Khi mẹ chồng quá “rắn”

ANTĐ - Dù mới lấy chồng được 2 tháng nhưng hầu như lúc nào chị Lưu Hà Linh (ở khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cũng ở trong tình trạng căng thẳng. Nguyên nhân là do sự tiết kiệm thái quá của bà mẹ chồng khiến cô con dâu không thể thích nghi được với cuộc sống mới…

Tiết kiệm hay keo kiệt?

“Dù thu nhập hàng tháng của mọi người trong gia đình tôi ở mức khá song điều kiện sống lại khổ hơn thời bao cấp. Sau khi cưới được vài ngày, mẹ chồng tôi đã đưa cho tôi một bản nội quy gia đình với những nội dung hết sức cụ thể: Để tiết kiệm nước, 1 tuần chỉ được phép giặt quần áo một lần. Việc đun nấu hàng ngày sẽ dùng bếp than tổ ong, bếp gas chỉ sử dụng trong những lúc cấp bách. Đèn điện chỉ được dùng vào buổi tối, hạn chế dùng bình nóng lạnh hay các thiết bị điện… Chuyện ăn uống cũng phải triệt để tiết kiệm. Món ăn chính chủ yếu là cá, thịt kho mặn và rau luộc. Việc mua sắm của tôi cũng bị mẹ chồng “soi” rất kỹ. Mỗi khi tôi mua món đồ gì mới mẹ chồng tôi lại cằn nhằn “mua gì mà lắm thế, chẳng biết chi tiêu gì cả”. Bà thường xuyên lên phòng kiểm tra đồ dùng, quần áo của vợ chồng tôi, hễ thấy có đồ gì mới lại phàn nàn, ca cẩm suốt ngày. Tôi thấy mệt mỏi vô cùng. Dù đã thuộc lòng câu “nhập gia tùy tục” nhưng nếu tình trạng này kéo dài, chắc tôi sẽ trầm cảm mất” - chị Linh thở dài…

Cũng trong hoàn cảnh tương tự nhưng chị Nguyễn Thảo Vân ở phường Mỗ Lao, quận Hà Đông lại có cách giải quyết khác: “Không chỉ tiết kiệm trong chi tiêu ăn uống của cả nhà, mẹ chồng tôi còn vô cùng hạn chế trong việc chi tiêu cho nhu cầu bản thân. Mỗi khi con cái ngỏ ý muốn mua cho bà quần áo hay đưa bà đi chơi bà đều từ chối với lý do “thời buổi khó khăn, không nên lãng phí, tốn kém”. Mẹ chồng tôi do tiết kiệm nên cũng ham rẻ, hay mua hàng bán vỉa hè, nhất là quần áo, ga gối, khăn mặt cho cả nhà. Do giá rẻ nên những sản phẩm này chất lượng kém, hay phai màu và rất dễ rách, hỏng. Ban đầu tôi cũng rất khó chịu, thậm chí bất bình, cáu gắt với chồng nhưng khi hiểu ra rằng “mẹ làm thế cũng vì con cháu” nên tôi đã chọn cách ứng xử mềm mỏng hơn. Nắm bắt được tâm lý tiết kiệm của mẹ chồng, tôi thường tự mua đồ dùng gia đình, đồ ăn, đồ tặng mẹ rồi nói rằng đó là món đồ được giảm giá hay được tặng, để mẹ không phải nghĩ ngợi. Hoặc khi muốn thuê người giúp việc, tôi xin ý kiến mẹ chồng trước rồi phân tích cho bà hiểu được sự cần thiết của việc làm này. Theo tôi, điều quan trọng nhất là mỗi nàng dâu cần hiểu rằng mẹ chồng cũng như mẹ đẻ, đã quen nếp sinh hoạt rất hà tiện từ nhỏ và không quen hưởng thụ bởi bản thân họ đã từng trải qua những tháng năm vất vả. Không phải mẹ chồng tôi là người keo kiệt, mà chính sự nghèo đói, lam lũ trước đây đã khắc sâu vào tâm trí bà, khiến bà không bao giờ cho phép mình được vung vãi, hoang phí, điều đó làm bà thấy có lỗi”.

Chịu đựng hay phản ứng lại?

Theo Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú, khi gặp mẹ chồng tiết kiệm quá mức, chị em không nên phản ứng gay gắt mà nên quan sát tỉ mỉ cách sống của bố mẹ chồng để đưa ra cách ứng phó hiệu quả, như khéo léo mua đồ và chọn đồ cho bố mẹ chồng hài lòng. Ngoài ra chị em có thể tìm đến những người bạn thân của mẹ chồng để họ có thể tham gia góp ý. Thêm vào đó, vai trò cầu nối của người chồng cũng rất quan trọng. Các bạn cũng có thể đưa bố mẹ chồng đến chơi nhà những người hàng xóm có cách sống thoải mái hơn để họ tự so sánh, từ đó xem lại cách chi tiêu của mình…

Mâu thuẫn về cách sống, nhất là việc chi tiêu giữa nàng dâu với bố, mẹ chồng là chuyện không hiếm. Khoảng cách thế hệ, lối sống, tính cách, điều kiện sinh hoạt... là nguyên nhân chính tạo ra điều này. Chị em cũng cần hiểu rằng nguyên nhân khiến các bà mẹ chồng chi tiêu, sinh hoạt rất hà tiện, không cho mình cái quyền được hưởng thụ là do họ từng có một quá khứ quá vất vả, phải chạy ăn từng bữa. Nếp sinh hoạt và tư duy đó đã ăn sâu và trở thành thói quen rất khó bỏ. 

Là phận dâu con, chị em cần phải tìm ra cách để thích nghi với thói quen đó bởi sự đôi co, to tiếng, mặt nặng mày nhẹ chỉ khiến không khí trong gia đình thêm căng thẳng. Người già, nhất là những người ở nông thôn, thường có tâm lý dè sẻn trong chi tiêu bởi họ nghĩ mình không còn có khả năng làm ra tiền nên cần phải chi tiêu hợp lý để phòng khi “trái gió trở trời”. Họ nghĩ tiết kiệm xét cho cùng cũng là để cho con cháu. Với một số người, sinh hoạt tiết kiệm cũng xuất phát từ tính cách của họ. Trong khi đó, những phụ nữ trẻ hiện đại, có thu nhập độc lập lại có quan điểm trái ngược “làm thì phải tiêu”, kiếm tiền là để phục vụ cho nhu cầu của mình nên cảm thấy khó thích ứng với cách chi tiêu quá dè sẻn.