Khi mẹ già “thủ thế”...

ANTĐ - “Đến nước này thì tôi đành phải bó tay thôi ông ạ”! Tưởng quan hệ vợ chồng bạn có gì trục trặc, tôi gặng hỏi liền nhận được cái xua tay, lắc đầu ngao ngán... Đó là mở đầu câu chuyện của anh bạn tôi, nhưng cũng chính là tình cảnh của không ít gia đình hiện nay.


“Bỗng dưng” lục đục

Hôm rồi về quê, tôi định bụng ghé qua nhà anh bạn thân cùng nhâm nhi chén trà nóng và hàn huyên chuyện cũ. Khác hẳn với thái độ hồ hởi như mọi khi, anh bạn tôi mặt rầu rầu bảo: “Đến nước này thì tôi đành phải bó tay thôi ông ạ”! Tưởng quan hệ vợ chồng anh bạn có gì trục trặc, tôi gặng hỏi liền nhận được cái xua tay, lắc đầu ngao ngán.

Thì ra cách đây ít hôm, anh bạn tôi đề nghị với mẹ anh rằng sớm được bà bàn giao quyền làm chủ sở hữu mảnh đất “hương hỏa” mà cả gia đình đang ở hiện nay. Cái lý mà anh bạn tôi đưa ra là “kiến giả nhất phận”, anh là con trưởng, mẹ thì như chiếc lá ngày một úa vàng. Nhà có tới 4 anh, chị em. Ngộ nhỡ mẹ anh đột ngột “nằm xuống” thì… Anh bạn tôi vốn tính cẩn thận và hay lo xa nên mới “cả gan” đề nghị mẹ sang tên mảnh đất cả gia đình đang ở cho mình. Không chỉ có thế, một lý do khác khiến anh khẩn nài như vậy là vì muốn được toàn quyền mang “sổ đỏ” thế chấp vào ngân hàng vay vốn làm ăn.

Sự việc đơn giản chỉ có thế! Vậy mà hôm nghe con trai bày tỏ nguyện vọng, mẹ anh “giãy như đỉa phải vôi”, đồng thời thay đổi hẳn tâm tính. Bà cụ nhất quyết đòi ra ở riêng, chuyển hết đồ đạc xuống gian nhà ngang sinh sống. Và lẽ dĩ nhiên, mong muốn của anh bạn tôi không được bà cụ chấp nhận. Khổ cho anh bạn là từ hôm mẹ con bất đồng ý kiến đến nay, bà cụ chẳng nói chẳng rằng và luôn nói với hàng xóm là con trai mình bị nàng dâu xúi bẩy... Được tiếng là người có “uy tín” và không nỡ thấy cảnh mẹ con người bạn bất hòa, tôi đánh bạo hỏi chuyện bà cụ. Hóa ra không phải ngẫu nhiên mà mẹ anh bạn tôi lại “thủ thế” và chắc lép với con cái như vậy. Bà cụ bảo rằng, trước sau gì thì anh bạn tôi cũng sẽ là người kế thừa mảnh đất đó. Chỉ có điều khi ấy chính là lúc cụ chuẩn bị đi “gặp tổ tiên”… Bà cụ còn chỉ ra cho tôi một ví dụ làm gương. Vợ chồng bà A ở đầu làng sớm sang tên toàn bộ mảnh đất đang ở cho các con. Lúc phân chia, vợ chồng đứa nào đứa nấy đều ngon ngọt rằng sẽ phụng dưỡng bố mẹ cho đến lúc chết. Vậy mà ngay sau đó, cả 4 đứa con của vợ chồng bà A đều đổ đốn cả. Đôi vợ chồng già này hiện đang phải trú ngụ nhờ trong gian nhà dột nát của một người hàng xóm.          

                     

Phải biết tin tưởng nhau

Những tình huống tương tự như vậy hiện nay không hề hiếm gặp. Dẫn chứng thêm về trường hợp “dở khóc dở cười”, Thạc sỹ Lương Thị Hiền (Viện Xã hội học Việt Nam) bảo cách đây chưa lâu có một người đàn ông tìm đến xin chị tư vấn một “ca” khó.

Số là sau khi lập gia đình, anh M được bố mẹ sang tên cho ngôi nhà 2 tầng ở phố Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm. Vì căn nhà đã có phần xuống cấp nên vợ chồng anh M quyết định hùn hết tiền tiết kiệm được để sửa chữa. Thế nhưng khi vừa báo cáo dự định của mình, anh M bị mẹ phản ứng rất gay gắt. Lý do mẹ anh M phản đối là “nhà có dột nát đâu mà phải sửa”. Bà cụ nói thế, nhưng kỳ thực lý do khiến mẹ anh M không muốn vợ chồng con trai sửa nhà là vì bà ấy sợ con dâu xóa hết “dấu ấn” của mẹ chồng. Năm lần bảy lượt thuyết phục, cuối cùng anh M cũng được mẹ đồng ý cho sửa chữa “tư dinh”. Tuy nhiên, trong suốt quá trình thi công và cho đến tận bây giờ, tất cả các chi tiết, bài trí trong ngôi nhà, anh M đều phải nhất nhất tuân theo sự sắp đặt của mẹ…

Theo Thạc sỹ Lương Thị Hiền, những trường hợp cha mẹ “thủ thế” hoặc can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của con cái hiện nay không ít, thậm chí còn khá phổ biến ở một số khu vực và đối tượng nhất định. Đó là ở những nơi có tốc độ đô thị hóa cao, thường rơi vào những bậc cha mẹ không còn khả năng lao động và cuộc sống phải dựa hoàn toàn vào con cái. Tâm lý đó, khoa học xã hội gọi là tâm lý “tự vệ”. Trong hoàn cảnh này, nếu các thành viên trong gia đình không khéo léo giải quyết sẽ dẫn tới bất hòa và kéo theo nhiều hệ lụy khác.

 

Cũng theo Thạc sỹ Hiền, để không rơi các tình huống như trên, những người trong cuộc cần đặt mình vào hoàn cảnh của nhau. Cha mẹ thận trọng, đề phòng con cái có những việc làm không hay là cần thiết, nhưng cũng phải tùy từng trường hợp cụ thể. Người xưa vẫn dạy rằng: “Hiểu con không ai bằng mẹ”. Vậy nên trước khi “phong tỏa” tài sản chung hoặc đưa ra quyết định hệ trọng gì, các bậc cha mẹ cần cân nhắc kỹ lưỡng để không đẩy các thành viên trong gia đình vào hoàn cảnh khó xử. Hơn thế, một khi con cái đã trưởng thành thì cần phải để cho chúng hoàn toàn tự lập, tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Ngược lại, tạo dựng lòng tin đối với cha mẹ chính là bổn phận của những người làm con.