Khi không thể đợi lương tâm

ANTĐ - Bên cạnh nỗi lo về chất lượng dạy và học, nguy cơ bạo lực trong học đường, cơ sở vật chất thiếu độ an toàn…, giờ đây các bậc phụ huynh lại thêm một nỗi thấp thỏm với bữa ăn bán trú của con. Sau bê bối mất an toàn thực phẩm tại loạt trường tiểu học ở Bình Dương, một lời cảnh báo rất thiết thực được đặt ra với ngành giáo dục Hà Nội: chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào từ bếp ăn bán trú, không có nghĩa là tất cả đều an toàn và đảm bảo vệ sinh. 

Thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta thế nào, không phải nói thì ai cũng biết. Với nhận thức “ngắn hạn” và cả thói làm ăn chộp giật, chạy theo lợi nhuận mà bất chấp tất cả mọi hậu quả của không ít người kinh doanh nói chung và những người kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm hiện nay, thì nguy cơ luôn rình rập và hậu quả chưa xảy ra chẳng qua chỉ là nhờ… may mắn. Chưa cần tới mức dùng thịt, cá đã bốc mùi như Công ty Nhật Phú Hào ở Bình Dương, chỉ cần mua “thực phẩm tươi sống” để qua 1-2 ngày, nhà cung cấp đã có thể lãi hơn bình thường gấp rưỡi. Khi chế biến thành món ăn, đến người lớn còn không phân biệt được nữa là trẻ con. “Dinh dưỡng chỉ giảm đi chứ không gây hại”, với suy nghĩ đó, bất cứ nhà cung cấp thực phẩm cho bếp ăn bán trú nào cũng có thể tặc lưỡi bỏ qua các nguy cơ, để ngày ngày đưa lên bàn ăn của học sinh tiểu học những thứ đồ vô giá trị, thậm chí còn tiềm ẩn tác hại lâu dài. 

Khi không thể trông chờ vào sự tử tế của những người làm dịch vụ bên ngoài, thì đành hy vọng vào lương tâm của các nhà giáo dục. Thị trường cung cấp bữa ăn cho trẻ tiểu học rõ ràng là một miếng bánh ngon, lại ổn định, lâu dài, nên ai cũng muốn giành lấy. Chỉ cần ban giám hiệu chợt “quên” đi trách nhiệm của mình trong giây lát, nhắm mắt giả ngơ, kiểm tra qua quít cho xong hoặc thậm chí ăn chia lợi ích với doanh nghiệp, thì hậu quả sẽ khôn lường. Còn nếu ban giám hiệu nhà trường thực sự sâu sát và kiên quyết trong việc quản lý bếp ăn bán trú, thì không có chỗ cho những nhà thầu làm ăn bát nháo chui lọt. 

Cơ quan quản lý giáo dục thì khẳng định “quan tâm hàng đầu” đến các bếp ăn bán trú, nhưng dù quan điểm là vậy thì các cơ quan này cũng không thể ngày nào cũng kiểm tra, chưa nói đến việc có những khâu còn nằm ngoài chức năng của ngành giáo dục, như đầu vào, quy trình sản xuất thực phẩm. Khi có sự vụ xảy ra, ngành giáo dục cũng chỉ biết giải thích “khó làm triệt để”. Bởi vậy, chỉ có cách siết chặt vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung, mới có thể giảm bớt nguy cơ đối với những bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú của học sinh. Phải xử lý hình sự những kẻ cố tình vi phạm về an toàn thực phẩm ngay khi xác lập hành vi chứ không phải chờ tới lúc đã có hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Có như vậy, người dân mới có thể bớt lo mỗi khi trẻ tới trường.