Khi mạng xã hội được dùng đúng cách

ANTĐ - Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến công khai, đưa fanpage trên Facebook của mình vào hoạt động nhằm tiếp nhận phản ánh của người dân, đã có hàng trăm nghìn lượt thích (like) cùng vô vàn thông tin từ cộng đồng mạng gửi tới Bộ trưởng. Dù rất bận rộn, qua Facebook, nữ Bộ trưởng đã tranh thủ thời gian để giải đáp thắc mắc của người dân về tiêm phòng vaccine, an toàn thực phẩm, thuốc chữa bệnh... Đặc biệt, gần đây, Bộ trưởng đã tiếp nhận thông tin và chỉ đạo hỗ trợ, giúp đỡ 2 trường hợp gia đình chiến sỹ Trường Sa gây xúc động trong cộng đồng. 

Đầu tháng 3-2015, nhận được tâm thư về trường hợp cháu Phan Thu Hoài - con gái Thượng úy Phan Văn Hoàng - một chiến sỹ từng làm nhiệm vụ ở Trường Sa, bị mắc bệnh thiếu máu bẩm sinh và đang được điều trị tại Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương, ngày 11-3, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lập tức đề nghị cử đội ngũ chuyên gia giỏi nhất để cứu chữa cho cháu.

Tiếp đó, ngày 14-3, đúng dịp 27 năm ngày các chiến sỹ Hải quân hi sinh tại đảo Gạc Ma (Trường Sa), fanpage của Bộ trưởng Bộ Y tế nhận được bức thư đặc biệt gửi từ cháu Phan Thị Trang - con gái liệt sỹ ngã xuống tại đảo Gạc Ma, năm 1988 - bày tỏ nguyện vọng được Bộ trưởng giúp đỡ, tạo công ăn việc làm. Rất xúc động trước hoàn cảnh gia đình người chiến sỹ đã hy sinh thân mình vì chủ quyền Tổ quốc, Bộ trưởng đã chỉ đạo gửi ngay công văn đến Sở Y tế Nghệ An, đề nghị bố trí việc làm cho cháu Phan Thị Trang tại cơ sở y tế gần nhà, tạo cơ hội cho cháu được cống hiến cho xã hội. Những chỉ đạo kịp thời của Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, sẻ chia từ cộng đồng mạng. Những dòng trạng thái (status) trên fanpage của Bộ trưởng đã thực sự phát huy tác dụng, trở thành cầu nối đầy ý nghĩa giữa cá nhân Bộ trưởng và Bộ Y tế với người dân.

Facebook ngày càng trở nên phổ biến và liên tục gia tăng lượng người sử dụng tại Việt Nam. Đây rõ ràng là một kênh kết nối hữu hiệu, tức thời giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với người dân. Thông qua mạng xã hội, nhà quản lý có thể lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và cả những bức xúc, sáng kiến của người dân. Những phản hồi trực diện ấy chắc chắn sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách “đo” được dư luận, từ đó, có thể đưa ra những quy định pháp luật hợp lòng dân. Tiếp sau Bộ trưởng Bộ Y tế, rồi đây, hy vọng sẽ có thêm nhiều lãnh đạo các cơ quan gia nhập cộng đồng mạng một cách công khai. Xu hướng này hoàn toàn phù hợp với thực tế Việt Nam và kinh nghiệm trên thế giới, cũng đúng với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: “Mấy chục triệu người dùng Internet và mạng xã hội rồi, phải làm sao để thông tin chính thống của chúng ta cũng lên mạng xã hội. Quan trọng nhất là phải đưa lên mạng thông tin đúng, chính xác, kịp thời...”.