Khi méo mó được giá!

ANTĐ - Với cái “tít” này có vẻ như ông muốn bàn về sự méo mó tâm hồn, nhân cách? Nghe mông lung đây, bắt đầu từ đâu bây giờ?

- Không dám, chuyện ấy để các nhà xã hội học bàn, để các vị chuẩn bị làm tiến sỹ nghiên cứu, tỷ như “Sự méo mó về nhân cách: thực trạng và giải pháp” chẳng hạn. Chuyện của tôi đơn giản và thực dụng hơn nhiều, ấy là chuyện quả cà chua méo, củ khoai tây… méo!

- Lạ đấy, chuyện thế nào, phát hiện mới à?

- Phát hiện gì đâu, chẳng qua bà xã nhà tôi đi chợ tinh chọn đồ méo, sâu sia nên tôi để ý! Đây nhé, trong 2 rổ cà chua và khoai tây này, tôi trộn lẫn thứ trồng ở quê chính hiệu và thứ mua ở chợ đầu mối - đa phần là hàng Trung Quốc, ông chọn đi, tròn hay méo để tìm ra được hàng quê?

- Ra gì cái thứ tròn thây lẩy thế kia, tôi chọn méo, mà củ khoai còn dính tí đất nữa chứ, hẳn là hàng quê.

- Khà khà, ông nhầm to, tất nhiên cái thứ to mọng vẫn là “chủ đạo” của rau củ nhập lậu, không rõ xuất xứ nhưng trong cả xe tải hàng ấy vẫn có loại phế phẩm, đổ đi thì tiếc, người ta bán với giá khá rẻ. Các bà “lái rau” nắm được tâm lý người mua thế là “làm hàng”, biến những thứ phế phẩm ấy thành hàng quê “xịn”, khoai thì bôi thêm chút đất, rau thì trộn già với non, cá thì để hơi ươn một chút, người mua hí hửng tưởng chọn được hàng quê, hóa ra vớ phải toàn đồ độc hại mà lại mua đắt.

- Cũng “ác” nhỉ? Nhưng chắc số người “thủ đoạn” này không nhiều?

- Hy vọng thế, cho đời đỡ buồn, khi nhìn vào đâu cũng luôn với con mắt cảnh giác.

- Thế với số quan chức, số người méo mó về nhân cách, về tâm hồn, phải nhìn họ thế nào?

- Chỉ mới thấy những “đồng chí bị lộ” thôi, chứ những người này bề ngoài bóng bẩy lắm.

- Khó phát hiện hơn đám cà chua, khoai tây méo, và mức độ nghiêm trọng hẳn phải hơn nhiều lần các bà “lái rau”?

- Dĩ nhiên!