Khi kinh tế lao đao vì MERS

ANTĐ - Những con số thống kê mới nhất cho thấy nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng rất ì ạch trong quý II-2015. Những lo ngại về khó khăn mà đất nước này sẽ gặp phải sau khi bùng phát Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) đã trở thành hiện thực.

Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK), GDP của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á chỉ tăng vỏn vẹn 0,3% trong quý II-2015, thấp hơn nhiều so với mức 0,8% của quý I. Đây là mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua và thấp hơn dự báo mà các chuyên gia phân tích đưa ra trước đó. Hồi đầu tháng này, BoK lần thứ ba trong năm nay đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 của Hàn Quốc từ 3,1% xuống 2,8%, trong khi tiếp tục giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1,5%. 

Điều dễ nhận thấy khi đến Hàn Quốc vào thời điểm này là cảnh các cơ sở kinh doanh như các trung tâm mua sắm, nhà hàng, rạp chiếu phim… không còn nhộn nhịp như trước. Người tiêu dùng đang thắt chặt hầu bao, khiến doanh thu trong lĩnh vực này giảm mạnh. Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, chỉ số niềm tin người tiêu dùng ở nước này trong tháng 7 chỉ ở mức 100, tức là số người lạc quan ngang bằng với số người bi quan. 

Sự bùng phát của dịch MERS đã dẫn đến những hậu quả không ngờ. Kể từ khi xuất hiện ngày 20-5, dịch MERS đã lây lan tới 186 người tại Hàn Quốc, cướp đi sinh mạng của 36 người. Do lo ngại loại virus này, người tiêu dùng đã hạn chế các hoạt động giải trí, hội họp và mua sắm. Hàng loạt trung tâm mua sắm, nhà hàng, rạp chiếu phim rơi vào cảnh đìu hiu. Nhiều du khách nước ngoài cũng hủy kế hoạch du lịch đến “xứ Kim Chi”. 

Theo tính toán của ngành du lịch, lượng du khách nước ngoài đến Hàn Quốc trong tháng 6 đã sụt giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Còn trong 2 tuần đầu tiên của tháng 7, mức sụt giảm lên tới hơn 60%. Dù từ ngày 4-7 đến nay, Hàn Quốc chưa phát hiện thêm ca nhiễm MERS mới nào nhưng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lee Ju-Yeol vẫn khẳng định tác động kinh tế của dịch MERS sẽ kéo dài đến tận cuối tháng 8 tới. Đây chính là nhân tố lớn nhất dẫn tới tăng trưởng quý II giảm, đồng thời cho thấy viễn cảnh phục hồi của kinh tế Hàn Quốc rất khó khăn.

Khi kinh tế lao đao vì MERS ảnh 1

Dịch MERS đã khiến nền kinh tế Hàn Quốc chao đảo

Trong khi đó, xuất khẩu của Hàn Quốc, lĩnh vực chiếm hơn 50% sức mạnh của nền kinh tế Hàn Quốc, cũng liên tục sụt giảm từ đầu năm nay. Trong năm 2014, giá trị thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc đạt 89,22 tỷ USD và dự kiến năm nay sẽ tăng lên tới 94 tỷ USD, chủ yếu là do giá dầu thô toàn cầu giảm mạnh. Đây chính là nguyên nhân làm cho đồng won của Hàn Quốc tăng giá mạnh so với đồng yen Nhật và đồng euro, khiến các sản phẩm xuất khẩu của Hàn Quốc trở nên kém cạnh tranh hơn ở nước ngoài.

Trong nỗ lực giải cứu nền kinh tế, mới đây Chính phủ Hàn Quốc đã công bố gói kích thích 22.000 tỷ won (19,8 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp bị dịch MERS làm suy yếu. Nếu kế hoạch này được thông qua thì đây là khoản ngân sách bổ sung thứ hai kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhậm chức hồi tháng 2-2013. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch tăng nguồn quỹ tài chính cho nhiều chính quyền địa phương khi MERS lây lan khắp cả nước và tác động đến kinh tế. Trước đó, ngày 11-6, BoK đã có động thái giảm lãi suất chỉ đạo xuống còn 1,5%, mức thấp kỷ lục trong lịch sử nước này, để kích thích người vay.

Hàn Quốc cũng tìm cách đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao nhằm tạo các đầu tàu tăng trưởng mới. Theo kế hoạch, trong 3 năm tới, Hàn Quốc sẽ đầu tư 6.500 tỷ won vào nghiên cứu và phát triển 18 loại sản phẩm mới, tiên tiến và các loại công nghệ có liên quan như các loại pin lithium-ion, màn hình LED sinh học thế hệ mới… Nước này kỳ vọng việc xuất khẩu 18 loại sản phẩm và công nghệ mới này trong năm 2018 sẽ đem về cho Hàn Quốc khoảng 47,4 tỷ USD. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự kiến, chưa ai biết kế hoạch “giải cứu xứ Kim chi” sẽ đi đến đâu.