Khi mạng xã hội tràn ngập phát ngôn gây thù ghét: Phải làm sao?

ANTD.VN - Mạng xã hội (MXH) đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, kèm với đó là những tác động 2 mặt tích cực - tiêu cực mà loại hình kết nối này mang lại. Trong số các yếu tố tiêu cực của MXH, phát ngôn gây thù ghét (Hate Speech) bị xem là hành động ngày càng phổ biến và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Hate Speech “lên ngôi”: Làm gì để thôi thù ghét?

Có thể nói Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng là một môi trường mở với rất nhiều điều thú vị. Người ta có thể tìm được trên đó những kiến thức, kỹ năng, thông tin… mà không một nguồn nào phong phú, đầy đủ và đa dạng sánh ngang.

Tuy nhiên, đặc điểm “ẩn danh” của người dùng mạng cùng hàng rào kiểm duyệt nội dung còn nhiều bất cập đã khiến cho bất kỳ ai cũng trở nên “kỳ lạ” khi tham gia thế giới ảo.

Họ có thể văng tục, bộc lộ sự bức xúc, giận dữ, đe dọa, buông những lời mạt sát, miệt thị… gây sốc đối với những ai làm họ cảm thấy “không ưa”, mặc dù ngoài đời, những người có phát ngôn gây thù ghét đó có thể… rất dễ mến.

Hate Speech là vấn đề có tính toàn cầu ở các mạng xã hội khác nhau

Bởi vậy, nếu không kiểm soát tốt không gian tương tác trên Internet nói chung và MXH nói riêng, sẽ có rất nhiều hậu quả khôn lường từ những lời nhận định, bình luận vu vơ mà “chủ nhân” có danh tính hoàn toàn ẩn.

“Chúng ta đang chứng kiến sự phục sinh đáng kinh ngạc của hiện tượng làm nhục công cộng. Trong thời đại của Internet, chưa bao giờ con người lại bị lăng nhục nhanh, nhiều và dễ dàng đến thế. Sự vô hình của những cư dân mạng khác cũng làm chúng ta có xu hướng thờ ơ với nỗi đau của họ. Chúng ta không hình dung ra đằng sau cái bình luận hay cái avatar đó là một con người bằng xương bằng thịt” – TS Đặng Hoàng Giang – PGĐ Trung tâm CECODES, tác giả của cuốn “Thiện, ác & smartphones” – chia sẻ.

Khi mạng xã hội tràn ngập phát ngôn gây thù ghét: Phải làm sao? ảnh 2

TS. Đặng Hoàng Giang. Ảnh: Kang Phạm

Theo quan điểm của mình, TS Giang cho rằng việc làm nhục nhau trên mạng không phải là một điều mới mẻ, mà thực ra, nó là sự phục sinh của tư duy phong kiến: Trừng phạt bằng cách tấn công vào bản thể.

Rồi “Hate Speech” trở nên đáng sợ hơn, với sự “tiếp tay” của các kênh truyền thông “hồn nhiên”, thiếu trách nhiệm, của các công cụ internet thiếu bộ lọc đầy đủ, và từ đó, nó tạo ra hậu quả trong đời thực, dù những lời thù ghét chỉ hoàn toàn xuất hiện trên mạng.

TS Đặng Hoàng Giang nói về "Hate Speech" với các dẫn chứng gần gũi.

TS Đặng Hoàng Giang giải thích bối cảnh sinh ra "Hate Speech" và các quan điểm liên quan. Video: Trung Hiếu

Chia sẻ theo góc độ của mình, TS Phạm Hải Chung – đồng Trưởng ban Internet & Truyền thông, Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) – đã liệt kê ra một số “kiểu” phát ngôn gây thù ghét phổ biến trên MXH.

Đó có thể là những phát ngôn kỳ thị người khuyết tật, vu khống bịa đặt thông tin, kỳ thị dân tộc/giới tính/tôn giáo, hoặc nói xấu, phỉ báng người khác…

Khi mạng xã hội tràn ngập phát ngôn gây thù ghét: Phải làm sao? ảnh 3

TS Phạm Hải Chung. Ảnh: Kang Phạm

Theo TS Phạm Hải Chung, nhiều người đã lầm lẫn giữa phản biện, nói ra sự khác biệt với tấn công cá nhân, phát ngôn gây thù ghét trên MXH. “Chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt, văn hóa phản biện, nhưng không được quên yếu tố nhân văn với đồng loại” là điều mà TS Chung nhấn mạnh.

Cũng từ đó, TS Phạm Hải Chung cho rằng để hạn chế “Hate Speech”, cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, với các nhà cung cấp dịch vụ trên Internet, để đảm bảo các nội dung gây thù ghét được lọc nhanh hơn, chuẩn xác hơn, cũng như khiến cho các đối tượng thường xuyên đưa ra “Hate Speech” nhận ra đâu là điều sai trái.

