Khi ngân hàng "cấy lúa" hộ dân

ANTD.VN - Với tổng nguồn vốn huy động gần 3.400 tỷ đồng, tổng dư nợ 751 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Đan Phượng (Hà Nội) không chỉ hỗ trợ thiết thực nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh mà còn là địa chỉ tin cậy để người dân nơi đây gửi gắm những khoản tiền nhàn rỗi.

Cán bộ Agribank Đan Phượng thăm cơ sở sản xuất của người vay vốn

Giàu lên từ đồng vốn vay

Vừa thoăn thoắt cắt những cành ly đang đến độ nở, anh Bùi Tuấn Hải (đội 4, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) vừa cho biết, tổng diện tích trồng hoa ly của anh là 8 mẫu. Mỗi năm, trại hoa này đem lại cho gia đình anh thu nhập khoảng 700 triệu đến 1 tỷ đồng. Nghề trồng hoa ly đã không chỉ giúp gia đình anh làm giàu mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên và thời vụ trên địa bàn xã. 

Anh Hải kể, năm 2010 anh bắt đầu mày mò học hỏi nghề trồng hoa ly. Khác với các loại hoa khác, hoa ly tuy dễ trồng nhưng tiền vốn bỏ ra mua giống và các chi phí khác rất đắt, khoảng 100 triệu đồng mỗi sào. Không đủ tiền, anh Hải phải vay mượn khắp nơi.

Thời điểm đó ít người trồng nên hoa ly tiêu thụ dễ, lại rất được giá. Bao nhiêu lãi, anh lại quay đầu mở rộng diện tích canh tác nhưng vẫn không thấm vào đâu, chỉ thêm được vài sào.

Agribank Đan Phượng là chi nhánh ngân hàng loại 2 trực thuộc Agribank Hà Tây. Tính đến hết năm 2017, tổng nguồn vốn huy động đạt gần 3.400 tỷ đồng, bình quân mỗi cán bộ có số dư nguồn vốn khoảng 78,8 tỷ đồng.  Tổng dư nợ đạt 751 tỷ đồng, trong đó, đến 750 tỷ đồng là cho vay nông nghiệp nông thôn (chiếm 99,8% tổng dư nợ). 

Agribank Đan Phượng được đánh giá là chi nhánh có chất lượng tín dụng được duy trì ổn định, với tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ 0,37%, cả nội ngoại bảng khoảng 1,38%. 

Năm 2014, qua giới thiệu của cán bộ xã, anh Hải đã mạnh dạn tiếp cận với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Đan Phượng bày tỏ nguyện vọng vay vốn. Sau khi thẩm định tài sản bảo đảm và qua các thủ tục nhanh gọn, anh đã được cấp những đồng vốn vay đầu tiên. Nhờ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi này, diện tích trồng hoa ly của gia đình anh Hải liên tục được mở rộng, từ khoảng 3 sào ban đầu, đến nay đã lên đến 8 mẫu. 

“Tôi vẫn là khách hàng thường xuyên của Agribank với số tiền vay khoảng 1 tỷ đồng để duy trì hoạt động sản xuất. Ưu điểm lớn nhất của Agribank là lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp rất tốt, chỉ khoảng 6%/năm. Thêm nữa, với đặc thù là ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp là chính nên các cán bộ cũng quan tâm rất sâu sát đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người vay”, anh Hải cho biết. 

Ngân hàng “cấy lúa” hộ dân

Song Phượng là xã đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận nông thôn mới. Ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Những năm qua, Agribank rất gắn bó với người nông dân, cung cấp nguồn vốn sản xuất, đóng góp lớn cho việc quy hoạch các vùng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động trên địa bàn. Nhờ vậy, kinh tế xã đã có nhiều chuyển biến. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người xã chỉ đạt 9 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2017 đã đạt trên 40 triệu đồng”.

Không chỉ có vậy, nhờ thực hiện tốt công tác huy động vốn, Agribank Đan Phượng còn giúp chính quyền xã “nhẹ gánh” hơn trong công tác quản lý xã hội trên địa bàn. Ông Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ, chỉ trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn Song Phượng có tới hơn 20 dự án giải phóng mặt bằng, với tổng số tiền giải ngân khoảng 350 tỷ đồng. 

Chính quyền xã không khỏi lo lắng bởi đã có bài học từ nhiều địa phương khác, khi người dân bỗng được cầm “cục tiền” lớn trong tay dễ nảy sinh tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, nhờ công tác tuyên truyền, đa phần các hộ dân nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng nếu chưa có kế hoạch tái sản xuất đều đem gửi ngân hàng. 

“Trong các đợt giải ngân tiền giải phóng mặt bằng, Agribank luôn chiếm tỷ lệ huy động được khoảng 50%. Chúng tôi hay nói đùa với nhau, người dân gửi tiền vào ngân hàng cũng giống như ngân hàng “cấy lúa hộ dân”, số tiền lãi hàng tháng cũng tương đương lợi nhuận thu được khi canh tác trên diện tích đất bị thu hồi mà không phải vất vả” - ông Hoàng chia sẻ.

“Sự phối hợp tốt giữa ngân hàng và chính quyền địa phương, cộng với ý thức của người dân đã góp phần ổn định tình hình xã hội trên địa bàn” - ông Nguyễn Huy Hoàng nhìn nhận.