Khi nghệ sỹ chọn cách "nói thật"

ANTĐ - Hồi ký hay còn gọi là tự truyện đã trở thành một phương tiện để  người nghệ sỹ bộc lộ mình nhiều nhất với những khổ đau, tan vỡ, những sự vấp ngã và thậm chí cả thất bại trong cuộc đời. Sự xuất hiện ngày càng nhiều những cuốn hồi ký quá chân thực, thậm chí là gây tranh cãi đã khiến người đọc đặt câu hỏi, rốt cuộc thì sự thật vốn đã chôn vùi trong quá khứ, có nên đánh thức hay không?

Khi nghệ sỹ chọn cách "nói thật" ảnh 1

Nghệ sỹ Thương Tín và NSƯT Lê Vân đã gây nhiều tranh cãi sau khi ra mắt hồi ký của mình

Gặp “bão” vì tiết lộ sự thật

Cuốn hồi ký “Một đời giông bão” của diễn viên điện ảnh Thương Tín vừa ra mắt gần đây đã gây xôn xao dư luận. Không chủ đích “khoe” những vai diễn lừng lẫy trong sự nghiệp diễn xuất của mình, tài tử này đã chọn cách kể gần như trung thực, không giấu giếm về đời tư của mình. Người hâm mộ Thương Tín có thể sẽ bị sốc khi biết chuyện năm 13 tuổi, ông đã bị cưỡng đoạt bởi một người đàn bà hơn mình đến cả chục tuổi, hay bị một “ông bầu” cải lương lạm dụng, rồi đến hàng chục “bóng hồng” đã lướt qua cuộc phiêu lưu tình ái đầy tai tiếng của ông.

Người ủng hộ thì nói là chẳng có lý do gì để “ném đá” Thương Tín chỉ vì ông đã dám kể những câu chuyện không giống những người khác. Còn người phản đối thì cho rằng việc phơi bày câu chuyện về những người tình của Thương Tín là quá trần trụi và có thể gây tổn thương tới bản thân và gia đình họ. Nhiều độc giả còn dùng những từ ngữ nặng nề để chỉ trích cuốn sách là tràn ngập chi tiết câu khách để đánh vào sự hiếu kỳ của độc giả, chứ không hề có giá trị văn học hay tính nhân văn nào. Tác giả Thương Tín thì khẳng định, một trong những lý do khiến ông quyết định xuất bản sách là để trang trải cuộc sống cho gia đình, nhưng không phải vì tiền mà phải kể chuyện gây sốc để bán sách. 

Tranh cãi xung quanh cuốn hồi ký của Thương Tín  khiến bạn đọc nhớ đến tự truyện “Lê Vân - Yêu và sống” xuất bản 10 năm trước đây. Thời điểm cuốn tự truyện ra mắt, nhiều độc giả ngỡ ngàng khi chính nữ diễn viên này đã phá vỡ những lầm tưởng tốt đẹp về một gia đình nghệ sỹ hoàn hảo, bóc trần sự “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ với con cái. Sau cuốn tự truyện này, Lê Vân đã trở thành mục tiêu chỉ trích của dư luận. 

Không chỉ để trút bỏ ẩn ức

Tự truyện hay hồi ký là một thể loại khá “kén” bởi nó cho phép khai thác tối đa đời tư của nhân vật và người viết cũng rất cân nhắc trong việc chọn lọc chi tiết để tiết lộ với công chúng. Dù đã qua thời kỳ đỉnh cao hay vẫn đang trên con đường khẳng định chính mình,  nhưng không ít người nổi tiếng trong giới nghệ sỹ đã lựa chọn thể loại văn học đầy thử thách này. Không khó để có thể kể ra những cái tên như danh ca Khánh Ly với “Đằng sau những nụ cười”, Thành Lộc với “Tâm thành và lộc đời”, ca sỹ Trần Lập với “Bên kia bức tường”, siêu mẫu Hà Anh với “Là tôi, Hà Anh!” hay Hương Giang Idol với “Tôi vẽ chân dung tôi”…

Dù được đón nhận ở mức độ khác nhau nhưng những cuốn sách trên vẫn không tạo ra bất cứ làn sóng phản đối nào, có lẽ bởi cách kể, chọn lọc khéo léo và hướng đến những gì độc giả dễ chấp nhận hơn là phơi bày hoàn toàn sự thật như trường hợp của NSƯT Lê Vân hay Thương Tín. Bản thân NSƯT Thành Lộc khi viết cuốn “Tâm thành và lộc đời” cũng cho rằng tự truyện đấy nhưng “không phải chuyện gì cũng thể kể được”. Bởi nghệ sỹ như anh suy cho cùng vẫn cần phải “giữ lại chút gì đó” khi trở về căn nhà của mình. 

Xét cho cùng, tự truyện hay hồi ký là thể loại tương đối cá nhân, nhưng một khi là người của công chúng, đưa một tác phẩm ra công chúng thì nó không chỉ là câu chuyện của một hay hai người nữa. Viết hồi ký, tự truyện không chỉ để một người thỏa mãn những ẩn ức riêng, được trút bỏ hết những gánh nặng, khổ đau, tan vỡ… lên trang sách mà cao hơn, nó còn hướng tới sự đồng cảm giữa người với người.

Nếu không có những dòng bộc bạch rất thật trong những cuốn hồi ký thì mấy ai biết được những góc khuất đằng sau ánh hào quang của người nghệ sỹ, những nỗi vất vả để có được sự thành công trên màn ảnh, sân khấu. Tất nhiên, “nói hay” về mình thì rất dễ nhưng để tìm kiếm sự cảm thông với những gì đi ngược với số đông hay quy luật, định kiến của xã hội thì thật sự không đơn giản. Và khi nghệ sỹ đã chọn cách “vạch áo cho người xem lưng” thì ắt hẳn họ cũng rất trăn trở khi đối diện với nỗi đau của mình.