi để khám, điều trị tuyến trên 
chứ không chịu về bệnh viện quận, huyện

Đìu hiu tuyến quận, huyện

Với quy mô 120-150 giường đầy đủ các khoa khám, chữa bệnh nhưng bệnh viện quận 12 khá vắng, mỗi ngày chỉ chừng 30-40 bệnh nhân đến khám theo diện BHYT. Bác sỹ ở đây cho biết, với những bệnh nhân cần chuyên khoa sâu như ung bướu, tai-mũi-họng hay sản, người bệnh chỉ khám sơ qua tại bệnh viện quận rồi chuyển lên các bệnh viện tuyến trên điều trị. Tuyến bệnh viện huyện như Nhà Bè trung bình mỗi ngày có khá hơn, cao điểm 300-400 lượt bệnh nhân song chủ yếu là người già và trẻ nhỏ cần cấp cứu với các bệnh nội khoa: cao huyết áp, đau dạ dày, hen suyễn... các loại bệnh chuyên sâu đòi hỏi kỹ thuật và trình độ cao như chấn thương chỉnh hình, ung thư, tai biến sản, chân tay miệng cũng đều phải chuyển vào bệnh viện lớn tại trung tâm thành phố.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, các bệnh viện quận, huyện được hình thành từ năm 2007. Bên cạnh cơ sở vật chất chưa được nâng cấp đúng quy mô, nguồn nhân lực bệnh viện được chuyển từ nguồn dự phòng, số lượng đã thiếu, năng lực chuyên môn lại hạn chế, như bệnh viện Cần Giờ, Bình Chánh, có năm tuyển 30 bác sỹ nhưng qua năm sau đã đi gần hết vì không có… bệnh nhân, các bác sỹ giỏi không mặn mà với tuyến cơ sở, nhiều ca mổ ruột thừa, sốt xuất huyết cũng chuyển tuyến trên. PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, việc quá tải của các bệnh viện tuyến trên kéo dài nhiều năm vẫn chưa giải quyết được là do niềm tin của người dân đối với bệnh viện tuyến dưới không còn. 

Bất hợp lý phòng khám vệ tinh 

Sự tiếp sức của các bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương, Tai-MũiHọng cho bệnh viện Cần Giờ đã giúp địa phương khám, điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân sốt do virus, bệnh lý về răng-hàm-mặt, mắt, tai-mũi-họng, sản phụ khoa… thậm chí xử lý các trường hợp chấn thương, tai nạn ở cấp độ trung bình, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc khám và điều trị, đỡ mất công phải vào tận nội thành. Nhưng người dân vẫn phàn nàn, các phòng khám chuyên sâu này chỉ làm… dịch vụ, người có tiền thì được khám, chữa bệnh ngay, còn người nghèo, diện BHXH thì vẫn phải vào các bệnh viện tuyến trên để xét nghiệm và được mua thuốc với giá rẻ hơn vì danh mục BHYT chưa chấp nhận chi trả khi phẫu thuật ở tuyến dưới. Trong quá trình thí điểm phòng khám vệ tinh tại bệnh viện Bình Thạnh, bác sỹ xuống khám và chuyển giao công nghệ - kỹ thuật, hỗ trợ kinh nghiệm, các bác sỹ cơ sở cũng xử lý thành công các ca cấp cứu OAP, nhiễm Ceton máu, viêm phổi nặng có suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, tay chân miệng cấp độ 2… nhưng bệnh viện cũng thiếu thuốc  chuyên khoa, thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế.

Tại quận 12, bác sỹ bệnh viện 115 xuống khám tim mạch, nội tổng quát... bệnh nhân vẫn phải chạy ngược lên bệnh viện 115 để lấy thuốc. Một số quận có tiềm lực như quận 7, 5, Gò Vấp, Bình Thạnh, Củ Chi được đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng được nhiều dịch vụ y tế chuyên sâu, tất nhiên lại không muốn chịu sự quản lý ngành dọc của Sở Y tế vì mỗi lần muốn thay thế, nâng cấp trang thiết bị hay nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn đội ngũ y bác sỹ, thứ gì cũng phải chờ xét duyệt, có khi cả chục năm trời.

Đây là nguyên nhân, dự án xây dựng bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đã chậm 7 năm do năng lực điều hành của bệnh viện và năng lực thiết kế của nhà thầu quá kém mà Sở Y tế cũng không nhắc nhở, kiểm tra; các dự án bệnh viện Nhi đồng ở phía Tây vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; bệnh viện chấn thương chỉnh hình ở phía Nam, bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức ở phía Đông cũng chậm triển khai do chờ quyết định giao vốn của UBND thành phố.

Đến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phải thốt lên rằng, không hiểu lý do tế nhị gì mà kế hoạch xây dựng thêm các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM diễn ra quá chậm. Trong khi các bệnh viện quận huyện, bệnh viện vệ tinh được đầu tư lớn mà năng lực phục vụ yếu, bệnh nhân không thiết tha khám chữa bệnh, thì việc giảm tải, thực khó!