TS Phạm Hải Chung kể về "kỷ niệm" trở thành nạn nhân của Hate Speech. Video: Trung Hiếu

Một số biện pháp được TS Chung chia sẻ để hạn chế nạn phát ngôn gây thù ghét là: Yêu cầu đối tượng đưa tin tự gỡ bỏ; Yêu cầu đối tượng đưa tin cải chính; Yêu cầu đối tượng xin lỗi theo quy định; Yêu cầu cơ quan nhà nước áp dụng biện pháp bảo vệ; Yêu cầu công ty cung cấp nền tảng công nghệ gỡ bỏ và Khởi kiện tại tòa án Việt Nam.

Lần đầu tiên Việt Nam có hội thảo về “Hate Speech”

Những quan điểm của TS Đặng Hoàng Giang và TS Phạm Hải Chung được đưa ra trong sự kiện Hội thảo “Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững”.

Đây là hội thảo đầu tiên tại Việt Nam về chủ đề “Hate Speech”, do Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH KHXH & NV) và Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin & Truyền thông đồng tổ chức, với sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sỹ và đại diện các cơ quan nhà nước, tổ chức truyền thông hàng đầu, cùng đại diện đến từ các đại sứ quán Anh, Thụy Điển, Hoa Kỳ.

Hội thảo nói trên hướng tới mục tiêu làm rõ và tạo được sự đồng thuận giữa Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp và xã hội về tác hại của “Phát ngôn gây thù ghét bất hợp pháp” đối với cá nhân, tổ chức và xã hội trên môi trường mạng xã hội. Đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới và dựa trên bối cảnh thực tế tai Việt Nam, hội thảo đồng tình quan điểm cần kết hợp những biện pháp mềm mang tính đạo đức và giáo dục với đề xuất xây dựng và triển khai “Bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội Việt Nam” theo đề xuất của Chương trình Nghiên cứu Internet & Xã hội, cùng việc tăng cương thực thi quản lý nhà nước với những quy định cứng rắn và cụ thể hơn để giảm thiểu và ngăn chặn vấn đề này.

Các vấn đề được đề cập trong hội thảo sẽ nằm trong những chủ đề chính của Diễn đàn Internet Việt Nam (Vietnam Internet Forum) lần thứ nhất dự kiến sẽ diễn ra vào Quý 4 năm 2017, đây là hội nghị quốc tế quy tụ các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách thảo luận đa chiều về mối quan hệ tương tác giữa Internet và các mặt của đời sống xã hội tại Việt Nam dưới góc độ của khoa học xã hội và nhân văn.

Tham dự và chia sẻ tại diễn đàn, bà Huỳnh Thị Xuân Liên, Phó Tổng Giám đốc Cấp cao phụ trách Marketing của Suntory PepsiCo Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp cho biết: “Công ty hoạt động tại Việt Nam trong hơn 23 năm qua với những tiêu chuẩn kinh doanh, đạo đức và chất lượng sản phẩm hết sức nghiêm ngặt, luôn luôn tuân thủ các quy định của Pháp Luật Việt Nam. Mặc dù vậy, trong thời gian gần đây, tin giả và phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội nhắm vào một số nhãn hàng của Công ty đã làm ảnh hưởng khá nghiêm trọng tới uy tín của chúng tôi. Điều này gây ra nhiều vấn đề hơn chúng ta nghĩ: nhãn hàng bị ảnh hưởng về uy tín, người tiêu dùng hoang mang, mất niềm tin. Ảnh hưởng này có thể vượt ra khỏi phạm vi một nhãn hàng hay một công ty, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và doanh thu của không những của công ty chúng tôi mà là toàn bộ ngành hàng và cả các công ty trong chuỗi cung ứng của chúng tôi. Điều này ảnh hưởng đến thu nhập cũng như việc làm cho người lao động trong các công ty liên quan, và quan trọng hơn nữa là sự ảnh hưởng đến thu nhập của Nhà Nước từ thuế khi kinh doanh của tất cả chúng tôi bị ảnh hưởng”.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các nhà báo, doanh nghiệp và cộng đồng

Do vậy, bà Liên cũng đưa ra ba đề nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội.

Thứ nhất, bà tin rằng nhà nước, cộng đồng cũng như doanh nghiệp có thể phối hợp với nhau để nâng cao ý thức cho người tham gia mạng xã hội. Họ cần nhận thức rằng những gì họ viết, chia sẻ hay bình luận có thể ảnh hưởng đến người khác, doanh nghiêp… và vì vậy họ cần cân nhắc, kiểm chứng thông tin trước khi đăng và biến nó thành một thói quen của người sử dụng mạng xã hội lành mạnh và có trách nhiệm.

Thứ hai, một hành lang pháp lý cho việc xử lý tin giả và thông tin gây thù ghét là cần thiết để bảo vệ cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Cuối cùng các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội cần có trách nhiệm với dịch vụ/nền tảng họ cung cấp để góp phần tạo ra một môi trường lành mạnh trên mạng xã hội.